Thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở Phong Thổ

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã không ngừng được củng cố, góp phần xây dựng khu vực biên giới Phong Thổ thực sự vững chắc, ổn định, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân từng bước được nâng lên.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, BĐBP Lai Châu phối hợp với các lực lượng chức năng và cán bộ thôn, bản tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, BĐBP Lai Châu phối hợp với các lực lượng chức năng và cán bộ thôn, bản tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Bích Nguyên

Mỗi người dân là một “cột mốc sống”

Là người dân sinh ra và lớn lên ở biên giới, anh Lý Phủ Hành, dân tộc Dao, Trưởng bản Ma Can, xã Dào San, huyện Phong Thổ sớm có ý thức giữ gìn phên dậu của Tổ quốc. Ngay từ ngày còn nhỏ, khi đi làm nương cùng gia đình, anh đã được bố mẹ giới thiệu về cột mốc, về đất đai của tổ tiên. “Khi lớn lên, cứ có dịp đi lên khu vực giáp biên, tôi đều tới thăm cột mốc, quan sát đường biên xem có gì khác thường không? Nếu phát hiện có dấu hiệu bị hư hại, tác động của con người là tôi báo ngay cho cán bộ Biên phòng biết” - anh Hành chia sẻ.

Trên địa bàn bản Ma Can có mốc quốc giới số 831. Địa hình khu vực này rất hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng trong nhiều năm nay, đi thăm cột mốc đã là việc làm thường xuyên của anh Hành và những người dân khác trong bản Ma Can. Anh Hành cho biết: “Trong bản có tổ tự quản đường biên, cột mốc. Không chỉ những hộ gia đình trong tổ tự quản tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc mà nhiều gia đình khác cũng giữ gìn đất đai của cha ông để lại. Ở đây, nhiều gia đình có nương trồng thảo quả ở sát biên giới. Từ xưa đến nay, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau canh tác đúng phần đất của mình, không xâm canh, xâm cư. Khi đi làm nương, bà con đều dành thời gian tới cột mốc lau dọn cho sạch đẹp”.

Với ý thức trách nhiệm của mình, bà con bản Ma Can thường nhắc nhở nhau không xuất, nhập cảnh trái phép. Khi phát hiện cư dân nước bạn trồng trọt, canh tác lấn chiếm sang phần đất của nước mình, người dân lập tức báo cho Đồn Biên phòng Dào San để giải quyết, đồng thời trực tiếp vận động, tuyên truyền cư dân nước bạn phá bỏ, canh tác đúng phần đất của họ. Mỗi người dân ở đây đã thực sự là một “cột mốc sống”.

Toàn bản Ma Can có 99 hộ với hơn 540 nhân khẩu, đều là người Dao. “Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của BĐBP, đời sống của bà con đang dần được cải thiện. Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ gạo lúc giáp hạt, hỗ trợ máy cày, tặng cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. BĐBP thì giúp làm nhà Đại đoàn kết, sửa chữa nhà cửa, khắc phục hậu quả thiên tai, tặng quà mỗi dịp lễ, Tết...” - anh Lý Phủ Hành cho biết.

Người dân hỗ trợ BĐBP quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc; cán bộ Biên phòng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống. Biên giới lòng dân ở huyện Phong Thổ được xây dựng vững mạnh từ mối quan hệ quân – dân bền chặt như thế.

Ông Trần Bảo Trung, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ có 20 năm công tác, sinh sống ở huyện Phong Thổ là người hiểu hơn ai hết công tác xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ở đây. “Tôi đã từng đi kiểm tra mốc quốc giới số 58, 59, 60. Đường đi hiểm trở, ngày nắng đã khó, ngày mưa càng vất vả. Có những đoạn không có đường, chúng tôi phải đi lùi, bám cây mà tụt xuống. Cột mốc xa nhất là mốc 85. Vì địa hình dốc cao, vực sâu, chia cắt, chúng tôi thường phải đi qua xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vào thôn Hồng Ngài mới tới được mốc này” – ông Trung kể.

Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng ở cương vị nào, ông Trung cũng luôn chia sẻ với những vất vả của BĐBP. "Chúng tôi đi công tác các xã biên giới đều ăn ngủ cùng với BĐBP. Dù điều kiện thiếu thốn nhưng BĐBP luôn gắn bó, thân thiết, chia ngọt, sẻ bùi với cán bộ địa phương và người dân như anh em một nhà” - ông Trung chia sẻ.

Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Toàn huyện Phong Thổ có 12 xã biên giới trong tổng số 17 xã; có đường biên giới tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài hơn 97km với 51 cột mốc. Qua công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng được nâng lên. Những năm qua, huyện Phong Thổ đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu trực tiếp tới nhà vận động người dân nuôi nhốt gia súc, gia cầm, phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu trực tiếp tới nhà vận động người dân nuôi nhốt gia súc, gia cầm, phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Bích Nguyên

Trong giai đoạn 2019-2024, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra 1.236 lần/7.920 lượt người tham gia; qua tuần tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn 280 lượt người dân Trung Quốc sang đất ta săn bắn, khai thác trộm nông sản; xử lý vi phạm hành chính 82 vụ/702 đối tượng vi phạm quy chế quản lý bảo vệ biên giới; vận động thu hồi được 270 khẩu súng các loại. Cùng với tuần tra, kiểm soát biên giới, các đơn vị BĐBP trên địa bàn huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động đối ngoại với chính quyền phía đối diện bằng nhiều hình thức; tổ chức giao lưu, kết nghĩa, ký kết 4 cặp thôn - bản và 3 cặp đồn trạm Biên phòng hữu nghị. Đến nay, toàn huyện có 63 tập thể và 460 cá nhân tham gia tự quản đường biên và 27 mốc quốc giới. Ông Trần Bảo Trung cho biết: “Hiện nay, ý thức trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc của người dân đã được nâng lên. Tình trạng di cư tự do, xuất, nhập cảnh trái phép giảm hẳn”.

Góp sức xây dựng biên cương, BĐBP đã cử cán bộ tăng cường cho các xã biên giới. Trong 12 xã biên giới, có 2 xã có cán bộ Biên phòng tham gia giữ chức danh Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã, 10 xã có cán bộ Biên phòng giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã. Cùng với đó, các đồn Biên phòng đã giới thiệu 51 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ bản; 120 đảng viên tham gia giúp 600 hộ nghèo ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, BĐBP đã tham mưu cho địa phương củng cố được 4 đảng bộ cơ sở, 31 chi bộ thôn bản; thành lập mới 5 chi bộ bản; bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp được 484 đảng viên; củng cố 38 chi đoàn, 30 chi hội phụ nữ, 22 chi hội cựu chiến binh. 100% xã biên giới có đảng bộ cơ sở.

Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng cũng huy động các nguồn lực để trao sinh kế, xây dựng 74 căn nhà Đại đoàn kết, 21 công trình dân sinh làm mới, tu sửa 420 phòng học. Các đồn Biên phòng đã nhận đỡ đầu 21 em học sinh theo Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng" và 110 em trong Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”.

Ở chiều ngược lại, quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng BĐBP, hằng năm HĐND, UBND huyện Phong Thổ đã hỗ trợ một phần kinh phí cho một số đồn Biên phòng tu sửa doanh trại, mua sắm, sửa chữa trang bị, phương tiện; mua nhiên liệu, hỗ trợ công tác đối ngoại biên phòng, lắp đặt, duy trì các cụm loa phát thanh phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật... Đồng thời, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và hậu phương gia đình quân nhân như: Cấp đất ở, thăm hỏi, động viên nhân dịp lễ, Tết, Ngày Biên phòng toàn dân, hỗ trợ các trường hợp hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ; đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/the-tran-bien-phong-toan-dan-vung-manh-o-phong-tho-post473750.html