Thêm lựa chọn về hưởng bảo hiểm một lần cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chính phủ tiếp tục thống nhất trình và đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn một trong hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thêm phương án...

Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam.

Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ vẫn đề xuất 2 phương án quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Cả hai phương án Chính phủ trình đều nhằm hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau, hạn chế số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan và trực tiếp người lao động, bao gồm cả người lao động đang tham gia và người lao động đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Chính phủ cho rằng để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, nhằm đạt được mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, thì cần phải thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp.

Cùng với các chính sách nhằm gia tăng lợi ích, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được quy định tại dự thảo Luật này.

Đồng thời, cũng phải thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật có liên quan khác, như hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm, theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm.

Cùng với đó, chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, hỗ trợ duy trì việc làm tránh sa thải lao động, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm..., sớm giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng cũng cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội.

Thông tin về những lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân và an sinh xã hội bền vững của đất nước.

“Đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ tiếp tục thống nhất trình và đề nghị Quốc hội xem xét quyết định lựa chọn một trong hai phương án”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Hiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo hoàn thiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Sau khi tiếp thu ý kiến, ban soạn thảo đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thay vì chỉ một phương án như trước đây.

Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có một phương án.

Theo phương án đề xuất trước đây, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến từ ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng, thì được rút bảo hiểm xã hội một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành sẽ không được rút bảo hiểm xã hội một lần nữa.

Tuy nhiên, tại dự thảo chuẩn bị trình ra Quốc hội, ban soạn thảo đã đề xuất thêm phương án 2.

Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội.

Như vậy, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bắt buộc đều được thiết kế theo 2 phương án giống nhau.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/them-lua-chon-ve-huong-bao-hiem-mot-lan-cho-nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen.htm