Cô giáo bị đánh, ép quỳ gối rút đơn đề nghị khởi tố phụ huynh: Thêm một kẽ hở của luật?

Diễn biến vụ việc cô giáo mầm non thực tập tại TP Vinh (Nghệ An) bị phụ huynh xông vào đánh đến dọa sẩy thai, ép quỳ gối xin lỗi là cô giáo đã rút đơn đề nghị khởi tố vụ án. Vị phụ huynh có hành động côn đồ này có thể thoát vòng tố tụng.

Bà Nghĩa xin lỗi sau khi bị khởi tố. Ảnh: PV

Trước dư luận sục sôi, bức xúc về việc bà Phan Thị Nghĩa (trú phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) xông vào trường mầm non Việt Lào, đánh đập và bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nghĩa về hành vi “Làm nhục người khác”.

Hành vi đánh, đạp vào người cô giáo mang thai của bà Nghĩa không cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” vì kết quả giám định thương tích là 0%. Do đó, nếu không bị khởi tố về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, có thể bà Nghĩa sẽ được đình chỉ điều tra, do bị hại rút yêu cầu khởi tố.

Một tình tiết đáng lưu ý là sau khi bị khởi tố bị can, bà Nghĩa đã đến nhà đọc “thư xin lỗi” đối với cô giáo. Nhiều người cho rằng việc xin lỗi này chủ yếu do sợ “còng số 8”.

Nếu bà Phan Thị Nghĩa không bị xử lý hình sự sẽ tạo thêm một tiền lệ xấu. Người ta có thể hành động bất chấp pháp luật và đạo lý, rồi bồi thường, xin lỗi, thậm chí tìm cách tạo sức ép để bị hại rút đơn, là… xong.

Việc quy định khởi tố vụ án theo yêu cầu bị hại bên cạnh mặt tích cực, cũng tạo ra kẽ hở, tiền lệ cho những người phạm pháp tìm cách chạy tội. Nhiều người phạm tội đã bỏ ra số tiền lớn để bồi thường, với mục đích bị hại không viết đơn hoặc rút đơn yêu cầu khởi tố. Ngược lại, nếu không có điều kiện kinh tế, thủ phạm phải đi tù.

Đặc biệt, đối với những hành vi rất nguy hiểm như đánh phụ nữ mang thai mà biết rõ họ mang thai, trong trường hợp bà Phan Thị Nghĩa. Mặc dù bị hại đã van xin, nhưng bà Nghĩa vẫn quyết tâm hành hung, dẫn đến bị hại có nguy cơ sẩy thai, phải nhập viện điều trị, không chỉ thể chất mà tinh thần cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, hành vi đánh phụ nữ mang thai có nguy cơ làm sẩy thai, ảnh hưởng tính mạng cả thai phụ và thai nhi, gây ảnh hưởng đến đứa bé sau này.

Thiết nghĩ, phụ nữ có thai là một đối tượng đặc biệt cần được pháp luật quan tâm bảo vệ. Hành vi cố ý đánh hoặc làm tổn hại tinh thần phụ nữ có thai cần được liệt vào nhóm tội danh có thể khởi tố mà không cần có yêu cầu của bị hại, cũng như không cần có % thương tích.

Việc đặt ra quy định này nhằm tăng tính răn đe của chế tài pháp luật, để hạn chế, ngăn chặn hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của phụ nữ có thai.

HẢI ĐĂNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/co-giao-bi-danh-ep-quy-goi-rut-don-de-nghi-khoi-to-phu-huynh-them-mot-ke-ho-cua-luat-599538.ldo