Theo dòng thể thao: Đại chiến nơi hậu trường

Ngày 12/9 tới, sự kiện được nhiều người quan tâm nhất là VFF sẽ tiến hành mổ xẻ thất bại tại SEA Games 29.

Lần đầu tiên kể từ sau SEA Games, lãnh đạo VFF, Hội đồng HLV quốc gia và HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ ngồi lại với nhau để tìm ra thất bại của U22 Việt Nam.

Ngay sau thất bại của U22 Việt Nam, dư luận đã dấy lên một trận cuồng phong đòi hỏi phải có người đứng ra chịu trách nhiệm. HLV Nguyễn Hữu Thắng là người đầu tiên phải nói lời chia tay. Đây được coi là quyết định không thể khác bởi nếu ông Thắng không từ chức thì VFF cũng sẽ sa thải. Tiếp đến, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức đã nộp đơn từ nhiệm, được coi là cụ thể hóa lời hứa “không vô địch SEA Games sẽ từ chức” của ông.

Nhưng, nhiều người biết rằng, ông Đức đã thông báo với lãnh đạo VFF từ trước SEA Games là dù kết quả của U22 Việt Nam thế nào thì ông cũng sẽ rời khỏi VFF vì quá bận công việc. Ông Đoàn Nguyên Đức rút lui bởi đã làm rất nhiều cách, thậm chí cả việc đuổi việc HLV Miura để đưa ông Thắng lên nắm quyền cũng không thể xoay chuyển cục diện. Những nhân vật chính đã ra đi nhưng dư luận dường như muốn nhiều hơn thế.

Trong suốt thời gian qua, dù bóng đá Việt Nam còn phải hoàn thành nhiệm vụ ở vòng loại Asian Cup thì dư luận vẫn muốn phải ngay lập tức đưa ra những lý do vì sao U22 Việt Nam thất bại. Trước khi VFF đưa ra thời điểm mổ xẻ thất bại, đã có nhiều ý kiến chỉ trích tổ chức này. Nhiều người cho rằng, VFF đang muốn né tránh thất bại và trách nhiệm vì U22 Việt Nam thua trận. Và khi VFF định ngày 12/9 là thời điểm làm việc với HLV Nguyễn Hữu Thắng thì cơn bão chỉ trích tạm thời lắng xuống. Nhưng tất cả đều hiểu, sự im ắng bất ngờ ấy là tiền đề cho một cơn giông tố lớn hơn sắp nhắm vào VFF bởi chắc chắn, nhiều người sẽ không chấp nhận những kiến giải thuần chuyên môn sau buổi làm việc với HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Một bộ phận nhà chuyên môn chỉ ra rằng, thất bại tại SEA Games xuất phát từ những sai lầm cá nhân chứ không phải do U22 Việt Nam quá yếu kém. HLV Nguyễn Hữu Thắng đã thể hiện sự non kém và cục bộ trong cầm quân. Điều đó thể hiện ở việc, ông chịu xoay tua đội hình khiến nhiều cầu thủ kiệt sức và quá trọng dụng những cầu thủ thân thiết với mình. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng, đây là thất bại của VFF, của một nền bóng đá yếu kém.

Không quá khó để nhận ra, thất bại của U22 Việt Nam được coi là bước ngoặt cho cuộc đấu đá nơi hậu trường vốn đã âm ỉ từ vài năm nay. Đang có một số luồng quan điểm muốn tìm một sự kiện đủ lớn để gây áp lực buộc lãnh đạo VFF phải chấp nhận rút lui. Chỉ có điều khác với những lần thất bại trước, những ý kiến đòi thay đổi này không nhận được sự tán đồng của số đông, đặc biệt là các nhà chuyên môn có uy tín.

Cuộc đấu đá nơi hậu trường đã xuất hiện. Cuộc họp tới đây có thể là chìa khóa giải quyết vấn đề nhưng không loại trừ khả năng, nó sẽ khiến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng. Chúng ta hãy cùng chờ xem!

Bình Giang

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/theo-dong-the-thao-dai-chien-noi-hau-truong-297718.html