Thẻ nhà báo: người dùng không có, người có không dùng

ANTT.VN – Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) vừa tổ chức Hội thảo "Góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chỉ (sửa đổi) dưới góc nhìn lợi quyền phóng viên", thu hút sự quan tâm của các đơn vị quản lý báo chí, đội ngũ chuyên gia và đông đảo các nhà báo đang hành nghề.

80% nhà báo bị cản trở tác nghiệp, đe dọa, hành hung… do chưa được cấp thẻ

Một trong những vấn đề gây tranh luận sôi nổi nhất tại buổi hội thảo là câu chuyện xoay quanh quy định cấp thẻ nhà báo.

PV Nguyễn Trần Chung (ảnh: Diệp Chi)

Anh Nguyễn Trần Chung – PV báo điện tử Người đưa tin chia sẻ: “Do chưa đủ thời gian 3 năm công tác liên tục tại một tờ báo nên tôi chưa được cấp thẻ nhà báo, điều này đã gây bất lợi rất lớn cho tôi trong quá trình tác nghiệp. Khi tôi đi công tác tại một xã thuộc diện 135 của Thanh Hóa, lãnh đạo xã từ chối hợp tác, yêu cầu phải có chỉ đạo của huyện xuống, vì không có thẻ nên tôi không thuyết phục được họ. Thêm nữa, trong quá trình đi công tác xa, nhiều khi nảy sinh đề tài bất chợt, không thể quay lại tòa soạn để xin giấy giới thiệu nên đành bỏ đề tài”.

Một trường hợp khác: Anh Lương Bằng đã công tác ở Báo Hải quan đến năm thứ 6 nhưng không hiểu sao vẫn chưa được cấp thẻ nhà báo. Anh Bằng cho biết anh đã gặp không ít khó khăn. Lẽ ra nếu có thẻ, anh đã được cơ quan cử theo dõi Quốc hội và một vài sự kiện trọng đại khác. Để khắc phục, anh Bằng thường phải “thủ” sẵn trong người một vài tờ giấy giới thiệu khống, khi nào đến đâu thì tự điền tên đơn vị cần phối hợp vào.

Trình bày tham luận của mình, nhà báo Phạm Trung Tuyến (Phó GĐ Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói VN) cho rằng: Những quy định cứng nhắc về điều kiện cấp thẻ nhà báo, vốn là sự cản trở quan trọng đối với quyền được hành nghề của phóng viên, hiện vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Luật báo chí mới.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến (phải)

Dưới góc độ là một nhà báo, một nhà quản lý báo chí, ông Tuyến cho rằng 3 năm đầu hành nghề là thời điểm đặc biệt quan trọng của nghề phóng viên. Đó là giai đoạn hình thành các thói quen tác nghiệp, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của một nhà báo chuyên nghiệp. Nếu không có thẻ nhà báo (không được pháp luật công nhận), các phóng viên trẻ buộc phải sử dụng những thủ thuật, mánh lới để hoàn thành công việc (ví dụ gian dối khi sử dụng giấy giới thiệu khống).

Tại Điểm 1 Điều 34 Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định “ Thẻ nhà báo là loại thẻ duy nhất được pháp luật công nhận trong hoạt động báo chí”. Theo ông Tuyến: “Vậy giấy giới thiệu có giá trị như thế nào? Có được pháp luật công nhận hay không?”

Điểm 5 Điều 34 lại mở rộng đối tượng được cấp thẻ nhà báo là cộng tác viên thường xuyên của Đài tình, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 12 tác phẩm báo chí đã phát sóng trong vòng 1 năm, như vậy phải chăng cộng tác viên lại được cấp thẻ dễ hơn phóng viên?

Ngoài ra, cũng theo ông Tuyến, dưới góc độ quản lý, quy định 3 năm liên tục mới được cấp thẻ còn tạo ra khó khăn cho cơ quan báo chí về vấn đề sử dụng nguồn nhân lực là phóng viên trẻ đi tác nghiệp độc lập ở địa bàn xa, hay đi thường trú để rèn luyện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Vinh (Chủ tịch Liên chi hội nhà báo – Ban Tuyên giáo trung ương) phản ánh một thực trạng: tại nhiều cơ quan báo chí, những phóng viên trẻ, một đội ngũ hùng hậu có kiến thức “tươi mới”, có năng lực, nhiệt huyết thì không được cấp thẻ để hành nghề, trong khi những đối tượng khác như kế toán, phát hành… đủ thời gian 3 năm trở lên thì lại được cấp thẻ, nhưng không dùng đến, nói đúng hơn là chỉ dùng để xuất trình khi vi phạm giao thông (!).

Ông Vinh bày tỏ suy nghĩ không thể hiểu nổi tại sao phải là 3 năm mới được cấp thẻ nhà báo mà không phải là ngay sau thời gian tập sự. Tại sao lại là 3 năm mà không phải 2 năm hay 4 năm, cái này cần phải giải thích rõ. Các ngành nghề khác có yêu cầu 3 năm hay không?

Theo thống kê của Chương trình bảo vệ tác nghiệp (Trung tâm truyền thông Phát triển – RED) thì 80% đối tượng bị cản trở tác nghiệp, thậm chí hành hung là những phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo.

Nhà báo Trần Quốc Hải

Từ các nhận định đó, nhà báo Trần Quốc Hải (Điều phối viên Chương trình Bảo vệ tác nghiệp - RED) kiến nghị: Hoặc là bỏ tiêu chuẩn 3 năm trong Luật báo chí, hoặc là trao quyền cho Tổng biên tập/cơ quan chủ quản báo chí thẩm định, đánh giá và quyết định việc đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cấp thẻ nhà báo cho phóng viên của mình, bởi chỉ có cơ quan báo chí mới biết rõ ai là người đủ điều kiện để hành nghề.

Đề xuất này được phần lớn người tham gia hội thảo đồng tình.

Cụ thể hóa chế tài xử lý hành vi cản trở tác nghiệp, hành hung nhà báo

Né tránh cung cấp thông tin, mua chuộc, đe dọa, giữ người, tấn công gây thương tích, trả thù, thậm chí quấy rối… được nhận diện là những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp. Tình hình này hiện đang diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có chế tài xử lý để bảo vệ những người làm báo.

Tuy nhiên, theo nhà báo Trần Quốc Hải, dự thảo chỉ mới dừng lại ở mức cảnh báo cho các đối tượng ngoài xã hội, chưa định tính và định danh cụ thể và dẫn chiếu xử phạt theo tội danh gì trong của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự. Hoạt động nghiệp vụ của phóng viên chưa được thừa nhận là “vì lợi ích chung” để khi có hành vi xâm hại, cản trở sẽ được xử lý theo Luật Hình sự.

Theo khoản 2, điều 5, phóng viên phải được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tin chính xác, trung thực, đúng thẩm quyền để loại trừ những dư luận hoặc lời đồn thổi “ngoài luồng”. Nhưng khảo sát của RED cho biết 52,6% có hành vi cản trở “từ chối hoặc né tránh cung cấp thông tin”; 47,66% có hành vi gây khó dễ “khất hẹn các cuộc tiếp xúc”.

Đặc biệt, hành vi khất lần tiếp xúc xảy ra khá phổ biến ở chính các cơ quan nhà nước, nhằm mục đích trì hoãn việc cung cấp thông tin để phóng viên nản phải bỏ cuộc.

Trong khi Luật Báo chí ghi rõ: “Người nào vi phạm các quy định về cũng cấp thông tin, trả lời trên báo chí,…thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” và Luật công chức quy định về mức xử phạt, hình thức kỷ luật với mức cao nhất là “bãi nhiệm” đối với cán bộ hoặc “buộc thôi việc” đối với công chức, viên chức, song chưa thấy có hình thức nào được áp dụng.

Có mặt tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng Phòng Pháp luật - Chính sách, Cục Báo chí – Bộ TTTT) và bà Lê Thị Phương Nam (Vụ trưởng Vụ văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) lắng nghe và bày tỏ sự chia sẻ với ý kiến đóng góp của các nhà báo.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng Phòng Pháp luật - Chính sách, Cục Báo chí – Bộ TTTT)

Ông Nguyễn Văn Hiếu thay mặt cơ quan soạn thảo giải thích một số điểm thắc mắc, đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản dự thảo trước khi trình Quốc hội vào tháng 11 tới.

Bà Lê Thị Phương Nam (Vụ trưởng Vụ văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

Bà Lê Thị Phương Nam khẳng định: Luật báo chí (sửa đổi) lần này không chỉ để quản lý báo chí và còn nhằm mục đích thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Do vậy, quyền lợi được tiếp cận thông tin của công dân và quyền tác nghiệp của phóng viên sẽ được bảo hộ ở mức tốt nhất.

Diệp Chi

Nguồn ANTT: http://antt.vn/the-nha-bao-nguoi-dung-khong-co-nguoi-co-khong-dung-0113572.html