Thế giới với nắng mưa đảo lộn

Lũ lụt đang giết chết hàng chục người tại Brazil và làm tê liệt một thành phố với khoảng 4 triệu dân. Trong khi đó, các cử tri ở Ấn Độ đang ngất xỉu trong cái nóng lên tới 46,3 độ C.

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở Porto Alegre, bang Rio Grande do Sul, Brazil. Nguồn: AP.

Nắng mưa đảo lộn

Một đợt nắng nóng tàn khốc ở châu Á đã khiến các trường học ở Philippines phải đóng cửa, khiến nhiều người thiệt mạng ở Thái Lan và lập kỷ lục tại Indonesia, Malaysia, Maldives và Myanmar. Nhiệt độ kỷ lục cũng đang tấn công nhiều nơi ở châu Phi. Trong khi đó, lũ lụt tàn phá thành phố Houston và nước Mỹ nói chung vừa chứng kiến số lượng lốc xoáy cao thứ hai trong tháng 4.

Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera cho biết, chỉ trong 5 ngày đầu tiên của tháng 5, 70 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã phá kỷ lục về nhiệt độ. 2 thành phố Nandyala và Kadapa ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ đã thiết lập mức nhiệt độ cao nhất mọi thời đại là 46,3 độ C.

“Các đợt nắng nóng ở Ấn Độ cho đến nay là loại hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm nhất. Chúng là dạng cực đoan gia tăng mạnh mẽ nhất trong một thế giới đang nóng lên” - nhà khoa học khí hậu Friederike Otto cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tuần.

Vào cuối tháng 4, nhiều vùng phía Bắc Thái Lan đạt mức 44 độ C, trong khi thị trấn Chauk ở khu vực nóng nhất Myanmar đạt kỷ lục 48,2 độ C. Nhiều quốc gia châu Phi cũng đang phải đối mặt với nắng nóng thiêu đốt khi nhiệt độ lên tới 47,5 độ C ở Kayes và Mali. Thủ đô của Niger có đêm tháng 5 nóng nhất và thủ đô của Burkina Faso có đêm nóng nhất trong tháng. Tại Tchad, nhiệt độ dự kiến sẽ duy trì trên 45,6 độ C trong cả tuần.

Các nhà khoa học cho biết, khi thế giới ấm hơn, có thể xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan hơn, bao gồm nhiệt độ cao và lượng mưa kỷ lục. Ông Alvaro Silva - một nhà khoa học khí hậu tại Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, biến đổi khí hậu cũng đang làm thay đổi các kiểu thời tiết, dẫn đến các hệ thống mưa và nóng bị đình trệ trên các khu vực và dòng phản lực uốn khúc. Thêm vào những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu là hiện tượng El Nino hiện đang suy yếu và xuất hiện ngay sau đó là La Nina kéo dài 3 năm.

Theo ông Francisco Aquino, nhà khí hậu học tại Đại học Liên bang Rio Grande do Sul, đợt nắng nóng kỷ lục ở Brazil đã bóp nghẹt các thành phố lớn như Sao Paulo, nhưng cũng đồng thời đẩy mưa bão di chuyển qua miền Nam đất nước, khiến nó trở nên nguy hiểm.

Thành phố Houston thuộc bang Texas của Mỹ vẫn đang cố gắng khô ráo sau nhiều ngày mưa lớn khiến hơn 600 người cần được giải cứu khỏi lũ lụt, trong đó có 233 người ở Houston. Ngay phía Đông Bắc Houston, lượng mưa rơi đạt khoảng 58cm. Cùng với đó, tháng 4 cũng đã mang đến những trận mưa lớn nhất từng được ghi nhận tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, làm ngập các đường cao tốc hiện đại và Sân bay Quốc tế Dubai.

Thái cực mới của thời tiết

Trong một thế giới ngày càng quen với sự thay đổi thất thường của thời tiết, những tuần vừa qua dường như đã đưa những thái cực về môi trường đó lên một tầm cao mới. Một số nhà khoa học khí hậu cho biết, họ khó có thể nhớ được thời điểm mà nhiều nơi trên thế giới có thời tiết quá độ cùng một lúc như bây giờ.

Ông Jonathan Overpeck - Trưởng khoa Môi trường của Đại học Michigan cho biết: “Vì chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu tăng vọt chưa từng có trong 11 tháng qua, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tồi tệ vào đầu năm nay. Nếu tốc độ nóng lên kỷ lục này tiếp tục diễn ra, năm 2024 có thể sẽ là năm kỷ lục về thảm họa khí hậu và sự đau khổ của con người”.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc các đại dương nóng kỷ lục trong 13 tháng liên tiếp là một yếu tố tiềm ẩn gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Tất cả điều này xảy ra khi thế giới vừa kết thúc tháng nóng kỷ lục thứ 11 liên tiếp, theo Cơ quan khí hậu Châu Âu Copernicus.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu là 15 độ C vào tháng 4 đã đánh bại kỷ lục cũ từ năm 2016 là 0,14 độ C. Tháng trước ấm hơn 1,58 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp cuối thế kỷ 19. Thế giới vào năm 2015 đã áp dụng mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng mục tiêu này chủ yếu áp dụng cho mức nóng lên trong 1 thập kỷ trở lên chứ không phải 1 tháng.

Theo ông Silva, có một số yếu tố là nguyên nhân gây ra tình trạng cực đoan gần đây và biến đổi khí hậu là yếu tố quan trọng nhất. Vấn đề là thế giới đã thích nghi và xây dựng các thành phố được thiết kế phù hợp với nhiệt độ và lượng mưa của thế kỷ 20, nhưng biến đổi khí hậu lại mang đến nhiệt độ cao hơn và mưa lớn hơn.

Bà Katharine Hayhoe - Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên cho biết: “Biến đổi khí hậu đang gây thời tiết bất lợi đối với chúng ta ở mọi nơi trên thế giới. Điều này có nghĩa là nó không chỉ làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng phức tạp”.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/the-gioi-voi-nang-mua-dao-lon-10279559.html