Thế vận hội Tokyo 2020 và những "hòn đá tảng" vướng chân

Ngay sau khi thắng thầu đăng cai Thế vận hội Mùa hè (Olympic) 2020, thành phố tại Tokyo, Nhật Bản vấp phải những "hòn đá tảng" như ngân sách liên tục tăng vọt, năng lực điều hành kém, scandal tham nhũng cho đến "đạo logo" của nước ngoài...

Nhật từng tự hào đăng cai Olympic 1964 thành công nhất lịch sử, biến Tokyo thành đô thị nổi tiếng những năm 1960. Và nay Nhật lại muốn áp dụng những kinh nghiệm này cho Olympic 2020.

Tuy nhiên, đã có nhiều lùm xùm liên quan đến Olympic 2020. Ví dụ như việc chi tiêu quá mức khi sân vận động ngốn hết 2 tỷ USD, hay logo chính thức của Olympic bị cáo buộc là sao chép từ ý tưởng của người Bỉ. Điều này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi, do quản lý kém hay do nạn tham nhũng. Theo thống kê, các kỳ Olympic từ năm 1960 đến 2012 thường xuyên đội ngân sách, thấp nhất khoảng 60%, trung bình là 179%. Thậm chí Olympic Montreal 1976 đội cao gấp 8 lần so với ngân sách ban đầu; với Olympic Sochi, Nga đã vượt ngưỡng 66,7 tỷ USD, gấp 5 lần ngân sách Olympic Bắc Kinh 2008.

Olympic 1964 và 2020

Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu hết vì sao năm 1959, Ủy ban Olympic (IOC) lại chọn Tokyo đăng cai, trong khi đó các thành phố khác như Detroit, Brussels, và Vienna rất hiện đại lại bị bỏ qua. Theo nhà sử học Andrew Jennings, người Anh chuyên viết về Olympics, câu trả lời rất đơn giản, khả năng vận động hành lang của người Nhật rất tuyệt vời khi chính phủ Nhật cam kết muốn hiện đại hóa thành phố này sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá.

Theo kết quả cuộc thăm dò thực hiện năm 2009, chỉ có 56% người dân Nhật muốn đăng cai Olympic 2020, bởi kinh tế đang gặp khó khăn, nhất là sau khi xảy ra thảm họa sóng thần, động đất, và sự cố hạt nhân. Đến tháng 3-2013, tỷ lệ người ủng hộ tăng lên 70%. Tuy nhiên, đến tháng 5-2015, logo chính thức của Olympic 2020 bị loại bỏ vì cáo buộc sao chép ý tưởng và phải tổ chức thi để tìm logo mới. Chi phí xây sân vận động hình quả cầu tuyết, tăng từ 1,3 tỷ lên 2,1 tỷ USD khiến dư luận nghi ngờ. Đặc biệt, sân vận động này còn bị chê là giống bệ xí, vật thể bay UFO, máy hút bụi, mũ bảo hiểm...

Sân vận động này do kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid thiết kế nhưng bị chỉ trích có kích thước quá lớn, đe dọa đến môi trường xung quanh, đặc biệt là khu rừng lá thấp yên tĩnh Meiji Jingu, nơi từng được xem là thánh đường thiêng liêng của người Tokyo. Tất cả những điều này không quan trọng bằng giá thành xây dựng, quá đắt nên khiến người dân không đồng tình. Những chỉ trích liên tiếp khiến Bộ trưởng Thể thao Hakubun Shimomura, một trong những nhân vật thân tín của Thủ tướng Abe, từ chức.

Nhiều nhân vật đứng đầu JOC và cựu Thủ tướng Yoshiro Mori đã được triệu tập theo yêu cầu của Thủ tướng Abe nhằm chọn bản thiết kế mới để có thể xoa dịu dư luận.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và đoàn đại biểu Olympic Tokyo vui mừng sau khi Nhật thắng thầu TVH Olympic Mùa hè 2020.

Lo ngại tăng nợ quốc gia, tham nhũng

Kết quả, tháng 12-2012, Tokyo chọn được mô hình thu nhỏ, mang tính bảo thủ hơn, và ít tốn kém hơn nhưng vẫn còn ở mức 1,26 tỷ USD, có nghĩa vẫn đắt nhất thế giới xưa và nay, làm tăng nợ quốc gia giống như Olympic London 2012 hay Olympic Athens 2004.

Ngoài ra, theo dự kiến, 10 ngày trước khi Olympic 2020 bắt đầu, Nhật sẽ khai trương tuyến đường sắt cao tốc hình viên đạn giữa Tokyo đi Osaka. Đoàn tàu mang tên Shinkansen đạt tốc độ tối đa 208km/h. Đây là đoàn tàu nhanh nhất thế giới, rất đúng giờ để đưa người đến tham gia thi đấu tại Olympic. Để hoàn thành đoàn tàu cao tốc Shinkansen, nguồn vốn từ các dự án khác đã bị dừng lại. Do hạn chế chi phí để đền bù mặt bằng, dự án tận dụng hạ tầng hiện có, đặc biệt là trên mặt nước. Trong khi đó, sân bay Haneda, cũng sẽ được nâng cấp cùng với 8 tuyến đường cao tốc chính sẽ được đưa vào sử dụng.

Tham nhũng, gian lận thầu và thông đồng giá, là thực trạng diễn ra trong lĩnh vực xây dựng của Nhật sau chiến tranh, kể cả các dự án liên quan đến Olympic, mà người ta tin rằng có bàn tay của Yakuza - Tổ chức tội phạm có lịch sử lâu đời tại Nhật, hoạt động như chiếc vòi bạch tuộc, độc quyền nhà thổ, cờ bạc, và cả trong lĩnh vực giải trí, xây dựng...

Trong quá trình tổ chức Olympic 2020, Tokyo một lần nữa phải trả giá đắt cho băng nhóm Yakuza được giới chính khách biến chất chống lưng. Người ta dự kiến chi phí sẽ đội lên tới 15 tỷ USD so với ngân sách dự toán ban đầu. Con số này chắc chắn sẽ tăng tiếp chứ chưa dừng ở mức này. Với chi phi mã, Nhật sẽ phải đối mặt với khoản nợ quốc gia lên đến 11.000 tỷ USD, tức 245% GDP.

Kim Hùng
(Theo FP)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/84_144966_the-va-n-ho-i-tokyo-2020-va-nhu-ng-ho-n-da-ta-ng-v.aspx