Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại Phú Yên

Sáng 20-5, tại tỉnh Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.

Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” được triển khai từ năm 2014, tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, là những địa phương trọng điểm của nghề khai thác cá ngừ đại dương của cả nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai năm qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi như Công ty CP Thủy sản Bình Định; Công ty TNHH Bá Hải (Phú Yên); Công ty TNHH Hải Vương và Công ty YANMAR (Khánh Hòa). Chất lượng, giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương ngày càng được nâng lên, ngư dân có thu nhập cao. Nếu như năm 2012, giá cá ngừ giao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, đến năm 2017 tăng lên từ 95.000 đến hơn 100.000 đồng/kg và tương đối ổn định.

Tuy nhiên, do tập quán khai thác cá ngừ truyền thống của ngư dân, nên việc áp dụng quy trình, công nghệ mới vào khai thác, sơ chế chưa được tuân thủ; các doanh nghiệp thu mua cá ngừ còn theo hình thức mua xô, chưa tạo động lực để ngư dân đầu tư công nghệ khai thác, bảo quản nâng cao chất lượng, chủ yếu vẫn chạy theo số lượng; chưa xây dựng được các cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá sản phẩm nhằm bảo đảm vệ sinh và phục vụ xuất khẩu cá ngừ tươi sống. Vì vậy, việc thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” còn gặp phải một số hạn chế.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có 2.372 tàu khai thác cá ngừ đại dương, chủ yếu khai thác cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vằn, với tổng sản lượng năm 2016 đạt hơn 92 nghìn tấn. Có 15 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ sang 138 thị trường thế giới. Đứng đầu là Mỹ, tiếp đến là EU, Thái-lan, Israel, Nhật Bản… Các chủng loại sản phẩm cá ngừ xuất khẩu rất phong phú, gồm: cá ngừ tươi nguyên con, đông lạnh nguyên con, chế biến đông lạnh, hấp chín đông lạnh, đồ hộp cá ngừ… Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam năm 2016 đạt hơn 509 triệu USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cá ngừ đại dương của Việt Nam là đối tượng thủy sản có trữ lượng khá lớn, giá trị kinh tế cao. Việc tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi đã mang lại hiệu quả bước đầu. Thời gian tới, các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi cần khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ có khoa học hơn, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào chế biến. Cần hỗ trợ kỹ thuật khai thác, bảo quản, sơ chế hiện đại từ nước ngoài cho ngư dân. Các tỉnh tham gia đề án như Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa tiếp tục hoàn thiện mô hình liên kết khai thác cá ngừ bằng nghề lưới vây với dịch vụ hậu cần thu mua sản phẩm trên biển, đem lại hiệu quả cao…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32927602-thi-diem-to-chuc-khai-thac-thu-mua-che-bien-tieu-thu-ca-ngu-theo-chuoi-tai-phu-yen.html