Thị phần nào cho trái cây trong nước?

Hiện ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh, hay các siêu thị... trái cây nhập khẩu được bày bán rất phong phú với giá cả không đắt hơn so với trái cây trong nước nên đã hút rất đông người tiêu dùng mua. Những yếu tố này đang khiến trái cây nội đã yếu thế nay lại càng lép vế hơn.

Trái cây nội yếu thế

Tại chợ Thành Công (Ba Đình), các quầy hàng bán hoa quả bày la liệt các loại trái nhập khẩu: Táo Mỹ, nho đen Nam Phi, lê Hàn Quốc... Chị Lê Thị Hoa - chủ một quầy hoa quả ở chợ Thành Công - cho biết, chị bán cả trái cây nhập khẩu và trong nước, nhưng lượng tiêu thụ trái cây nhập luôn nhiều hơn; trái cây Việt Nam chủ yếu bán theo mùa.

Trước đây, trái cây nhập khẩu chủ yếu được người tiêu dùng mua để làm quà, thì nay họ mua về phục vụ nhu cầu của gia đình bởi giá trái cây nhập rẻ hơn trước rất nhiều, đồng thời cũng không đắt hơn nhiều so với trái cây nội...

Khảo sát tại một số cửa hàng trái cây nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các cửa hàng đang bán rất nhiều loại quả ngoại giá rẻ kèm nhiều ưu đãi, như: Lê Nam Phi loại lớn giá 240.000 đồng/2 kg, cam vàng Nam Phi khuyến mãi mua 2 tặng 1 chỉ có 195.000 đồng/3 kg, lê Hàn Quốc cuối vụ giá 115.000 đồng/kg…

Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, trái cây ngoại ngon, giá lại tương đối rẻ, hình thức đẹp, chất lượng cũng yên tâm hơn do tin tưởng vào khâu kiểm định trong quy trình nhập khẩu nên họ thường xuyên mua về dùng.

Còn đối với trái cây trong nước tuy có nhiều loại ngon, nhưng chỉ xuất hiện theo mùa và ít được bán nhiều tại cửa hàng lớn hoặc siêu thị. Trong khi đó, trái cây ngoại đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng về số lượng, chất lượng, sở thích...

Chị Nguyễn Thu Minh - chủ cửa hàng trái cây nhập ngoại trên đường Láng Hạ (Hà Nội) - cho biết, trước đây cửa hàng chị chỉ kinh doanh trái cây nội, nhưng gần hai năm nay, chị chuyển hẳn sang bán trái cây nhập khẩu. Theo chị Minh, trái cây nhập khẩu cùng chủng loại với trái cây Việt Nam nhưng mẫu mã đẹp, lại bắt mắt và ngon nên người tiêu dùng rất ưa chuộng...

Còn tại một số siêu thị như: Big C, Fivimart, Intimex... hàng loạt hoa quả gắn mác ngoại được bày bán với giá không đắt hơn so với trái cây nội nên được rất nhiều người tiêu dùng chọn lựa.

Cần một chiến lược phù hợp

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã chi 852 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng rau quả nhập khẩu nhiều nhất là từ Thái Lan, chiếm 57%; kế đó là Trung Quốc với 16,8%; các loại rau quả được nhập từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc... cũng đều tăng mạnh trong thời gian qua.

Rau củ quả được nhập về Việt Nam chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), bắp cải, xà lách, khoai tây (Trung Quốc)… Nhiều loại trái cây nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc dù có giá cao, nhưng vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là ở các khu vực thành phố. Hiện tại các chủng loại như táo xanh Pháp, Mỹ, lựu Hàn Quốc cũng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều.

Về việc rau quả ngoại liên tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam trong những tháng qua, báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh mặt hàng trái cây mới chỉ tập trung cho xuất khẩu, chưa chú trọng khai thác thị trường trong nước. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này trong nước rất lớn, nhưng đang bị “coi nhẹ”. Chất lượng trái cây Việt có thể xuất khẩu tại các thị trường “kỹ tính” mà không thể “chinh phục” người tiêu dùng trong nước thì đây là vấn đề cần quan tâm.

Các chuyên gia cho rằng, để trái cây nội không bị “lép vế” và từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa như tiềm năng vốn có, trước hết cần có chiến lược quảng bá chuyên nghiệp; đồng thời có kế hoạch sản xuất những loại quả phù hợp thị hiếu tiêu dùng của người Việt.

Bởi hiện có rất nhiều loại trái cây nội có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hoàn toàn có thể cạnh tranh với trái cây nhập ngoại. Hơn nữa, nếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, do không phải chịu chi phí nhập khẩu, giá thành sẽ thấp hơn rất nhiều so với các loại quả ngoại có chất lượng tương đương… Do đó, các doanh nghiệp cần có hình thức giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại… để thu hút được người tiêu dùng trong nước.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ riêng mặt hàng quả nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm đã đạt mức 659 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính bình quân, mỗi tháng, người Việt bỏ ra 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thi-phan-nao-cho-trai-cay-trong-nuoc-3680927-b.html