'Thí sinh có năng lực thật sự chắc chắn sẽ tìm được con đường phù hợp'

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đưa ra những đánh giá về công tác tuyển sinh đại học năm 2017.

Thí sinh Kỳ thi THPT quốc gia 2017 (Ảnh minh họa: DUY LINH)

Thí sinh Kỳ thi THPT quốc gia 2017 (Ảnh minh họa: DUY LINH)

NDĐT - Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đưa ra những đánh giá về công tác tuyển sinh đại học năm 2017.

PV: Thưa bà, tính đến thời điểm này các trường đã công bố điểm chuẩn xét tuyển, cơ bản hoàn thành công tác tuyển sinh đợt đầu, Bộ GD-ĐT có đánh giá thế nào về công tác tuyển sinh đại học năm nay?

Nguyễn Thị Kim Phụng: Có thể đưa ra đánh giá về công tác tuyển sinh trên một số điểm chính như sau: Về phía thí sinh, việc các em được ĐKXT không giới hạn nguyện vọng; Sau khi có điểm thi được điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp với các điều kiện tuyển sinh, nâng cao khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề theo nguyện vọng, sở trường… được thí sinh, các trường và xã hội ủng hộ.

Quá trình tuyển sinh bảo đảm quyền tự chủ của các trường theo đúng quy định của pháp luật. Các trường đã minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh, cung cấp thông tin cần thiết cho thí sinh và minh bạch kết quả tuyển sinh.

Kỳ thi tuyển sinh 2017 đã áp dụng công nghệ thông tin triệt để hơn trong tất cả các khâu ĐKDT, ĐKXT, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển… bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch.

Giữa Ban Chỉ đạo Tuyển sinh quốc gia và các trường, nhóm trường đã có sự phối hợp tốt trong suốt quá trình thực hiện xét tuyển, bảo đảm quy trình kỹ thuật ổn định.

Hai nhóm xét tuyển chung trên cả nước (56 trường phía bắc và 86 trường phía nam) đã thu hút hầu hết các trường lớn tham gia; phối hợp thành công để sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh.

Kết quả tuyển sinh đợt đầu bảo đảm các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả: Điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào bảo đảm và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường khá rõ ràng.

Về cơ bản, công tác tuyển sinh đã được giải quyết ở đợt một. Kết quả đã có 170 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu; nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh). Đó là con số phản ánh công tác tuyển sinh 2017 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung.

Phương thức tuyển sinh năm 2017 đã thể hiện tính khoa học, hợp lý, bảo đảm khách quan, công bằng đối với tất cả thí sinh và các trường; thực hiện được mục tiêu đổi mới công tác thi tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29; được xã hội, thí sinh và các trường đánh giá tốt. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục duy trì, hoàn thiện quy chế, quy trình… áp dụng cho những năm tiếp theo.

PV: Việc thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia đã tác động đến kết quả xét tuyển của các trường như thế nào, thưa bà?

Nguyễn Thị Kim Phụng: Tổng số có 300.012 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (chiếm hơn 46,8% số thí sinh ĐKXT ban đầu). Việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh được thực hiện trước khi các trường xét tuyển và số nguyện vọng được phần mềm thống kê trong cơ sở dữ liệu tuyển sinh nên các trường rất thuận lợi trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu này.

Có thể nói việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh không chỉ làm cho thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao hơn mà đồng thời còn làm cho nguồn tuyển dồi dào hơn, các trường có điều kiện nâng cao chất lượng đầu vào khi thí sinh hướng đến những tổ hợp mà họ có sở trường nhất.

PV: Bà có thể cho biết ý kiến về việc một số trường cho rằng, Bộ GD&ĐT yêu cầu làm tròn điểm trong xét tuyển gây khó khăn trong công tác xét tuyển, đặc biệt là trường "top" đầu do có quá nhiều thí sinh cùng một điểm số, trong khi khoảng cách chỉ là 0.25 điểm?

Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc làm tròn điểm đến 0,25 đã được quy định và áp dụng trong nhiều năm nay, không có ý kiến gì khác từ thí sinh hoặc các trường.

Việc có nhiều thí sinh cùng một điểm số đã được bổ sung bằng các tiêu chí phụ khi xét tuyển. Điều này dựa trên cơ sở: Coi điểm thi là điều kiện chính, chủ yếu để xét tuyển nhưng với mức điểm thi gần như tương đương nhau thì có thể căn cứ vào nhiều yếu tố khác (điểm quá trình học, lĩnh vực năng lực sở trường, nguyện vọng; tư duy lập luận, phản biện; khả năng phản ứng…) để bảo đảm công bằng trong đánh giá năng lực theo yêu cầu của ngành đào tạo; không chỉ độc tôn điểm của một kỳ thi, làm cho khoảng cách đỗ/trượt chỉ cách nhau một câu trắc nghiệm.

Trên cơ sở đó, Quy chế tuyển sinh quy định trong những trường hợp bằng điểm ở cuối danh sách, trường có quyền căn cứ vào kinh nghiệm tuyển sinh và yêu cầu của ngành đào tạo để lựa chọn cho phù hợp. Thí dụ: điểm môn chính; điểm Toán, Lý... cao hơn trong một số ngành tự nhiên, kỹ thuật; điểm Ngoại ngữ cao hơn ở những ngành yêu cầu tính hội nhập cao...Nguyện vọng cao hơn để duy trì sở trường, hứng thú và gắn bó nghề nghiệp là cần thiết, đặc biệt là trong các ngành không “hot” như ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp… hoặc người có điểm cao hơn khi chưa làm tròn để trung thành với kết quả thi.

PV: Năm nay, thí sinh được đăng ký tối đa nguyện vọng, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khuyến khích các em không đăng ký nhiều. Thực tế có một số em mức điểm khá cao nhưng đăng ký ít nguyện vọng đã không trúng tuyển do điểm chuẩn năm nay của một số trường cao hơn năm trước. Bộ GD&ĐT có ý kiến gì về việc này?

Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong quy định, Quy chế cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng và có quyền điều chỉnh sau khi có điểm thi.

Khi tư vấn, Bộ hướng dẫn thí sinh “cân nhắc xem xét kỹ từng nguyện vọng trước khi đăng ký, phải bảo đảm các nguyện vọng đăng ký phù hợp với năng lực của mình nhưng cũng là những ngành mình yêu thích để bảo đảm được làm công việc yêu thích hoặc phù hợp với năng lực, khi đã trúng tuyển không phải cân nhắc việc có nên nhập học hay không… Về cơ bản thí sinh phải chọn cả ba trường/nhóm trường: Nhóm trường cao hơn năng lực trung bình của thí sinh một chút; nhóm trường hoàn toàn phù hợp với năng lực của thí sinh và nhóm thấp hơn so với năng lực để phòng những rủi ro khi thi cử”.

Ngay sau khi có kết quả, Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm để các thí sinh biết được tương quan điểm của mình với những người cùng thi, có đầy đủ thông tin cần thiết để thực hiện đăng ký xét tuyển.

Rất tiếc là còn một số em chưa tận dụng được cơ hội tốt của các điều kiện trên. Chắc các em cũng rút được những kinh nghiệm nhất định và những em có năng lực thật sự chắc chắn sẽ tìm được những con đường phù hợp với chính mình.

Xin cảm ơn bà!

MẠNH XUÂN - THANH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/33684302-thi-sinh-co-nang-luc-that-su-chac-chan-se-tim-duoc-con-duong-phu-hop.html