Thêm chỉ số LQ đánh giá năng lực người lao động

Theo ManpowerGroup, có tới 65% công việc mà thế hệ Z (sinh từ 1996 đến 2010) sẽ đảm nhận chưa hề có khái niệm. Do đó nhà tuyển dụng sẽ cần đến LQ (Learnability Quotient) thay vì profile hay CV thông thường để đánh giá năng lực người lao động trong giai đoạn mới.

Ảnh minh họa: Shutterstock

ManpowerGroup, nhà cung cấp giải pháp nhân lực hàng đầu thế giới, đã xây dựng một hệ thống đánh giá trực quan bằng LQ, cung cấp đánh giá chi tiết về động lực và phong cách học tập của mỗi cá nhân, dựa trên hàng loạt các câu hỏi để người dùng trả lời. Trong khi các chỉ số như IQ và EQ thể hiện trí thông minh và cảm xúc của con người, LQ thể hiện khả năng học hỏi của mỗi cá nhân để tạo động lực phát triển sự nghiệp, giúp cho người lao động lẫn tổ chức thành công.

Theo đó, LQ là phương pháp mới giúp cá nhân đánh giá được khả năng học hỏi của mình và được tư vấn để có thể phát triển bản thân, đồng thời mang đến cho doanh nghiệp những hiểu biết chính xác về khả năng phát triển của lực lượng lao động dựa trên dữ liệu thu thập được. Kết quả từ bài đánh giá được thể hiện qua 3 nhóm tính cách chính: Adventurous (how you self start, cách tự khởi động công việc), Intellectual (how you seek info, cách tìm kiếm thông tin) và Unconventional (how you solve problems, cách giải quyết vấn đề).

Người dùng có thể được xếp loại theo 3 nét tính cách chính. Nhóm Adventurous bao gồm: Thrill-seeker (người thích mạo hiểm), Explorer (người thích khám phá), Planner (chiến lược gia). Nhóm Unconventional bao gồm: Free Spirit (tinh thần tự do), Innovator (nhà cải cách), Traditionalist (người theo truyền thống). Nhóm Intellectual bao gồm: Scholar (học giả), Thinker (nhà nghiên cứu) và Doer (người thực hành). Khi đã phân loại các khả năng học hỏi khác nhau của người dùng, LQ sẽ cho thấy điểm mạnh của họ và cung cấp những hướng dẫn mang tính thực tiễn về cách mỗi cá nhân cần học hỏi để phát triển.

Nghiên cứu này cũng cho thấy khả năng học hỏi không bị ảnh hưởng bởi giới tính, vì cả hai giới đều có sự tò mò, khả năng thích ứng và mức độ khao khát học hỏi như nhau.

Theo ManpowerGroup, lao động Việt nhìn chung thiếu hụt nhiều kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ… Đây là một số điểm yếu chính dẫn tới thực trạng về năng suất lao động của Việt Nam luôn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Thùy Linh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/them-chi-so-lq-danh-gia-nang-luc-nguoi-lao-dong-858393.html