The Salesman: Cái chết của giấc mơ Mỹ

Thật tồi tệ khi phải sống ở nơi không có luật pháp nhưng sẽ là tồi tệ không kém nếu sống ở nơi chỉ có luật pháp.

Một cảnh trong phim The Salesman

Trong những năm gần đây, mối quan hệ của Mỹ và Iran dường như chưa bao giờ tốt đẹp. Mới đây tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã ban hành sắc lệnh hạn chế nhập cảnh với 7 quốc gia hồi giáo trong đó có Iran. Còn đạo diễn Asghar Farhadi thì từ chối đến Los Angeles để tham dự lễ trao giải Oscar lần thứ 89.

Tuy nhiên bỏ ngoài nhưng yếu tố chính trị tác động đến việc xét giải mặc dù chúng ta không bao giờ có thể tách rời nó cả thì The Salesman vẫn giành được tượng vàng Oscar cho hạng mục bộ phim không nói tiếng Mỹ xuất sắc nhất.

Đây là một chiến thắng lớn của Iran ở lĩnh vực điện ảnh.Chỉ trong 5 năm Asghar Farhadi và Iran đã 2 lần chiến thắng ở giải thưởng này. Lần đầu với A speration-Cuộc chia ly (2011) đưa tên tuổi ông lên hàng số ít những người từng thắng giải thưởng này nhiều lần cùng với Federico Fellini, Vittorio De Sica và Ingmar Bergman.

Asghar Fashadi nhìn thế giới văn minh hiện đại hay quê hương Iran của ông như là sự đổ vỡ tận nền tảng ngôi nhà xưa yêu dấu, thay vào đó là những tòa nhà bê tông mới nhưng chưa thành hình, ở đó, con người bị bần cùng hóa không chỉ về nơi ăn chốn ở mà cả về nhân cách. Cái phải tan vỡ, đi vào quá khứ thì dùng dằng chưa đi được, cái phải đến thì mới chỉ đứng được một chân trên đống đổ nát, con người đối diện với nỗi thống khổ dày vò và không biết phải sống như thế nào để được yên ổn, hạnh phúc.

Xét cho cùng, đó là bi kịch nhân sinh của mọi cá nhân ở bất cứ thời đại nào nhưng vấn đề nằm ở chỗ: nỗi thống khổ ấy có lấp lánh nhân tính, có hơi ấm của bàn tay khi chìa ra bắt tay người khác hay là sự oán thán nghịch cảnh đầy thù hận? Đạo diễn kiêm biên kịch Asghar Fashadi bộc lộ tài năng xuất chúng chính ở điểm này.

Tiêu đề của bộ phim nhắc đến tác phẩm Cái chết của người bán hàng của Arthur Miler, những buổi tập kịch trong một bộ phim đã tạo nên một nền tảng quan trọng cho câu chuyện về Emad và Rana. Nếu trong vở kịch của Miller, người bán hàng Willy Loman mô tả sự sụp đổ của giấc mơ Mỹ, The Salesman dường như mô tả sự sụp đổ của giấc mơ của một giá trị cốt lõi Iran.

Mở đầu phim là cảnh cặp vợ chồng trí thức trẻ Emad Etesami (Shahab Hosseini) và Rana Etesami (Taraneh Alidoosti) cùng những người hàng xóm vội vã chạy khỏi căn nhà đang đổ vỡ: Bức tường nứt toang, những ô cửa kính vỡ… bên ngoài là một chiếc máy xúc vừa gào rú vừa múc từng mảng nền móng của ngôi nhà. Những nhân vật của chúng ta bị bứng ra khỏi cái ổ ấm yên ổn, bị ném ra đường và nó nhập vào đời sống phố phường như cành củi khô bị cuốn trôi trong dòng nước xiết.

Giữa lúc không chốn nương thân ấy, bàn tay bạn hữu đã chìa ra nắm lấy bàn tay đang chới với của Amad Etesami, một người bạn, đồng nghiệp trong đoàn kịch nhỏ, giới thiệu cho anh một căn hộ xoàng xĩnh, có thể ở tạm trong khi tìm kiếm một nơi ở mới khả dĩ hơn, phù hợp hơn. Cô gái thuê căn hộ đó vừa chuyển đi vì cô thường xuyên tiếp khách nam giới ở nhà khiến cư dân xung quanh không hài lòng. Chính xác thì chủ nhà không cho cô thuê nữa, thà bỏ trống căn hộ đó còn hơn.

Emad và Rana cũng chẳng có nhiều thời gian quan tâm đến vấn đề đó vì nếu không họ sẽ phải ngủ tại sân khấu kịch nơi mà họ đảm nhận 2 vai diễn người bán hàng Willy và người vợ yêu dấu Linda trong vở "Cái chết của người bán hàng-Death of salesman" của Arthur Miller.

Một sáng tạo nhỏ của đạo diễn Asghar Fashadi: kịch trong phim: cả hai đều thống nhất thể hiện nỗi thống khổ của lớp người dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc khủng hoảng kinh tế hay chính trị, nói cách khác là xã hội biến động theo chiều hướng xấu đi dù ở Mỹ, Iran hay bất kỳ một địa danh nào khác trên hành tinh xanh đẹp đẽ này...

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/the-salesman-cai-chet-cua-giac-mo-my-3333495/