Thêm một học sinh tại TP Thủ Đức nhập viện nghi ngộ độc

Trưa 3/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) vừa nhận thêm 1 học sinh lớp 2 nhập viện nghi bị ngộ độc sau khi ăn cơm cuộn.

Khai thác bệnh sử, mẹ bệnh nhi này cho biết, khoảng 6h30 sáng 3/5, khi đưa trẻ tới trường chị đã mua một hộp cơm cuộn được bán trước cổng trường cho con ăn. Tới 9 giờ sáng, cô giáo gọi điện cho chị đến đón con đi bệnh viện do bé ói, đau bụng nhiều.

Phụ huynh của em H.M, là 1 trong 15 học sinh đang điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trước đó, chị có mua hộp cơm cuộn có chứa xúc xích, trứng, rong biển, dưa leo, cà rốt…với giá 20.000 đồng cho con ăn bữa sáng. Hàng cơm được bán trước cổng trường nên đông học sinh đến mua.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Phó khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đánh giá, đây là chùm ca nghi ngộ độc thực phẩm với cùng một triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần.

Hiện các bệnh nhân sau khi truyền dịch và dùng kháng sinh đặc trị, tình trạng các cháu cơ bản đã ổn định và đang tiếp tục được theo dõi.

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi bị ngộ độc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Liên quan đến vụ 15 học sinh tiểu học nhập viện nghi do ngộ độc tại TP Thủ Đức, Sở Y tế TPHCM cũng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) tiến hành điều tra dịch tễ, đồng thời cử chuyên gia về cấp cứu nhi của Bệnh viện Nhi đồng 1 đến hỗ trợ Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong chẩn đoán điều trị bệnh nhân.

Kết quả ban đầu, ghi nhận có 15 học sinh từ 7-11 tuổi đang học tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức, bao gồm: Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (8 trẻ), Trường tiểu học Bình Trưng Đông (5), Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (1) và Trường tiểu học Lương Thế Vinh (1).

Phụ huynh cho biết, sáng ngày 2/5, tất cả 15 trẻ này đều ăn cơm cuộn mua trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2,5-3 giờ, các cháu lần lượt xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số trẻ bị tiêu chảy sau đó.

Đến sáng ngày 3/5, tình trạng sức khỏe 15 học sinh này đều đã cải thiện, hoạt bát, không còn dấu hiệu mất nước, không còn nôn, không sốt, không đau bụng, còn tiêu chảy ít.

Các chuyên gia Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC)và Nhi khoa nhận định đây là một vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn phải độc tố vi khuẩn có trong thức ăn, khả năng cao là sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường.

Sở Y tế chỉ đạo HCDC tiếp tục phối hợp Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức giám sát tình hình dịch bệnh tại các trường học và cộng đồng. Việc xác định nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm sẽ được Sở An toàn thực phẩm tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Nhân trường hợp này, ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn trong việc mua thức ăn đảm bảo vệ sinh cho con em ăn nhanh trước khi đi học, nhất là trong tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong thời gian tới, HCDC khuyến cáo người dân cần chọn lựa sử dụng thực phẩm tươi, sạch, an toàn; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch, nấu chín kỹ, chín hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.

Bên cạnh đó, cần ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại; tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn.

Cần rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Ngoài ra, cần phản ánh cho các đơn vị chức năng nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.

HCDC lưu ý, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/them-mot-hoc-sinh-tai-tp-thu-duc-nhap-vien-nghi-ngo-doc-169240503155245014.htm