Thí điểm xây dựng chiến lược dữ liệu tại 1 bộ và 1 tỉnh trước khi nhân rộng

Trong quý III/2024, việc xây dựng chiến lược dữ liệu sẽ được triển khai thí điểm tại 1 bộ, ngành và 1 địa phương cấp tỉnh, trước khi công bố và nhân rộng mô hình thí điểm vào quý cuối cùng năm nay.

Bộ TT&TT vừa ban hành kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Quyết định 142 ngày 2/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ‘Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030’.

Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ Bộ TT&TT được giao tại Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ, đạt các mục tiêu đề ra. Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo các cấp, ngành trong việc thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030.

Theo đại diện Viện Chiến lược TT&TT, quá trình soạn thảo kế hoạch hành động của Bộ TT&TT triển khai chiến lược dữ liệu quốc gia, Viện đã họp, làm việc trực tiếp với đại diện các Sở TT&TT, lấy ý kiến đóng góp và tìm hiểu nhu cầu thực tế của các địa phương, đồng thời gửi xin ý kiến của các đơn vị trong Bộ TT&TT liên quan trực tiếp đến việc triển khai chiến lược.

Trong kế hoạch hành động mới được ban hành, bên cạnh việc phân công đầu mối đơn vị theo dõi thực hiện các chỉ tiêu trong Chiến lược dữ liệu quốc gia liên quan đến Bộ TT&TT, Bộ cũng nêu rõ đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp, kết quả cần đạt, giai đoạn thực hiện và thời hạn hoàn thành của hơn 50 nhiệm vụ Bộ TT&TT được giao tại ‘Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030’, bao gồm 22 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia và 29 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT.

Theo kế hoạch, để phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia, kết nối và chia sẻ dữ liệu, một nhiệm vụ thường xuyên từ nay đến năm 2030 do Trung tâm thông tin chủ trì, phối hợp cùng Cục Chuyển đổi số quốc gia và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện là củng cố và tận dụng, bảo đảm đồng bộ, kết nối thông suốt các trung tâm dữ liệu sẵn có.

Cục Chuyển đổi số quốc gia có trách nhiệm chủ trì việc theo dõi, đôn đốc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Đơn vị này cũng được yêu cầu vào tháng 6/2025 triển khai xong nhiệm vụ hoàn thiện Cổng dữ liệu quốc gia và đảm bảo cung cấp, cập nhật kịp thời các bộ dữ liệu mở cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân tra cứu, khai thác sử dụng.

Để phát triển thị trường dữ liệu, Vụ KH&CN được giao chủ trì việc bổ sung các sản phẩm, giải pháp thu thập, xử lý, trao đổi, làm giàu dữ liệu và biểu diễn dữ liệu vào ‘Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển’ và ‘Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển’, hoàn thành vào tháng 12/2025. Trong khi đó, Viện Chiến lược TT&TT sẽ chủ trì xây dựng đề án thiết lập thị trường dữ liệu và các văn bản pháp lý hướng dẫn thí điểm các sàn giao dịch dữ liệu, với thời hạn hoàn thành là tháng 12/2026.

Một yêu cầu đặt ra với kế hoạch hành động của Bộ TT&TT thực hiện chiến lược dữ liệu quốc gia là xác định có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm tính khả thi của các nhiệm vụ. Ảnh minh họa: Internet

Một yêu cầu đặt ra với kế hoạch hành động của Bộ TT&TT thực hiện chiến lược dữ liệu quốc gia là xác định có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm tính khả thi của các nhiệm vụ. Ảnh minh họa: Internet

Thời gian tới, để phát triển nguồn nhân lực về dữ liệu, Vụ Hợp tác quốc tế và Viện Chiến lược TT&TT đồng chủ trì nhiệm vụ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để cung cấp các cơ hội thực tế và trao đổi kỹ thuật, tiếp cận với những công nghệ và phương pháp mới, tiên tiến nhất của thế giới về dữ liệu.

Với các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT, ngay trong năm nay, Cục Chuyển đổi số quốc gia và các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ hoàn thành việc xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn cho bộ, ngành, địa phương xây dựng danh mục dữ liệu lớn cần ưu tiên phát triển thuộc phạm vi quản lý của bộ, tỉnh.

Giai đoạn 2024 – 2025, Vụ Kinh tế số và xã hội số chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, đưa bổ sung các bộ chỉ số đánh giá về phát triển dữ liệu vào Bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) để đánh giá kết quả phát triển dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và theo dõi, đánh giá hằng năm.

Đáng chú ý, trong năm 2024, ngoài việc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chiến lược, Viện Chiến lược TT&TT còn có nhiệm vụ chủ trì triển khai thí điểm xây dựng chiến lược dữ liệu tại 1 bộ/ngành và tại 1 địa phương cấp tỉnh. Sau khi thí điểm, dự kiến trong quý IV, Bộ TT&TT sẽ công bố, nhân rộng mô hình thí điểm xây dựng chiến lược dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh.

Lãnh đạo Bộ TT&TT giao Viện Chiến lược TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ tổ chức triển khai kế hoạch hành động, đồng thời chủ trì việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT được phân công chủ trì các nhiệm vụ cụ thể tại kế hoạch hành động, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết và tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ theo yêu cầu.

‘Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030’ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/2. Tư tưởng xuyên suốt của chiến lược này là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, phát triển, sử dụng dữ liệu làm công cụ để cải cách hành chính, tạo ra giá trị kinh tế, nâng cao sự cạnh tranh và phục vụ lợi ích người dân. Trong đó, nhà nước tạo lập, định hướng, mở và chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, làm giàu các dữ liệu có giá trị. Cùng với đó, hình thành văn hóa dữ liệu, chuyển đổi nhận thức từ tra cứu dữ liệu sang chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu, từ sở hữu riêng dữ liệu sang chia sẻ dữ liệu sử dụng chung và cùng hưởng các lợi ích mà dữ liệu mang lại.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thi-diem-xay-dung-chien-luoc-du-lieu-tai-1-bo-va-1-tinh-truoc-khi-nhan-rong-2282736.html