Thêm tài khoản, thêm gánh nặng

(ĐTCK) Với không ít CTCK, nhận tài khoản từ các CTCK chuẩn bị giải thể, hoặc bị rút nghiệp vụ môi giới đang trở thành gánh nặng.

>> Nghịch lý tăng tài khoản

Quá nhiều tài khoản “bất động”

Hiện có hàng chục CTCK đã hoặc đang hoàn tất thủ tục chuyển toàn bộ tài khoản của khách hàng sang các CTCK khác, để sớm kết thúc quá trình giải thể, chấm dứt hoạt động, hoặc tự nguyện rút nghiệp vụ môi giới. Với những CTCK tiếp quản lượng tài khoản từ các CTCK ốm yếu, việc tăng số lượng tài khoản hầu như không tỷ lệ thuận với tăng cơ hội sinh lời cho công ty.

CTCK tốn không ít công sức trong việc quản lý lượng tài khoản “chết” khổng lồ

Lãnh đạo một CTCK tiếp nhận tài khoản từ một CTCK khác chia sẻ, trước thời điểm ra quyết định nhận tài khoản, công ty hy vọng sẽ có thêm một lượng khách hàng thường xuyên giao dịch, qua đó góp phần gia tăng phí môi giới. Thế nhưng, thực tế không như mong đợi, bởi qua thống kê cho thấy, đa số lượng tài khoản tiếp nhận về luôn ở trạng thái “bất động”.

“Hiện công ty có hàng chục ngàn tài khoản, nhưng trung bình chỉ có 5 - 7% số tài khoản giao dịch thường xuyên. Rất nhiều tài khoản nằm bất động kéo dài từ năm này qua năm khác. Kể từ khi nhận thêm lượng tài khoản mới từ CTCK khác về, số tài khoản bất động tăng thêm và trở thành gánh nặng, bởi công ty tốn khá nhiều công sức tiếp nhận, quản lý lượng tài khoản này”, lãnh đạo CTCK trên giãi bày và cho biết, qua tìm hiểu, ông phát hiện những tài khoản VIP, thường có tần suất và doanh số giao dịch lớn, trong nhiều trường hợp không chuyển theo số đông đến CTCK nhận tiếp quản. Họ thường chuyển tài khoản đến những CTCK mà môi giới, các khách VIP của CTCK sắp giải thể, rút nghiệp vụ môi giới mở tài khoản. Nghĩa là, môi giới, nhân sự chủ chốt của CTCK đi đâu sẽ có một lượng khách “ruột” đi theo. Vì thế, chất lượng tài khoản chuyển đến các CTCK thường không “chất” như dự đoán.

Một lý do khác khiến chất lượng tài khoản không “chất” là quá trình hoàn tất thủ tục chuyển tài khoản thường kéo dài, thậm chí hàng năm. Bởi vậy, với những NĐT có nhu cầu giao dịch thường xuyên, họ không thể chờ đợi lâu, nên chủ động chuyển hoặc mở tài khoản ở CTCK khác. Điều này dẫn tới những tài khoản còn nằm lại CTCK để chờ chuyển sang CTCK khác, tuyệt đại đa số không phát sinh giao dịch trong thời gian dài.

Tài khoản “chết” vẫn phải chăm sóc

Trong khi mối lợi của việc tiếp nhận tài khoản còn chưa rõ rệt, thì các CTCK đang phải gánh chịu những hệ quả nhãn tiền. Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận lượng tài khoản mới, các CTCK thường tuyển thêm môi giới, cũng như tăng thêm nhân sự ở một số bộ phận liên quan. Thế nhưng, do các tài khoản nhận tiếp quản ít giao dịch, nên số nhân sự này chưa được sử dụng hiệu quả, trong khi CTCK tốn thêm khá nhiều chi phí.

Ngoài ra, trong các tài khoản nhận về, nhiều tài khoản có chứng khoán, nhưng không còn tiền mặt. Trong số đó, nhiều chủ tài khoản không có điện thoại, email gửi thông tin, địa chỉ liên hệ lại thay đổi, nên để không bị Trung tâm Lưu ký chứng khoán “tuýt còi”, CTCK không còn cách nào khác là phải lấy tiền túi ra nộp phí lưu ký chứng khoán thay cho khách hàng. Số tiền này mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ của những CTCK tiếp nhận tài khoản từ các CTCK khác cho thấy, họ còn tốn không ít công sức trong việc quản lý lượng tài khoản “chết” khổng lồ. Theo quy định, số tài khoản này luôn được quản lý và lưu giữ trên hệ thống. CTCK đều phải thống kê, cập nhật toàn bộ lượng tài khoản hiện có tại công ty để báo cáo cơ quan quản lý, giám sát khi có yêu cầu.

Khi được hỏi, nếu có thêm một CTCK khác đặt vấn đề tiếp nhận tài khoản, liệu công ty có nhận, phó tổng giám đốc một CTCK cho hay, công ty sẽ cân nhắc thận trọng, chứ không hào hứng như trước. Thực tế cho thấy, khi lượng tài khoản nhận về không đạt một tỷ lệ nhất định phát sinh giao dịch thường xuyên, thì cái lợi mà CTCK nhận được không bõ bèn gì so với công sức, vốn liếng bỏ ra.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJGGDI/them-tai-khoan-them-ganh-nang.html