Thí điểm kinh doanh trái cây tại Hà Nội: Kiểm soát tốt chất lượng, đảm bảo trật tự đô thị

Hà Nội với dân số gần 10 triệu người, bao gồm cả nhập cư từ các tỉnh, TP khác thì nhu cầu về thực phẩm, trong đó có trái cây rất lớn.

Tuy nhiên, lượng trái cây sản xuất, đáp ứng tại chỗ của Hà Nội chỉ vào khoảng 30%, còn lại 70% là nhập khẩu và nhập từ các tỉnh, thành khác.

Một cửa hàng bán hoa quả tại đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy.

Hiện trái cây đang được kinh doanh – tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau, ngoài các kênh tiêu thụ hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng hay tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh thì một lượng không nhỏ trái cây đang được tiêu thụ dưới lòng đường, vỉa hè. Điều này xuất phát từ thói quen, tính tiện lợi, mức sống của người dân. Tuy nhiên, việc kinh doanh – tiêu dùng trái cây dưới lòng đường, vỉa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như kiểm soát chất lượng trái cây, đồng thời gây mất trật tự, mỹ quan đô thị.

Với mục tiêu xây dựng kênh kinh doanh – tiêu dùng văn minh, hiện đại; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người kinh doanh, người dân trong đảm bảo ATTP, góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô”, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5848/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 về phê duyệt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”.

Đề án nhằm mục tiêu xóa bỏ các điểm bán trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng góp phần xây dựng trật tự, văn minh đô thị; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người trồng trọt, kinh doanh, người tiêu dùng, người quản lý về đảm bảo ATTP đối với trái cây; tăng cường quản lý, kiểm soát đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây hướng tới đảm bảo chất lượng, ATTP đối với sản phẩm trái cây trên địa bàn. Xây dựng, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm trái cây trong nước cũng như trên địa bàn, khuyến khích các vùng sản xuất trái cây an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh trái cây nội địa, góp phần ổn định, phát triển kinh tế trên địa bàn.

Đến hết năm 2018, các cửa hàng trái cây trên địa bàn các quận kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP... Xóa hoàn toàn các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện ATTP và trật tự đô thị, nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng, góp phần đảm bảo trật tự văn minh đô thị, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong kinh doanh cũng như vi phạm về ATTP, nhất là sử dụng các chất độc hại, chất cấm... để sản xuất, bảo quản trái cây. Từng bước tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn TP.

Đề án góp phần xây dựng các tuyến phố xanh – sạch – đẹp, xây dựng bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Tiến tới xóa bỏ các điểm bán trái cây ở lòng đường, vỉa hè, tạo đường thông, hè thoáng, trả lại không gian cho người đi bộ và lòng đường cho người tham gia giao thông. Đồng thời, với việc gắn các logo nhận diện các điểm bán trái cây đủ tiêu chuẩn theo đề án giúp người tiêu dùng dễ nhận biết, mua được trái cây đảm bảo chất lượng đồng thời tăng tính mỹ quan cho các tuyến phố các quận.

Hà Nội phấn đấu trong năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận của TP có đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, 100% người kinh doanh trái cây có kiến thức, được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP; 100% người dân và người kinh doanh trái cây được tuyên truyền về đề án trái cây.

Bài, ảnh: Minh Khôi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-diem-quan-ly-cua-hang-kinh-doanh-trai-cay-tai-noi-thanh-ha-noi-kiem-soat-tot-chat-luong-dam-bao-trat-tu-do-thi-298124.html