Thi cao đẳng: Không cần thiết

Nhiều trường cao đẳng (CĐ) “tá hỏa” vì số thí sinh (TS) được gọi trúng tuyển đến nhập học quá ít, có trường chỉ tuyển được 20% chỉ tiêu. Những thủ khoa, TS điểm cao nhất của các trường CĐ đều “đội nón” ra đi… tìm đến trường ĐH. Nhiều người cho rằng nỗi ám ảnh về tỷ lệ ảo và bị vớt hết top trên của các trường CĐ trong những mùa tuyển sinh gần đây là do dư một kỳ thi.

Bói... ảo! Cả 9 thủ khoa 29 điểm của Trường CĐ Tài chính Hải quan đều đậu ĐH. Trường CĐ Kinh tế đối ngoại có điểm chuẩn vào hàng cao nhất cũng không bao giờ đón được những TS cao điểm vào học tại trường. Những thủ khoa năm nay cũng bỏ trường mà đi. Đó là nỗi khổ chung của các trường CĐ có tổ chức thi tuyển. Trường CĐ Phát thanh truyền hình 2 muốn tổ chức thi để chọn TS đầu vào cao. Ban tuyển sinh phấn khởi khi lượng dự thi lên đến 6.000 – 7.000 TS (tăng hơn 10 lần). Dù phải căng người tổ chức thi, nhà trường vẫn lạc quan vì điểm chuẩn đến 19-20 điểm. Số TS trúng tuyển được gọi dôi lên 200% để tránh ảo. Ngày nhập học, trường tuyển được 20% chỉ tiêu (khoảng 60 TS). Suy đến cùng, “bi kịch” của Trường CĐ Phát thanh truyền hình 2 nằm ở tỷ lệ ảo TS vốn đã “biết rồi, nói mãi” trong nhiều mùa thi CĐ nhưng vẫn chưa có lời giải. Dù rút kinh nghiệm, Trường CĐ Sư phạm trung ương đã gọi TS trúng tuyển vượt chỉ tiêu rất nhiều song vẫn khó tránh khỏi chuyện khó tuyển đủ người học. Ngành Sư phạm mỹ thuật được chắc chắn rằng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay NV1. Nào ngờ, chỉ phân nửa số TS trúng tuyển đăng ký nhập học khi đợt xét tuyển NV2 đã hết hạn. Nhà trường chới với và đặt tất cả hy vọng cứu lấy chỉ tiêu vào NV3. Song lúc này, trường ĐH vốn là “chiếu trên” đang đỏ mắt kiếm người học thì các trường CĐ với phận “chiếu dưới” càng khó khăn hơn. Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng có hơn 100 SV đã nhập học đến rút hồ sơ để nộp vào trường ĐH, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Tài chính hải quan… cũng có nhiều em xin bỏ trường CĐ sau khi xét đậu NV2 vào ĐH. TS Phạm Châu Thành, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, “cay đắng”: Làm công tác tuyển sinh CĐ như là làm thầy bói… xem voi ảo! Không có căn cứ nào chắc chắn, ngoại trừ mạo hiểm với kinh nghiệm dự đoán mà cũng lắm khi sai. Có nên tiếp tục thi CĐ? Trở lại với công tác tổ chức thi CĐ theo hình thức 3 chung, kỳ thi này được tổ chức sau và độc lập với kỳ thi ĐH nhằm tạo cơ hội cho TS dự thi CĐ cũng được xét tuyển. Và quả thực, mỗi TS đã dự thi nhiều trường ĐH vẫn có thể dự thi thêm CĐ. Sự trùng lắp này là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ ảo cho các trường CĐ. Bậc học này vốn được xem là “đàn em” của ĐH nên điểm thi ĐH hiển nhiên được hợp thức hóa xét tuyển xuống CĐ cho nên không hẳn phải thi CĐ mới được học CĐ. Vì vậy mà ngay khi Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn CĐ cũng theo kiểu lùi 3 điểm của sàn ĐH. Trong số 96 trường CĐ không tổ chức thi, khoảng 30 trường chỉ xét điểm ĐH, không lấy điểm CĐ. Vị trưởng phòng đào tạo của một trường CĐ cho biết: Việc xét tuyển cả điểm ĐH và CĐ rất phức tạp, không có một thước đo chung cho 2 kỳ thi với trình độ khác nhau. Đề ĐH vẫn được dư luận đánh giá cao vì vậy nhiều trường chỉ chọn xét điểm ĐH để đảm bảo chất lượng đầu vào. Ngay khi đại diện Vụ GD ĐH khẳng định điểm thi CĐ theo đề chung của bộ có thể xét tuyển vào hệ CĐ của các trường ĐH quyền lợi của TS CĐ vẫn không được đảm bảo. Bộ GD-ĐT đã không bắt buộc trường ĐH phải nhận xét tuyển điểm CĐ và giao quyền quyết định cho từng trường. Từ đó, dẫn đến thực tế, hầu hết các trường ĐH có đào tạo hệ CĐ đều từ chối điểm CĐ. Điểm thi CĐ đã không đảm bảo quyền lợi được xét tuyển ngay trong chiều ngang của bậc học. Trong khi, kết quả thi ĐH vẫn đảm bảo chức năng xét tuyển vào trường CĐ thì có cần thiết nối dài thêm một kỳ thi CĐ? ThS Nguyễn Thị Phương Nga, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm trung ương, lo lắng: Đặc thù trường có môn thi năng khiếu nên phải thi tuyển. Việc tổ chức nhiều đợt thi để rồi tỷ lệ ảo quá cao là lãng phí. Mục đích đó cũng đáng để hy vọng tổ chức một kỳ thi nhưng ai sẽ đảm bảo cho các trường rằng chỉ những TS có nguyện vọng học CĐ mới dự thi CĐ? Hay đó là giải pháp giăng lưới tạm thời để rồi hậu thi là tỷ lệ ảo quá lớn, đã lãng phí công sức và tiền của cả một bộ máy phục vụ cho kỳ thi. Trong lúc, kỳ thi ĐH vẫn đảm bảo được chức năng tuyển sinh cho bậc ĐH-CĐ thì giảm bớt 1 kỳ thi cũng áp lực cho người học, cho xã hội. Tiêu Hà

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giaoduc/2009/10/205620/