Thi pháp không gian trong thơ Nguyễn Bình Phương

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Bình Phương (Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) là một trong những gương mặt khá nổi trội của văn học Việt Nam đương đại sau năm 1975. Tôi thường xuyên đọc thơ Nguyễn Bình Phương nhưng luôn có cảm giác nửa như quen nửa như lạ.

Trong thế giới nghệ thuật của mình, nhà thơ thường sử dụng tư liệu, hình ảnh quen thuộc của thơ truyền thống làm nền để sáng tạo những không gian mới mẻ và khác thường. Ông ít khi thay đổi không gian từ khởi đầu bài thơ, mà thường làm biến ảo hình ảnh trong từng mạch thơ, câu thơ. Những hình ảnh này là “chìa khóa” để mở vào những không gian mới, hoàn toàn khác lạ so với chính không gian mà bạn đọc đã nhìn thấy ban đầu. Có thể nói, những hình ảnh được nhà thơ chọn để làm “mũi đột phá”, sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” đã tạo ra những khoảng không mới, nhiều lạ lẫm. Thơ của Nguyễn Bình Phương có thể dung chứa nhiều không gian đan xen hoặc gối lên nhau. Những hiện thực trong không gian đó ẩn hiện, có lúc được tác giả chủ ý làm “méo” những hình ảnh, giống như hình họa bức tranh được vẽ trên thành một chiếc thạp cổ, một mái vòm. Hay giống như bóng một ngọn đồi in trên mặt hồ đang xao động…

Nguyễn Bình Phương vận dụng lối kiến trúc hài hòa và tinh tế của phương Đông, kết hợp với cách tạo hình trong không gian ba chiều của chạm lộng-một nghệ thuật chạm khắc dân gian của người Việt. Tôi hình dung bề mặt không gian thơ Nguyễn Bình Phương ít gai góc sắc nhọn và thường được làm cho phân tán, lu mờ đi. Chúng giống như một vòm cây có gió, một mái đình trong sương sớm, hay một đám mây hơn là dãy núi trùng điệp, những đỉnh tháp… Những thi ảnh khi được nhà thơ “điều khiển”, biến hóa đã làm bề mặt không gian thơ thay đổi. Tôi cảm nhận những hình ảnh ấy thường bị uốn cong thay vì bị bẻ gập, đứt đoạn như thơ của một số tác giả khác. Tôi gọi đây là không gian thơ độc đáo được tạo nên bởi thi pháp Nguyễn Bình Phương.

Qua các tập thơ đã được công bố, chúng ta có thể hệ thống được cách tạo dựng và bài trí không gian thơ của Nguyễn Bình Phương. Vị trí của những hình ảnh, tư liệu trong đó được ông sử dụng thường ít dịch chuyển, hoán đổi, hoặc đảo lộn như thơ của một số tác giả cách tân cùng thế hệ. Nhìn từ góc độ chủ thể sáng tạo cũng như người tiếp cận văn bản, theo tôi, biến động của một bài thơ là diễn trình tư tưởng kết hợp với sự lan tỏa của cảm xúc. Kết thúc diễn trình ấy, trật tự hình ảnh trong thơ Nguyễn Bình Phương thường ít thay đổi. Xin dẫn các câu thơ sau đây: Kia bông hoa nức nở trong yên tĩnh/ Trăng hoang vu lượn sóng triền đồi/ Kia chiếc lá chót cành/ Hơi thở cuối/ Run lên trời không mây (Biền biệt). Trong trường hợp này, “bông hoa”, “trăng”, “triền đồi”, “chiếc lá”, “hơi thở”, “mây” đã làm xong bổn phận trong thế giới thơ Nguyễn Bình Phương. Chúng ít khi tái hiện trong những khổ thơ tiếp theo bằng những dáng vẻ, thân phận khác. Mặc dù những hình ảnh ấy vẫn ở vị trí cũ như lúc mới xuất hiện, nhưng “ánh sáng” của chúng đã mở ra những không gian khác, với những hướng chuyển động khác.

Trong thơ của Nguyễn Bình Phương, thoạt đầu, những hình ảnh xuất hiện thường gợi cảm giác hết sức quen thuộc, gần gũi. Đôi lúc, dường như nhà thơ còn có ý trêu đùa bạn đọc. Có thể hình dung như ta đang bước vào một ngôi nhà quen thuộc với cách sắp đặt nhàm chán của chủ nhà. Đó cũng là cách Nguyễn Bình Phương dắt người đọc vào thơ mình trong nhiều câu thơ mở đầu. Những câu mở đầu này thường tối giản và dung dị. Như giọng “mời khách” nhỏ nhẹ, khiêm nhường: Mưa đằng đông (Mùa), Tháng Tám phơi áo bờ rào (Bài hát vu vơ), Tôi nhón gót về (Làng Phan), v.v..

Tôi xin dẫn một số câu thơ tiêu biểu, cho thấy phần nào thủ pháp tạo lập không gian độc đáo của Nguyễn Bình Phương. Đây là cách ông lấy một hình ảnh trong câu thơ vừa xuất hiện để mở cánh cửa vào một bầu trời khác: Một người be bé mơ thấy sóng/ Sóng trở mình xóa trắng mộng bể Đông (Ẩn dụ). Có lúc, nhà thơ biến những khát vọng, những câu trả lời thành hình ảnh cụ thể, gợi cảm: Có một đêm vô hình cao chất ngất/ Sáng nào tới được (Xa thân). Hoặc, nhà thơ dùng một hình ảnh khác để làm xuất hiện thần thái những hình ảnh vừa được dựng lên trong câu thơ vừa viết: Ngoài chuồng trâu vọng tiếng cọ sừng/ Một người nựng con/ Phát con/ Rồi ru/ Một người xách đèn đi vào sương mù (Ngày đông). Những câu thơ tôi đánh dấu chính là “cái huyệt” trong những bài thơ của Nguyễn Bình Phương. Chúng xuất hiện, làm đảo lộn khoảng không, vây lấy những hình ảnh tưởng như bất động trước đó. Những hình ảnh ấy như được ai vẽ lên một mặt giấy, một bức tường… Rồi bất chợt trở nên sống động trong một thế giới khác. Phía sau những hình ảnh kia chính là một cánh cửa, một khoảng không khác thường hay một đường hầm nối vào sâu hút. Những câu thơ làm “huyệt”, làm “mắt bão” ấy của Nguyễn Bình Phương tựa chiếc cầu bập bênh bỗng nhiên thả bổng hoặc bật tung người bạn chơi ở đầu bên kia lên.

Thơ Nguyễn Bình Phương kết hợp tổng hòa các khuynh hướng hiện đại (tượng trưng, siêu thực, biểu hiện, trừu tượng…). Đồng thời, ông tiếp biến lối viết “dòng ý thức” kết hợp với “hiện thực huyền ảo” của tiểu thuyết để làm nên một thế giới thơ xô lệch độc đáo, đa điểm nhìn. Đồng thời, hiện thực thơ Nguyễn Bình Phương thường được hiển lộ và chuyển động trong không gian huyền ảo, mộng mị, tâm linh… Đó là thế giới của linh hồn, của quá khứ, của tâm tưởng, có khả năng hiển lộ cùng đời sống dương gian.

Khá nhiều bài thơ của Nguyễn Bình Phương xuất hiện những nhân vật, có tích truyện. Có thể gọi những bài thơ này là truyện cực ngắn được viết bằng ngôn ngữ thơ ca. Những nhân vật trong bài thơ thường được ẩn hiện trong một thế giới huyễn ảo, siêu thực, dìu bạn đọc vào những cảm giác mê sảng, đặc biệt ấn tượng. Bài thơ “Cắt tóc” có “cốt truyện” khá độc đáo, thú vị. Nhân vật “tôi” ngồi cắt tóc “kín đáo nhếch môi cười” để mặc cho khuôn mặt cùng những sự thật sau bức tường kia già đi theo thời gian. Bài thơ-truyện cực ngắn này có cái kết mở gây bất ngờ: Một người cực lạ/ Rũ khăn choàng váng vất bước ra.

Tạo ra hiện thực không gian “uốn vặn” đặc thù là một thủ pháp nghệ thuật, cũng là một đặc trưng thi pháp nổi bật trong suốt hành trình sáng tạo của Nguyễn Bình Phương. Tôi có cảm nhận không gian ấy được ông tạo dựng, giáp nối bằng những mặt cong có sắc thái khác nhau. Ở tập thơ “Lam chướng”, những mặt phẳng không gian được kiến tạo (uốn/ bẻ/ gò/ hàn/ đan/ ghép/ xô lệch…) có phần đơn giản hơn những bài thơ viết sau này. Hiện thực không gian trong giai đoạn đầu này được Nguyễn Bình Phương dựng lên bảng lảng, sương khói, mơ màng như bức tranh lụa. Những sự kiện đồng hiện thường dung dị, ít chồng lấn và sáng rõ hơn những bài thơ trong tập thơ “Buổi câu hờ hững” và cả sau này. Tuy vậy, không gian thơ trong “Lam chướng” vẫn là những hiện thực không gian "cong" như tôi đã viện dẫn. Hình ảnh trong “Lam chướng” có thể ví như những hình họa trên bề mặt những chiếc bình gốm với những đường men rạn tự nhiên, đầy hấp dẫn. Nhưng ở những tập thơ tiếp sau này, không gian thơ Nguyễn Bình Phương thường được đan xen, mấp mô, chồng lấn nhiều hơn.

Song hành với văn xuôi, thơ Nguyễn Bình Phương đã mang đến cho đời sống văn học chúng ta một không gian mới, sinh khí mới, đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới, làm phong phú và đa dạng nền văn học Việt Nam đương đại.

Nhà thơ MAI VĂN PHẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thi-phap-khong-gian-trong-tho-nguyen-binh-phuong-517138