Thể thao: Nghịch lý chóp ngược và nỗi đau bóng đá Việt

Khi AFF Cup 2016 đang cao trào và cuốn cả nền bóng đá theo ĐT Việt Nam với rất nhiều vấn đề to tát thuộc tầm vĩ mô, tin buồn về đội bóng Phú Yên chìm lẫn, khiến chẳng mấy ai chú ý. Thêm một đội bóng chuyên nghiệp mới có 2 tuổi bị “chết yểu” và rất tréo ngoe, giải hạng Nhất năm tới sẽ chỉ còn 7 đội bóng tham dự. Câu chuyện về nghịch lý đó, lý giải cho việc tại sao bóng đá Việt Nam khó phát triển… V. League 2017 có 14 đội nhưng hạng Nhất, thay vì 10 đội chỉ còn 7. Nghịch lý “hình chóp ngược” đó, ngược lại với nguyên tắc phát triển chân đế khi các hạng đấu thấp hơn số lượng đội phải có số lượng lớn và giải đấu cao nhất sẽ là tinh hoa với những gì tốt nhất, thế nhưng vẫn tồn tại từ rất lâu ở bóng đá Việt Nam.

“Khai tử” ở tuổi lên 2 và phía sau những “cái chết”

Trước thềm mùa giải 2017, CLB Phú Yên có công văn gửi tới Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, Liên đoàn bóng đá Việt Nam - VFF thông báo quyết định rút lui khỏi giải hạng Nhất. Do không kiếm được nguồn kinh phí, đội bóng này xin nghỉ chơi và giải tán.

Bỗng dưng trở thành một đội bóng chuyên nghiệp và chơi được đúng 2 mùa, Phú Yên “khai tử” bóng đá vì không có tiền. Chuyện về đội bóng non trẻ mà trước đó chỉ duy trì sự tồn tại để chơi phong trào này, thật như đùa: Giải hạng Nhì 2014, họ được HA. GL cho mượn 21 cầu thủ trẻ, vốn là quân số của lứa năng khiếu với những gương mặt không đáp ứng yêu cầu chuyên môn đầu vào hay bị Học viện HA.GL Arsenal JMG đào thải, cùng nguyên bộ sậu BHL để thi đấu cọ xát. Do ít đội tham dự lại quá dễ khi đối thủ là đội trẻ của Long An (không thể lên hạng do đội 1 đá hạng Nhất), Phú Yên bị “đẩy lên hạng”. Quân số hoàn toàn của HA.GL, kinh phí để duy trì đội bóng cũng do bầu Đức hỗ trợ và sau 2 mùa giải vật vã trụ hạng, khi “bầu sữa” từ HA.GL bị ngắt do kinh tế khó khăn, đội bóng ngay lập tức bị “rút ống thở” rồi “khai tử”.

Phú Yên lên hạng bằng con người và tiền bạc của HA.GL, sau 2 mùa đá hạng Nhất thì giải thể do bị “rút ống thở”.

Ảnh: H.A

Việc Phú Yên giải tán sau khi lên đá chuyên nghiệp, đó là cái kết nhìn thấy trước. Điều đáng nói, nghịch lý trong câu chuyện của đội bóng này, căn bản giống y hệt nhiều đội bóng mang danh chuyên nghiệp khác, ra đời và xuất hiện ở sân chơi chuyên nghiệp quá dễ dàng như một trò đùa chỉ có ở bóng đá Việt Nam.

Ví dụ như Cà Mau, đội bóng cũng “lỡ” lên hạng Nhất sau khi bị đẩy vào thế “đâm lao theo lao” ở giải hạng Nhì 2015. Vừa giành quyền lên chơi chuyên nghiệp, họ có đơn xin nghỉ vì không có tiền và đội được chọn thay thế là Bình Định, đối thủ thua Cà Mau ở trận play-off. Đến phút cuối, Cà Mau xoay được kinh phí và lại có đơn xin đá lại, kéo theo biết bao chuyện rắc rối. Do yếu và thiếu đủ thứ nhưng vẫn được đá hạng Nhất cho “đủ mâm”, đội bóng “có một không hai” này trải qua một mùa giải với bao chuyện bi hài trước khi xuống hạng rồi lại giải tán.

Từ Trẻ bóng đá Hà Nội, Trẻ SHB Đà Nẵng, TDC Bình Dương, Trẻ Khánh Hòa đến XSKT Lâm Đồng, Kienlongbank Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai…, nếu tính từ mùa giải 2012, trong 5 năm qua thì năm nào bóng đá Việt Nam cũng chứng kiến vài đội ở hạng Nhất, V.League sau khi lên xuống hạng rồi xóa sổ. Và giải hạng Nhất, sân sau của V.League, cứ teo tóp dần đến mức sau mùa giải 2016, liên tiếp 3 đội bóng là PVF, Đồng Nai rồi Phú Yên xin rút lui.

Về bản chất, chuyện sinh tử của các đội bóng này đều có chung một điểm: Tiếng là chuyên nghiệp nhưng không có gì trong tay, do việc lên xuống hạng quá dễ nên chỉ cần kiếm được khoản kinh phí để duy trì một mùa giải là lên chơi chuyên nghiệp, hết tiền thì quay trở về nơi xuất phát rồi giải thể.

“Sống chết mặc bay”

Nếu lấy thời điểm năm 2012 VPF ra đời, đánh dấu một cột mốc mang tính cách mạng khi thay VFF giành quyền quản lý, điều hành bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thì thấy nghịch lý: Từ chỗ có 14 đội V.League và 14 đội hạng Nhất cùng lộ trình phát triển rất hoành tráng, sau 5 năm thì giải hạng Nhất số lượng teo tóp còn đúng một nửa.

Kinh tế khó khăn tác động toàn diện đến đời sống bóng đá và khi việc phát triển nóng không theo quy luật bóng đá dẫn đến tình trạng “vỡ trận”, sau năm 2012 gắn với sự cố bầu Kiên bị bắt - nhân vật quyền lực nhất có ảnh hưởng lớn nhất - bóng đá Việt Nam lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng khiến hàng chục đội bóng bị xóa sổ. Đến tận bây giờ, những dư âm của cơn địa chấn đó vẫn tác động đến cả nền bóng đá và đó là lý do nghịch lý “tháp ngược” tồn tại dù chúng ta đã chuẩn bị bước sang năm thứ 17 làm bóng đá chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những lý do khách quan thì nguyên nhân chủ quan lại nằm ở chính những người được giao trọng trách quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam, khi cố gắng sửa cái sai này bằng cái sai khác và không chấp nhận thay đổi dù nhìn thấy nghịch lý.

Ví dụ như việc lên hạng, xin rút rồi lại xin chơi của Cà Mau mùa vừa rồi trước khi xuống hạng và đội bóng giải tán, VFF và VPF không thể vô can. Vì để cho đủ đội, Ban chấp hành VFF lấy biểu quyết đồng ý với điều kiện rất mơ hồ “khảo sát cơ sở vật chất, điều kiện” rồi sau đó VPF tìm cách hợp thức hóa cho một đội bóng chỉ hơn phong trào một chút đá hạng Nhất. Bởi quá nhiều bất hợp lý nên kết cục là cái nhìn thấy trước.

Hay ví dụ như việc hết PVF, Đồng Nai rồi đến Phú Yên xin rút khiến giải hạng Nhất 2017 từ 10 đội chỉ còn 7 đội, phương án đôn hạng Nhì lên đá không thành do không có đội nào có đủ tiền hay điều kiện chơi chuyên nghiệp nên VFF, VPF chấp nhận số đội lẻ, mỗi vòng đấu chỉ có 3 trận và 1 đội nghỉ. Thực tế bi đát như thế nên phải “chữa cháy” với phương án lên xuống hạng sau mùa giải 2017 tới là không có đội hạng Nhất nào phải xuống hạng trực tiếp, chỉ có đội đứng thứ 7 phải đá play-off với đội thứ 4 ở giải hạng Nhì. Nghĩa là tiếp tục ép các đội hạng Nhì, vốn cứ lên rồi xuống và giải thể như vài năm gần đây, bằng mọi giá lên hạng cho đủ số lượng đúng theo lộ trình vạch ra là vào năm 2018 có đủ 10 đội hạng Nhất.

Tình trạng ép số lượng đó diễn ra từ 5 năm qua và sẽ còn tiếp diễn, bất chấp nhiều ý kiến đề xuất cần thu hẹp lại số đội chơi V.League cho phù hợp thực tế, bởi điều kiện, tiềm năng và chất lượng nhiều đội chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Biết là nghịch lý nhưng những người làm bóng đá không dám, không muốn thay đổi nên dẫn đến tình trạng bị động, mất kiểm soát và luôn phải đuổi theo “chữa cháy”.

Nguyên nhân cũng là do cách nghĩ, cách làm bất cập từ chính những người được trao trách quản lý, điều hành nền bóng đá. Và không thể không đặt vấn đề về quyền lợi cá nhân cũng như lợi ích nhóm, khi những nghịch lý cứ ngang nhiên tồn tại ở bóng đá Việt Nam kéo theo rất nhiều bi hài kịch.

Bóng đá chuyên nghiệp là tiền và càng nhiều đội bóng chuyên nghiệp thì tiền bạc cho bóng đá càng nhiều. Về bản chất, có thể hiểu nghịch lý đến vô lý tồn tại ở bóng đá Việt Nam hiện nay với số đội đá đỉnh cao V.League nhiều gấp đôi hạng Nhất, đơn giản là tiền. Vì tiền chứ không phải vì bóng đá hay phát triển bóng đá chuyên nghiệp, thế nên những bi kịch như Phú Yên, Cà Mau, Lâm Đồng, Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai… đã, đang và sẽ còn xuất hiện.

Không cần so sánh đâu xa, chỉ đặt cạnh hệ thống giải chuyên nghiệp của Việt Nam với các nước Đông Nam Á mà cụ thể là Thái Lan mới thấy, chỉ có VFF và VPF là “một mình một kiểu”. 2 giải chuyên nghiệp cao nhất của Thái Lan là Thai Premier League có 18 đội, hạng Nhất với tên gọi Thai Division 1 League có 18 đội (Theo lộ trình, đến năm 2019 Thai Premier League giảm xuống còn 16 đội còn hạng Nhất vẫn giữ nguyên). Các hạng chuyên nghiệp bên dưới nữa là Thai League 3 và Thai League 4 số lượng là 32 và 64 đội. Thấp nhất là hệ thống giải phong trào (Amatuer League) có 104 đội, thi đấu theo từng khu vực.

NGUYÊN ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/the-thao-nghich-ly-chop-nguoc-va-noi-dau-bong-da-viet-623663.bld