Kẻ khóc, người cười!

Nghị định 34 về xử phạt giao thông đường bộ vừa đưa áp dụng đã phát huy 'tác dụng'. Tại TPHCM, các bác tài lái thuê, dù thu nhập có hẻo hơn nhưng vẫn không dám chạy ẩu...

Doanh thu giảm, taxi “khóc ròng”…

Đang đậu xe tại ngã tư, nghe tổng đài gọi đón khách bên kia góc đường Điện Biên Phủ-Cách Mạng Tháng Tám, tài xế taxi Ngô Văn Hoàng Dũng (điều khiển xe 53M-1316 của hãng Vinasun) vội băng xe lao đi. Đến ngã tư, Dũng thoáng thấy bóng khách nhưng không kịp nhấn ga vì đèn vàng. Dù không có bóng dáng CSGT nhưng anh Dũng vẫn kiên nhẫn chờ. Đèn xanh bật lên, anh Dũng nhấn ga, nhưng từ phía đường Cách Mạng Tháng Tám một chiếc taxi đã lao tới. Vậy là khách lên xe đi mất.

Quay trở lại điểm đậu xe quen thuộc, anh Dũng uể oải bước xuống xe. “Bình thường là tôi nhấn ga, vọt đèn vàng ngay, nhưng từ khi áp dụng mức phạt cao theo NĐ 34 là không dám nữa. Dạo trước để bắt khách, anh em còn đâm vô xẹt ra, bây giờ mà chạy kiểu ấy thì “toi”. Nhưng không chạy kiểu ấy thì hụt khách hoài cũng khó sống...”, Dũng nói giọng rất “nẫu”.

Tài xế Dũng còn cho biết từ khi áp dụng xử phạt theo NĐ 34 (20/5), nhiều anh em taxi bị giảm doanh thu do không thể chạy ẩu để đón khách như trước. Thậm chí có người giảm tới gần 40% doanh thu.

Lực lượng CSGT TPHCM xử lý vi phạm theo mức xử phạt mới.
Ảnh: TG

Tình trạng của lái xe Ngọc Lưu (hãng taxi 27-7) cũng tương tự. Lưu chuyên đậu xe trên đường Phạm Ngũ Lão để đón khách. Trò chuyện với chúng tôi, người lái xe trẻ tuổi quê Hải Phòng này nói: “Sáng đến giờ chẳng có khách nào anh ạ. Chạy loanh quanh bắt khách vãng lai thì có khi tốn xăng mà chẳng được đồng nào, chạy vớ vẩn lại dính cái biên bản thì khổ cả tháng. Cả tháng em cày được dăm ba triệu đồng, cái biên bản bèo bèo cũng 600.000-700.000 đồng. Mức phạt nặng quá khiến bọn em nhát cả tay anh ạ!”. Lái xe Lưu có một vợ, hai con, vào TPHCM thuê nhà lập nghiệp. “Anh xem, việc thì nhiều nhưng ngặt cái sức khỏe mình không có, lấy được cái bằng lái là xem như được làm việc nhẹ nhàng, tiền tương cũng tạm. Nhưng bây giờ khó hơn rồi, không thể thạy ẩu kiếm tiền như xưa nữa”, Lưu thở dài.

Đối với cánh tài xế xe buýt, sức “ảnh hưởng” của Nghị định 34 cũng không nhỏ. Tuy họ không bị ảnh hưởng đến doanh thu như cánh tài taxi nhưng vẫn có thể nhẵn túi khi bị dính “biên bản”. Tài xế Lê Hữu Cường, lái xe buýt tuyến Bến Thành- An Sương phân trần: “Để để đảm bảo thời gian đối với trung tâm điều hành thì nhiều khi xe buýt phải lấn tuyến, nhưng nếu không may gặp CSGT thì coi như “xong phim”. Mức phạt trước đây anh em còn liều được, bây giờ mức phạt cao thế, ai cũng ngại. Lỡ trễ chuyến, bị trung tâm điều hành đánh giá là bỏ chuyến thì chịu chứ chẳng ai mạo hiểm để bị phạt đâu, lương nào mà đắp cho đủ”.

Xử phạt nặng sẽ khiến người tham gia giao thông
tôn trọng luật lệ hơn.

Tài xế “kiểng” cười toe!

Tài xế “kiểng”, cách gọi những người tự lái xe của mình, để phân biệt với giới cầm vô lăng chuyên nghiệp mưu sinh, thì lại khoái chí với Nghị định 34. “Từ khi có Nghị định 34, tôi lái xe thoải mái hơn nhiều. Mấy ông taxi, buýt và cả xe tải đều đi đứng đàng hoàng hơn. Tuyến của ai người nấy chạy, không ai giành đường như trước nữa. Hình như Nghị định 34 bóp túi tiền của mấy ông tài nên giao thông trật tự hơn” - ông Nguyễn Thế Hùng (trú đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp), chủ một showroom ôtô trên Xa lộ Hà Nội phấn khởi nói.

Mang tâm trạng như tài xế “kiểng” Thế Hùng, ông Nguyễn Thành Trân (trú đường D.2, quận Bình Thạnh) vui vẻ cho hay: “Hàng ngày lái xe đến cơ quan trên đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi cứ vướng kẹt xe rất nhiều tại vòng xoay Hàng Xanh vì đây là một trong những cửa ngõ vào TPHCM. Vào đến đường Nguyễn Đình Chiểu cũng hay bị kẹt xe vì tình trạng lấn tuyến tràn lan. Từ khi áp dụng mức phạt nặng, tôi thấy tình hình cải thiện hẳn. Nếu chạy đúng luật thì phạt nặng hay phạt nhẹ đâu có ảnh hưởng gì đến mình. Nhưng với mức phạt nhẹ thì nhiều người sẵn sàng phạm luật khiến những người chạy đúng luật bị thiệt thòi”. Với lập luận đó, ông Trân có mong muốn trái ngược với cánh tài xế chuyên nghiệp, đó là Nghị định 34 phải... kéo dài.

Chấm dứt tình trạng giao thông lộn xộn là là mong ước của của tất cả người dân. Để có được điều đó, điều không thể khác là mọi người đều phải chấp nhận các quy định, dù là khắt khe. Một số người như bác tài Dũng, Lưu, Cường... có thể bị ảnh hưởng, nhưng cái được lại nằm ở số đông. Hy vọng tình trạng giao thông sẽ được cải thiện.

Đánh giá sơ bộ tình hình giao thông TPHCM những ngày qua, Thượng tá Võ Văn Vân - Phó phòng CSGT đường bộ (Công an TPHCM) khẳng định: Sau khi Nghị định 34 đi vào đời sống, tình hình giao thông TPHCM đã có những chuyển biến tích cực thấy rõ, ý thức tuân thủ luật giao thông của người đã được nâng cao. Có thể nêu những hình ảnh dễ nhận thấy như xe tải vào TPHCM đã nối đuôi nhau mà đi, không còn chen lấn gây ách tắc giao thông như trước. Taxi thì dừng đón khách hay trả khách tuân thủ quy định hơn...

Đỗ Bá

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100528081611760p0c1000/ke-khoc-nguoi-cuoi.htm