Thể thao Việt Nam hụt hơi

(CATP) MỘT HCV, 10 HCB và 22 HCĐ là số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD lần thứ 17 đang diễn ra tại Hàn Quốc, tính đến ngày áp chót (3-10). Với kết quả này, đoàn thể thao Việt Nam xếp hạng 21.

Trước hết, phải nói rõ một quan điểm thế này, từ giới thể thao đỉnh cao nói chung, cho đến Hội đồng Olympic châu Á nói riêng, đó là ngày nay người ta không xếp hạng bảng tổng sắp căn cứ vào tổng số huy chương đạt được, mà chỉ tính HCV. Chính vì vậy nên mới có việc Myanmar tuy thua hẳn Việt Nam về tổng số huy chương, nhưng được xếp trên nhờ họ có 2HCV. Sở dĩ phải nhắc điều này là bởi, các nhà quản lý thể thao Việt Nam cứ hay càm ràm rằng, chúng ta nhiều huy chương hơn nhưng bị xếp hạng thấp!
Tính cột mốc 12 năm với bốn kỳ ASIAD, thể thao Việt Nam đã thụt lùi trầm trọng về tổng số HCV. Nếu tại Busan (Hàn Quốc) năm 2002 chúng ta có 4HCV từ các môn karate (2), taekwondo và thể hình; thì sau đó cứ giảm dần để rồi tại hai kỳ liên tiếp gần đây chỉ có vỏn vẹn 1HCV.

Công bằng mà nói, nhiều môn trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic cũng có bước tiến chứ không phải giậm chân tại chỗ, ví dụ như lần đầu tiên bơi lội có 2HCĐ; điền kinh cũng đã có bạc, có đồng... Nhưng sự tiến bộ ấy tỏ ra quá chậm chạp, đặc biệt hoàn toàn không thấy có sự tiến bộ nào ở những môn mà người Việt yêu thích như bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bóng đá, bóng chuyền...

Nhìn vào kết quả đầu tư cho thể thao đỉnh cao, có thể thấy các nhà quản lý đầu não của thể thao Việt quá nặng về đấu trường SEA Games. Chúng ta vẫn thường tự hào rằng, thể thao Việt Nam giờ đây đã ổn định trong tốp 3 của SEA Games. Nhưng, nếu xét ở bảng xếp hạng ASIAD, thì chúng ta rơi tuột xuống đến hạng sáu, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Myanmar.

Không khó để giải thích cho hiện tượng vì sao xếp hạng cao ở SEA Games, nhưng khi vào đấu trường ASIAD thì lại hụt hơi: Chúng ta tốn quá nhiều công sức, tiền của để đầu tư cho những môn linh tinh nhằm săn huy chương như các môn võ, bắn súng... Mà võ thì chúng ta biết rồi, đụng đến karate thì làm sao qua người Nhật, làm sao hơn người Hàn ở món taekwondo, và chơi wushu thì quá hụt hơi trước người Trung Quốc!

Chỉ đau một nỗi, những vấn đề vừa nêu trên chẳng phải là mới. Nó đã được nói đi nói lại mãi, nhưng chẳng lay chuyển được các nhà quản lý thể thao đỉnh cao ở tầm chiến lược. Người ta quá ham hố thành tích, dẫn đến việc dồn nhiều công sức cho những môn dễ xơi. Điều đó giống như một người nông dân, khi trồng những cây ăn quả có giá trị thường phải mất nhiều thời gian để chờ thu hoạch. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, người ta phải trồng dặm những thứ ngắn ngày như bắp, khoai, đậu... Sự đan xen hợp lý đó thể hiện tầm nhìn của một nhà nông giỏi tính toán. Còn các nhà quản lý thể thao đỉnh cao thì chẳng khác những nhà nông kém, khi không đầu tư cho cây ăn quả lâu năm mà cứ chăm chăm cho những giống ngắn ngày, ít giá trị!

Bao giờ các nhà quản lý thể thao Việt mới giống được một nhà nông giỏi? Câu hỏi này đặt ra từ lâu, nhưng chưa thấy ai trả lời một cách thuyết phục bằng hành động!

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=941&id=526378&mod=detnews&p=