Thêm một người Việt bị sát hại, cảnh báo an ninh ở Angola rất phức tạp

Người Việt ở Angola cho biết, ở đây những vụ cướp bóc xảy ra thường xuyên, trong đó có nhiều vụ thanh toán nhau liên quan đến chuyện làm ăn và tiền bạc.

Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và Hội Người Việt Nam tại Angola đau buồn báo tin, một người Việt ở Angola đã tử vong do bị cướp sát hại.

Nạn nhân là chị Hoàng Thị Văn (29 tuổi, trú thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mất hồi 22 giờ ngày 7/12 tại tỉnh Huam (Angola).

Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đau buồn báo tin và kêu gọi đóng góp để đưa thi hài chị Văn trở về quê nhà.

Ông Nguyễn Đình Kỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm cho biết, theo thông tin từ Angola báo về, khoảng 10 ngày trước, trong lúc chị Văn đang ngủ tại nhà trọ thì nhóm cướp đập cửa khống chế. Bọn cướp đã trói chị Văn, anh Vinh và một lao động quốc tịch Angola để đòi tiền. Tuy nhiên, do trước đó chị Văn, anh Vinh đã gửi tiền về quê nên không có tiền đưa cho bọn cướp. Kẻ cướp đã tẩm xăng, phóng hỏa đốt.

“Một số lao động nghe tiếng kêu cứu tới dập lửa, đưa các nạn nhân tới bệnh viện. Đến 9/12 chị Văn không qua khỏi, lao động người Việt Nam còn lại đang nguy kịch”, ông Kỷ nói.

Hiện thi thể của chị Văn chưa được đưa về nước. Hoàn cảnh gia đình nạn nhân tương đối khó khăn. Người thân mong muốn đưa thi thể chị Văn về quê an táng theo phong tục địa phương nhưng hiện không đủ tiền chi phí để đưa thi thể về.

Được biết, chị Văn đi lao động ở Angola nhiều năm nay và không có bảo hiểm.

Như vậy, chỉ từ đầu năm 2016 đến nay đã có tới 5 lao động quê Hà Tĩnh bị tử vong ở Angola do bị cướp bắt, bị cướp đánh, đốt, bị sốt xuất huyết, sốt rét.

Trước đó, anh Đặng Quốc Nghĩa, sinh năm 1972, nguyên quán ở xã Cẩm Nam, H. Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, thiệt mạng vào lúc 3 giờ sáng ngày 3/3 do bị bọn xấu tấn công và bắn chết.

Chỉ 2 ngày sau, vào ngày 5/3, anh Nguyễn Viết Hậu (xã Sơn Thọ, H. Vũ Quang, Hà Tĩnh), sinh năm 1983 cũng bị bọn cướp bắn chết ở tỉnh Uige.

An ninh ở Angola rất phức tạp

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, anh Vũ Văn Thuận, một người quê Hải Phòng đã có 6 năm sinh sống và làm việc tại Angola cho biết: Cộng đồng người Việt ở Angola rất đông. Đất nước này giàu có về khoáng sản như dầu mỏ, vàng, kim cương,… nhiều người Việt làm ăn rất khá ở đây.

Tuy nhiên, theo anh Thuận, tình hình an ninh ở Angola rất phức tạp, những vụ cướp bóc xảy ra thường xuyên và tại nơi anh sinh sống thì gần như đêm nào cũng nghe tiếng súng nổ.

“Cướp giật và giết hại xảy ra liên tiếp, trong đó có những vụ thanh toán nhau liên quan đến công việc làm ăn và tiền bạc”, anh Thuận cho biết.

Chính vì lí do này, anh Thuận đã phải bỏ về nước cho dù công việc làm ăn đang rất suôn sẻ.

“Nhiều tiền cũng phải về vì không biết sống chết thế nào. Về Việt Nam khó làm ăn nhưng ít ra cũng còn lành chán”, anh Thuận nói.

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Angola

Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số công ty, cá nhân người Việt Nam và nước ngoài hứa hẹn với người lao động khi sang Angola sẽ được làm việc cho công ty, công việc ổn định, mức lương hấp dẫn trong ngành xây dựng.

Do đó, nhiều lao động Việt Nam không có hợp đồng lao động đã nhập cảnh Angola bằng thị thực lao động. Nhưng khi đến Angola, họ không được làm việc cho công ty, không có việc làm ổn định và mức lương như đã hứa hẹn. Họ đành chấp nhận môi trường làm việc không an toàn, nhiều dịch bệnh... dẫn tới vi phạm pháp luật tại Angola.

Theo quy định của Angola, lao động nước ngoài chỉ được phép làm việc cho công ty có tên trong thị thực nhập cảnh. Do đó, một số người lao động Việt Nam đã bị công an bắt và trục xuất. Theo ghi nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, trong năm 2012, tai nạn lao động và dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 18 công dân Việt Nam.

Bộ LĐTBXH thông tin thêm, đến thời điểm này, Cục Quản lý lao động ngoài nước mới chỉ cấp giấp phép cho 6 doanh nghiệp XKLĐ hoạt động tại Angola, gồm: Công ty HLC, VTC Corp, Oleco, Taylor, IMS, Labcoop. Các doanh nghiệp đã đưa được 172 lao động sang làm việc tại thị trường lao động này. Người lao động VN chủ yếu làm việc trong ngành xây dựng, mức lương cơ bản từ 700 USD - 1.000 USD/tháng.

Vì vậy, người lao động khi nhận được thông tin tuyển chọn hoặc có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nói chung và đi Angola nói riêng, có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 043.8249517 (bấm tiếp số máy lẻ 511, 601, 312 hoặc 302); Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước số máy 043.9366633; Sở LĐTBXH địa phương; Trung tâm giới thiệu việc làm địa phương. Hoặc truy cập website dolab.gov.vn hoặc hotrolaodongngoainuoc.org để biết thông tin chi tiết về các thị trường lao động, danh sách và địa chỉ các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; danh sách các Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định cho phép thực hiện, ...

Trước tình hình trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài biết, cảnh giác trước những quảng cáo và hứa hẹn của các công ty, cá nhân môi giới việc làm, thận trọng tránh bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng.

H.NGUYÊN

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/them-mot-nguoi-viet-o-angola-b%e1%bb%8b-sat-hai-canh-bao-an-ninh-noi-day-rat-phuc-tap-d110334.html