Theo chân những người Việt đến với Đông Bắc Nhật Bản

“Đây là lần thứ mấy đến đó, cô không nhớ nữa”, sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội phật tử VN tại Nhật, nói với Zing.vn khi cùng các Phật tử người Việt đến vùng thảm họa.

“Gặp người dân ở đó, cảm giác không phải là một người đi làm từ thiện để chia sẻ với họ nỗi khổ niềm đau. Mà ngược lại, mình nhận được tình cảm và triết lý sống của những người đã chịu đựng tận cùng của nỗi khổ đau rồi”, sư cô nói.

Lần đi này, nhóm của sư cô gồm 25 người Việt, là những sinh viên cùng anh chị em trong hội Phật tử ở Tokyo, cùng phát tâm lên đường đến tỉnh Miyagi để cúng cho người chết sớm siêu thoát, người sống nghe kinh giảm bớt khổ đau.

Những người Việt làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân thảm họa bên bờ biển, ngày 11/3/2017. Ảnh: NVCC

Từ mờ sáng hôm nay 11/3, mọi người ra biển gần thành phố Sendai để cầu siêu. Tiếp đó, đến chùa Tây Quang ở thành phố Ishinomaki phụ các anh chị lớn làm phở và chả giò, rồi tiếp tục tụng kinh với các sư Nhật Bản cầu siêu tiếp.

“Khoảng 300 người dân có người thân chết trong trận động đất ở Ishinomaki tụ tập ở chùa Tây Quan Viện để dự lễ cầu siêu và xong đó là mình mời họ dùng bữa. Người Nhật rất thích phở và chả giò (nem) của Việt Nam. Bên cô còn phát cho họ dây chuỗi và bùa phù hộ, đó là niềm tin về tâm linh cho họ, vì sau động đất sóng thần, họ mất hết nhà cửa người thân, nên mình tặng sâu chuỗi để mang động lực đến cho họ”, cô nói.

Và câu chuyện của cô sau đó là nỗi đồng cảm và cảm phục với những người mà cô gặp trong những chuyến đi của mình.

“Năm 2011, khi đó cô chỉ với tư cách là một tu sĩ đang tu học và sinh sống tại Nhật Bản, nghe được tin thảm họa xảy ra, đã đi một mình đến đó. Cô tập hợp được ở chùa của cô 400 kg gạo, nhiều thức ăn. Vùng bị nạn còn thiếu thốn. Cô cùng một số Phật tử chở các thứ quay lại đó, vừa từ thiện, vừa ra biển tụng kinh.

Sư cô Thích Tâm Trí trong chuyến đi Đông Bắc Nhật Bản, tháng 3/2011. Ảnh: NVCC

"Lên trên đó, tuyết rơi lạnh lẽo lắm. Mình ra ngoài biển, thấy được lượng người chết khá nhiều. Mình không thấy trực tiếp nhưng cảm giác như thế giới tâm linh hiện về làm mình ớn lạnh mỗi khi đứng bên bờ biển tụng kinh. Rồi mình đi tới những chỗ lánh nạn, gặp và chia sẻ với người dân.

Riêng năm 2011, cô đi 6-7 chuyến như thế.

Gặp được mọi người mình rất cảm động. Mình ngồi nói chuyện, họ trả lời từ tốn. Giữa mình với họ có một điều gì đó như sự đồng cảm.

Năm thứ hai, thứ ba cô đến đó, không còn đến chỗ lánh nạn nữa, vì người ta giải tỏa hết chỗ đó rồi. Họ dựng lên các nhà tạm thời. Những người ở trong nhà tạm thời đó mỗi gia đình là một căn. Nhưng cô đi tới một số ở nơi tập chung thì cảm nhận như thế này.

Khi bị động đất sóng thần mới xảy ra, họ ở chung, đi ra đi vào gặp nhau, có thể nói chuyện cởi mở được. Còn khi đã tạm ổn định trong những ngôi nhà tạm thời, họ đi ra đi vào chỉ có một mình.

Nói chuyện với những người sống sót, tháng 3/2011. Ảnh: NVCC

Cô cảm thấy sâu sắc, đúng là người già rất cô đơn cô độc, có những người chết trong nhà tạm thời mà không ai biết. Nên khi mình lên trên đó, mình đi từng nhà nói chuyện là họ rất vui, họ cởi mở lắm. Nếu không có ai tới, họ chỉ đóng cửa trong nhà một mình thôi.

Nhiều người than phiền sự phục hồi sau thảm họa chậm quá, dù đối với người Việt Nam mình thấy thì rất nhanh, chỉ Nhật Bản mới có thể phục hồi sau thảm họa lớn mà nhanh như vậy. Chắc có lẽ do trận thiên tai lần này trên diện lớn quá chăng?

Có những điều, không gì cô mà gần như tất cả người Việt đều khâm phục.

Các cộng đồng dân cư, họ không chỉ đợi chính phủ, họ luôn tự lực và nỗ lực vươn lên .

Cô thấy những ngư dân, những người làm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ truyền thống… họ muốn khôi phục lại, họ hợp với nhau thành tổ hợp, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ bán cho toàn quốc để lấy quỹ khắc phục thảm họa. Hoặc trên những vùng có đặc sản, họ làm rồi đem bán tại các thành phố lớn để gây quỹ từ thiện.

Chính vì thế mà công việc của họ phát triển đồng loạt, trăm hoa đua nở.

Những người Việt làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân thảm họa bên bờ biển, ngày 11/3/2017. Ảnh: NVCC

Còn điều nữa. Người Nhật họ đau khổ thật, nhưng họ không thể hiện ra trên gương mặt, họ không la khóc, không trách trời đất tại sao tôi khổ như thế này. Ngược lại, người ta có một khí lực dũng mãnh, rất điềm tĩnh. Chính vì vậy người ta không trì trệ, không giậm chân tại chỗ mà lúc nào cũng có ý thức vượt qua, khắc phục.

Đó không gì khác hơn là người Nhật học được triết lý đạo Phật, vượt qua số mệnh bằng cách nỗ lực siêng năng, chấp nhận mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống sẽ xảy ra đều do nhân quả, nghiệp báo nào đó.

Họ biết mình là người Việt, vì mình mặc đồ tu sĩ của người Việt. Và lần này mình làm phở và chả giò, họ biết đó là thức ăn của Việt. Họ quý lắm.

Với người Việt nam, Phật tử đi chùa mà được làm từ thiện như vậy, cảm nhận được tình cảm và triết lý sống của những người dân ở đây, họ càng thích nữa”.

Nhật Mai (thực hiện)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/theo-chan-nhung-nguoi-viet-den-voi-dong-bac-nhat-ban-post727485.html