Thêm những cây cầu

Chịu trách nhiệm chính điều tiết giao thông trên địa bàn Thủ đô, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội mới đây nhận định, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, trong thời gian tới Hà Nội cần thêm từ 3 – 5 cây cầu nữa.

Trong đó cần ưu tiên xây dựng ngay 3 cây cầu bắc qua sông Hồng tại vị trí từ Thường Tín sang Văn Giang (tất cả xe phía Nam, xe tải vào thành phố phải đi qua đây); cầu Chèm (để toàn bộ các phương tiện phải di chuyển qua cầu Chèm chứ không trực tiếp đi vào các tuyến đường nội đô như hiện nay) và cầu tại vị trí đường Trần Hưng Đạo hướng sang Long Biên, giáp với Bát Tràng.

Đến thời điểm này, trên tuyến sông Hồng qua địa bàn Hà Nội đang có 7 cây cầu gồm, cầu Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Nếu có thêm những cây cầu như đề xuất, sẽ có từ 10 đến 12 cây cầu nối hai bờ sông Hồng thuộc địa bàn Hà Nội.

Không cần phải tranh luận nhiều mới thấy rằng việc có thêm những cây cầu là cần thiết. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc có dân số đông hơn Hà Nội một chút, có tới 25 cây cầu bắc qua sông Hán (Hán Giang, thường bị gọi nhầm thành sông Hàn).

Đó là chưa kể bên cạnh chức năng kết nối giao thông, các cây cầu còn có giá trị thẩm mỹ, du lịch, lịch sử, văn hóa… rất lớn. Xét về quy mô và giá trị giao thông, cầu Mirabeau bắc qua dòng sông Sein ở Thủ đô Paris có quy mô khiêm tốn: Cầu chỉ có một nhịp chính dài 93m và 2 nhịp phụ dài 32,4m, chiều dài tổng cộng là 173m, chiều rộng là 20m. Thế nhưng nhiều thế hệ yêu văn học nghệ thuật trên khắp thế giới hẳn còn nhớ bài thơ “Chiếc cầu Mirabeau” của thi hào Guillaume Apollinaire. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng đã từng phổ nhạc bài thơ này. Không ít khách du lịch đã không thể không đến Paris một phần vì đã từng đọc và yêu thích bài thơ êm đềm ấy:

“Dưới cầu Mirabeau trôi dòng Seine/ Và tình ta nữa/ Chẳng biết anh còn nên nhớ/ Niềm vui lại đến sau nỗi ưu phiền/ Đêm cứ về, giờ cứ điểm/ Tháng ngày đi anh vẫn còn đây (…) Ngày qua rồi lại tuần qua/ Mà quá khứ/ Và những cuộc tình không trở lại/ Dưới cầu Mirabeau trôi mãi dòng Seine” (Bản dịch của Hoàng Hưng).

Quay lại câu chuyện về giá trị giao thông của những cây cầu. Đây là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để giải cứu đô thị khỏi vấn nạn ùn tắc kinh niên và ngày càng trầm trọng. Giải pháp điều tiết khoa học, phù hợp với thực tế cộng với ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông là hai “chân kiềng” quan trọng khác không thể thiếu khi xây dựng giải pháp bền vững cho giao thông thủ đô.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/them-nhung-cay-cau.aspx