Theo dấu chân giáo viên điều tra phổ cập

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về nâng cao trình độ dân trí, người giáo viên đảm nhận việc dạy trên bục giảng và kiêm nhiệm thêm công tác điều tra phổ cập. Công tác này đã đem đến nhiều trải nghiệm quý báu cho đội ngũ thầy cô giáo; đây còn là giải pháp hữu hiệu từng bước xóa nạn mù chữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Vận động người dân đến với con chữ

Vào thời điểm trước năm 2000, nhận công tác điều tra phổ cập giáo dục là một trong những nhiệm vụ giảng dạy của người giáo viên. Chính lực lượng giáo viên tham gia đã trở thành bộ phận khai thác hiệu quả thông tin phổ cập giáo dục trên cả nước.

Điều tra phổ cập có tác động rất lớn đến vận động người dân xóa nạn mù chữ, đẩy mạnh ý thức về nhận thức giáo dục đối với những hộ dân vùng khó khăn.

Tham gia trên mặt trận diệt “giặc dốt”, đóng vai trò nòng cốt là giáo viên, đặc biệt giáo viên vùng sâu, vùng khó. Đưa những người chưa biết chữ để đến trường tham gia những lớp phổ cập là điều hết sức gian nan.

Giáo viên là người trực tiếp giúp người dân hiểu về giáo dục không khoảng cách với bất cứ ai. Chính điểm thuận lợi này đã giúp cho nhiều trẻ được đến trường, nhiều người chưa biết chữ đã có thể dành sự quan tâm nhiều hơn cho giáo dục để có trình độ nhất định, rút ngắn con đường đến với chữ.

Trên địa bàn một số nơi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài giờ chính khóa dạy trên lớp, để hoàn thành công tác điều tra phổ cập có hiệu quả thì giáo viên được tạo điều kiện thực hiện công tác này vào mỗi dịp hè.

Một số địa phương tiến hành vận động người học đến trường trong khi những địa phương khác thực hiện chương trình “Ánh sáng văn hóa hè”; kịp thời kêu gọi mọi người đến trường để biết chữ và tích cực bổ túc văn hóa đem chữ về ngay cho họ trong những lớp phổ cập hè quy tụ mọi lứa tuổi.

Ông Trần Thanh Văn - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) - cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu phổ cập xóa mù chữ cho người dân và học sinh thuộc những bậc học, giáo viên phải kiêm nhiệm thêm công tác điều tra phổ cập, phải đi gõ cửa từng nhà đem học sinh tới trường học chữ.

Giúp giáo viên đảm nhiệm hoàn thành chuyên môn công tác thì ngành Giáo dục địa phương bố trí việc điều tra vào dịp hè vì đây là thời gian rỗi. Vì vậy mất thời gian khá dài để hoàn thành nhưng linh hoạt thời gian đảm bảo tốt việc dạy học của nhà giáo không bị ảnh hưởng”.

Phổ cập người dân tham gia những lớp học “trường làng” ưu tiên việc đọc, viết chữ. Sau đó là bổ sung những kiến thức nâng cao, huy động phần lớn lực lượng giáo viên xung kích đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu.

Phía sau cuộc điều tra vất vả

Trong công cuộc xóa mù chữ cho người dân, đặc biệt là địa phương vùng khó, xuất hiện nhiều hình ảnh người giáo viên tận tụy vì học sinh, cống hiến cho nghề giáo và vượt lên rào cản về điều kiện giao thông, điều kiện sinh hoạt hơn nữa là tình trạng “có chữ mà chưa có trò”. Dù khó khăn nhưng tất cả vẫn không ngừng vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường, vận động phổ cập văn hóa cho người mù chữ.

Cô Nguyễn Trúc Khuyên hiện là giáo viên THCS trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đã từng làm quen với công tác điều tra phổ cập và tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu, sâu sắc trong giáo dục. Cô Khuyên chia sẻ: “Chúng tôi lập thành nhóm khoảng vài người đi điều tra phổ cập trong dịp hè, khi đó phương tiện chủ yếu là đò chạy ở tuyến sông lớn. Tuy nhiên, khi sâu sát vào từng hộ dân tỏa đi tiến hành lấy thông tin ở những ấp trên địa bàn xã thì chúng tôi phải đi bộ 5 - 6km. Thậm chí có hôm trời mưa thì cả nhóm bì bõm trên sình lầy, vũng bùn về đến nhà trời nhá nhem tối, vừa đói bụng lại vừa rét lạnh”.

Theo cô Khuyên, thời điểm đó nhận thức của một số người dân còn khép kín nên khi gõ cửa điều tra phổ cập thì nhiều hộ dân tỏ ra khá nghi ngại, có thái độ không tốt và bất hợp tác. Số khác thì thấy giáo viên điều tra phổ cập đến thì dò hỏi chế độ chính sách trước khi muốn cho con em đến trường.

“Lúc đó chúng tôi không có gì đảm bảo ngoài việc chỉ biết lấy chữ để bù đắp văn hóa cho họ. Không những vậy, những năm 2000, đơn vị giáo dục gặp hạn chế về điều kiện công nghệ thông tin, nhất là máy tính để bàn. Sau mỗi đợt tổng hợp, chúng tôi phải ngồi đò đến những điểm trường lớn ở thị trấn để nhờ máy tính nhập dữ liệu từ những phiếu thu viết tay” - cô Khuyên kể lại.

Đối mặt với thách thức lớn, những ngày đầu điều tra thông tin phổ cập đã vấp phải sự đồng thuận chưa cao từ người dân. Tuy nhiên về lâu dài đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của người dân. Họ mong muốn con em được đi học và tiếp tục theo học ở những bậc học cao hơn.

Lấy khó khăn làm động lực xóa mù chữ cho con em địa phương, đó cũng là niềm vui của những nhà giáo. Thành quả là tỷ lệ người biết chữ tăng lên, lớp phổ cập ngày càng nhiều chỗ ngồi, báo hiệu nhiệm vụ kiêm nhiệm của giáo viên đang đến ngày “đơm hoa kết trái”.

Nhắc về thời gian đã qua, Cô Nguyễn Trúc Khuyên tâm sự: “Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi càng phấn khởi, yêu nghề nhiều hơn, thông qua công tác điều tra phổ cập đã phát hiện và giúp đỡ nhiều trẻ trong độ tuổi được đến trường. Trong nhiều năm liên tục làm công tác, chúng tôi dành cả mùa hè để đi thu thập thông tin. Trở ngại về đường đi, gánh nặng trách nhiệm cũng là một nhiệm vụ giáo dục tiêu điểm. Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn sát cánh hỗ trợ cho nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù thu nhập từ lương công chức không cao nhưng đã cho chúng tôi có cơ hội đoàn kết và hiểu về nhau”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/theo-dau-chan-giao-vien-dieu-tra-pho-cap-3749981-b.html