Thế giới tuần qua: Cú đấm, lướt sóng, xoay trục

Khi hương vị bánh chưng ở Việt Nam còn đang nồng nàn, thì Philippines đã một lần nữa xoay trục. Donald Trump đụng phải “tường” trong khi vẫn kịp o bế cho các đại gia ngân hàng. Người dân Ukraine trải qua tuần khủng khiếp, trong khi Iran “tiềm năng” trở thành kẻ gài mìn cho cuộc cạnh tranh vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Cú đấm vào chính sách của Donald Trump

Trong khi Donald Trump mải xây tường với Mexico, thì ngay trong chính nước Mỹ đã có bức tường dựng lên đối phó với tân Tổng thống.

Ngày 3/2, thẩm phán liên bang thành phố Seattle đã ngăn chặn chính phủ liên bang thực hiện lệnh cấm dòng người nhập cư từ 7 quốc gia theo đạo Hồi. Dù chỉ có 40 vụ kiện đệ trình phản đối lại lệnh cấm của Trump, song phán quyết là đón giáng mạnh mẽ nhất vào chính quyền mới cho đến lúc này.

Ảnh: Spencer Platt / Getty

Các lệnh trước đó đã cố gắng “thuyết phục” chính phủ cho phép những người có thị thực hợp lệ lên máy bay. Nhưng Bộ Ngoại giao đã “tạm thu hồi” visa trong đợt càn quét thị thực lớn nhất từ trước đến nay, ngay sau khi Trump ký sắc lệnh. Vì vậy, theo Politico, “những người có thị thực hợp lệ” hầu như chẳng có ai cả.

Washington Post trích lời Bộ Ngoại giao cho biết đã thu hồi 60 nghìn visa. Nhưng một luật sư của Bộ Tư pháp lại tiết lộ phải hơn thế, khoảng 100 nghìn visa.

Dù thế nào thì việc này đã đảo lộn cuộc sống của hàng trăm nghìn người. Theo Vox, những người muốn đến Mỹ tạm gác lại kế hoạch. Những người đã ở Mỹ thì không dám rời đi vì sợ không còn được quay lại.

Phán quyết ngày 3/2 có thể thay đổi điều này. Ít nhất là tạm thời. Chính quyền cuối cùng đã “làm rõ” (thừa nhận) rằng sắc lệnh mới không áp dụng với người có thẻ xanh.

Trước đó, Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ đã đóng băng tất cả đơn xin nhập cư (bao gồm thẻ xanh và quyền công dân). Chưa rõ ràng liệu họ có buông lỏng ra không. Nhưng việc chính quyền thu hồi một phần tuyên bố táo bạo trước đó là dấu hiệu cho thấy chủ trương cấm nhập cư không được chào đón như kỳ vọng, bất chấp các cảnh báo về nguy cơ khủng bố.

Trump cổ vũ ngân hàng “lướt sóng”

Trong lợi ích rất lớn cho Phố Wall, ngày 3/2, chính quyền Donald Trump đã ký sắc lệnh làm suy yếu đạo luật Dodd-Frank dùng để kiếm chế các động thái thái quá của ngành công nghiệp tài chính và ngăn chặn nhiều tập quán đầu tư mạo hiểm dẫn đến khủng hoảng 2007-2008.

The Wall Street Journal cho biết: Phần lớn nội dung không thay đổi các chính sách hiện hành. Duy chỉ có một ngoại lệ quan trọng: Trump đã “quăng” đi quy định dưới thời Obama nhằm ngăn chặn các cố vấn tài chính “xén” khách hàng bằng cách chỉ dẫn họ hướng đến đầu tư rủi ro cao, song tiền hoa hồng cực lớn. “Quy tắc ủy thác” được xem là đặc biệt quan trọng để bảo vệ người yếu thế như người già, người nghèo. Vox nhận định: Những người này sẽ bị tổn thương nhiều nhất khi Trump bãi bỏ quy định.

Phần lớn nội dung sắc lệnh cũng buộc các cơ quan liên bang xem xét lại các luật điều chỉnh hệ thống tài chính Mỹ. Các nhà lập pháp phải báo cáo lại trong 120 ngày để tìm ra những mâu thuẫn, nhằm “trao cho người Mỹ đưa ra quyết định tài chính độc lập” và “khôi phục trách nhiệm cộng đồng”.

Động thái này của Trump đi ngược hoàn toàn những điều ông đã thể hiện trong chiến dịch tranh cử: liên tục tấn công các ngân hàng thuộc về “cơ cấu quyền lực toàn cầu”, chỉ trích Lloyd Blankfein (CEO của Goldman Sachs) là “tòng phạm” với bà Hillary Clinton.

Jamie Dimon - CEO của JP Morgan - được Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters

Thế nhưng, đứng bên cạnh Trump trong ngày 3/2/2017 sóng gió đó là Jamie Dimon - CEO của JP Morgan, Stephen Schwarzman - Giám đốc điều hành công ty đầu tư tư nhân, Larry Fink - Chủ tịch ngân hàng đầu tư BlackRock.

Lý do cũng thật hợp tình hợp lý: “Còn ai có thể nói cho tôi về đạo luật Dodd-Frank phù hợp hơn Jamie”, ông Trump tuyên bố.

Xem thêm: Dove “đùa” Donald Trump bằng quảng cáo hài hước

“Ông bập bênh”

Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phát triển chính sách mà báo giới gọi là “ chính sách bập bênh ”: Lúc thì hòa đàm với Mỹ, khi muốn nhờ viện trợ Trung Quốc. Đến ngày 31/1, ông Duterte một lần nữa gây chú ý bằng tuyên bố trước lực lượng vũ trang quốc gia đã nhờ Trung Quốc hỗ trợ tuần tra vùng biển quốc tế gần Philippines để giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến khủng bố.

Theo The Diplomat, nạn hải tặc ở Philippines đúng là có gia tăng, song chưa thể đến mức “vui mừng” khi có sự hiện diện của một nước gây tranh cãi. Thông thường, các nước trong khu vực sẽ liên kết với nhau để giải quyết, trong trường hợp này là Philippines - Indonesia - Malaysia. Chẳng hạn: Ở eo biển Malacca có đội tuần tra tổng hợp sức mạnh từ bốn nước có liên quan Indonesia - Malaysia - Singapore - Thái Lan mà không phải mời gọi lực lượng từ bên ngoài. Những nỗ lực mời gọi sức mạnh từ bên ngoài rất nhạy cảm, bởi không chỉ liên quan đến an ninh, lãnh thổ của một nước mà cả các nước xung quanh. Đây chính là lý do mà Mỹ từng ngỏ ý muốn giúp đỡ các nước trong khu vực Malacca, nhưng không được chấp nhận.

The Diplomat nhận định lời tỏ lòng muốn giúp đỡ của Trung Quốc và lời đề nghị giúp đỡ từ Philippines có thể “kéo dài nỗi quan ngại về sự bành trướng của Trung Quốc” trong khu vực. Dù mời gọi một nước “bên ngoài” vào giúp đỡ là vẫn có, song rất hãn hữu và thường xuất hiện khi nhận thấy có mối đe dọa từ quốc gia “bên ngoài” khác.

Ukraina: Tuần đẫm máu nhất kể từ năm 2015

AP nhận định tuần qua là tuần đẫm máu nhất ở Ukraine kể từ năm 2015. Cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai (được cho là có Nga hậu thuẫn) đã lấy đi mạng sống của 33 người, bao gồm cả dân thường, làm bị thương hàng chục người, khi tên lửa và pháo binh hạng nặng tiến đến khu dân cư ở phía Bắc thành trì nổi dậy Donetsk.

Tìm kiếm “cơ may” còn sót lại trong đống đổ nát ở Ukraine

Ảnh: AP

Bạo lực đã khuấy đảo cuộc sống của hơn 160 nghìn người. Họ phải sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước, giữa lúc giá rét đang lên cao sau khi pháo kích đã bắn trúng cơ sở hạ tầng tiện ích của thành phố. Hầu hết người dân trong khu vực phải sống dựa vào ánh sáng le lói của nến và đồ ăn cứu trợ để tồn tại.

Không ngạc nhiên khi hai bên đổ lỗi cho nhau. Quân ly khai và quân chính phủ Ukraine đã giao chiến với nhau kể từ năm 2014, sau khi Moscow kéo quân vào Crimea thuộc miền Đông Ukraine. Hai bên đồng ý thỏa thuận hòa bình tháng 2/2015 (do Đức, Pháp làm trung gian hòa giải). Nhưng thỏa thuận đã bị phá vỡ bởi các cuộc đọ súng. Theo Reuters, tính từ năm 2014, số người thiệt mạng vì xung đột đã lên đến hơn 9.800 người.

Trong lần xuất hiện đầu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã lên án Nga về vụ bạo lực và kêu gọi Moscow hạn chế leo thang. Đó là bài phát biểu quen thuộc mà Mỹ đã thực hiện nhiều lần kể từ năm 2014. Bà Haley tuyên bố các biện pháp trừng phạt lên Crimea sẽ được giữ nguyên cho đến Nga trả lại quyền kiểm soát bán đảo cho Ukraina.

Tuy nhiên, tuyên bố mạnh mẽ này không thực sự tác động lên quan điểm của Donald Trump với nước Nga. Trump và những người ủng hộ nhiều lần bày tỏ mối quan tâm đến quan hệ Mỹ-Nga. Sự thay đổi này đã khiến Ukraine lo ngại về khả năng Mỹ loại bỏ trừng phạt nhằm vào Nga. Nhà Trắng hầu như không đưa ra bình luận về Nga và Ukraine trong tuần qua. Bình luận của Bộ Ngoại giao về sự leo thang cũng không đề cập trực tiếp đến Nga.

Mối lo ngại của Ukraine là có lý do. Bởi trong chiến dịch tranh cử diễn ra trước đó, Donald Trump đã nói rằng: Ông nghe thấy tiếng lòng người dân Crimea “ở với Nga tốt hơn”. Chỉ một ngày sau khi Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc nói chuyện chính thức đầu tiên, miền Đông Ukraine lại dậy vang tiếng súng đạn.

Ẩn số Iran

Ngày 1/2, sau khi Iran tuyên bố đã thực hiện vụ thử tên lửa đạn đạo vào cuối tuần trước, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố “Chính thức đưa Iran vào tầm ngắm”. Michael T. Flynn - Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng - đe dọa trả đũa, song không đưa ra bất kỳ thông tin nào khác hơn.

Michael T. Flynn - Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng - đe dọa trả đũa Iran, song không nêu chi tiết. Ảnh: Pool/Getty

Câu hỏi hiện nay là: Liệu Iran có vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đã ký với Mỹ và các cường quốc khác vào năm 2015? Bởi trong thỏa thuận này có nêu: Iran không được thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Hẳn nhiên, Hossein Dehghan - Bộ trưởng Quốc phòng Iran - tuyên bố nước này không vi phạm bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào. Còn Trump từ lâu đã chỉ trích thỏa thuận với Iran và tuyên bố sẽ “xé” nó ngay từ khi còn tranh cử. Tuy nhiên, theo nhận định của Vox, xé đi lúc này cũng không gây quá nhiều thiệt hại cho Iran khi giờ đây nước này đã có nhiều tiền và “không gian” theo đuổi chương trình nghị sự quốc phòng hơn.

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/the-gioi-tuan-qua-cu-dam-luot-song-xoay-truc