Thi thả diều sáo giữa hai lưỡi mác

Khi hồi trống lệnh nổi, người chơi kéo căng dây và dùng hết sức đẩy diều lên. Cánh diều nào chao đảo mạnh, dây sẽ chạm phải hai lưỡi mác và bị loại khỏi cuộc chơi.

Diều sáo bay trên bầu trời Thái Bình Chiều 21/4, lễ hội Sáo Đền tổ chức tại xã Song An (Vũ Thư, Thái Bình) thu hút đông đảo người yêu sáo diều.

Chiều 21/4, lễ hội Sáo Đền tổ chức tại xã Song An (Vũ Thư, Thái Bình) thu hút đông đảo người yêu sáo diều. Đền Sáo là nơi thờ phụng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (vợ vua Lê Thái Tông và là mẹ của Vua Thánh Tông).

Hàng năm, đến ngày giỗ bà, con cháu họ Đinh lại cho thả sáo diều để tưởng nhớ công lao của Quốc công Đinh Lễ. Năm 1424, ngài đóng chốt giữ đồn trại trên núi Tùng Lĩnh và cho quân sĩ vừa khai khẩn đất hoang tự cung cấp lương thực vừa đánh giặc. Khi ấy Quốc công cho thả diều sáo để quân sĩ vui tai, quên hết gian lao mệt nhọc, vừa đánh giặc, vừa tham gia sản xuất nông nghiệp. Trước khi phần thi thả diều sáo là màn rước kiệu quanh làng đến sân.

Những chiếc diều cũng góp mặt trong đoàn rước. Thành phần tham gia dự thi gồm các câu lạc bộ sáo diều đến từ các tỉnh thành Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cần Thơ...

Mỗi chiếc sáo diều gồm hai bộ phận: diều và sáo. Diều có các loại cánh doi, cánh bầu, cánh cốc hay còn gọi là cánh tiên, hình dáng cầu kỳ, đa dạng. Tuy nhiên, số lượng nhiều hơn cả là diều cánh doi, vừa dân dã mà lại có thể cõng được các bộ sáo lớn.

Diều được làm từ loại tre hóp đực, già cây, nằm ở giữa bụi, thẳng gióng, dày cật. Trước khi lên khung, diều tre phải được xử lý qua nước vôi hoặc nước muối một thời gian để chống mối mọt, tre sẽ dẻo và dai hơn nhiều. Giấy phất diều phải là loại giấy nhẹ, dai mà không thấm nước. Ngày trước, các cụ thường dùng giấy dó, hay còn gọi là giấy bản. Ngày nay để tiện lợi, người chơi thường dùng nylon phất diều.

Diều đủ điều kiện tham dự cuộc thi phải có chiều dài 2,5 m, là loại truyền thống, không có đuôi, không trang trí các hình ảnh phản cảm, sử dụng dây dù, dây cước, dây gai. Kích cỡ dây phải tương ứng với diều, không được dài quá 50 m. Mỗi diều gồm một chủ và một người buông.

Sáo có thể làm từ tre, gỗ, có loại làm bằng kim loại. Sáo thường được làm theo bộ, từ bộ 5 đến bộ 2, với các bậc âm thanh: kồng, còi, go, ghí, gộ.

Mỗi loại có tên gọi khác nhau như sáo bi (là sáo đơn có 1 ống); sáo kép (là sáo chị em); sáo 3 ống (là sáo con khóc mẹ ru).

Khi đoàn rước kiệu đến sân thi là lúc cuộc thi diều sáo bắt đầu. Câu lạc bộ diều sáo đến từ Chương Mỹ (Hà Nội) kiểm tra lại trước khi nhập cuộc.

Thủ nhang Sáo Đền, Vũ Văn Chính, thả diều khai mạc cuộc thi.

Ban tổ chức cắm hai cây sào, trên đầu có buộc hai lưỡi liềm rất bén, khoảng cách của hai cây sào là 50 cm.

Khi hồi trống lệnh nổi, người chơi kéo căng dây và dùng hết sức đẩy diều lên. Cánh diều nào không chuẩn, đảo qua đảo lại, dây chạm phải hai lưỡi mác trên hai ngọn sào đứt sẽ bị loại khỏi cuộc thi.

Trong gần 100 diều tham dự, chỉ có 3 chiếc vượt qua được câu liêm. Đội thắng cuộc thuộc về CLB diều sáo đến từ Chương Mỹ (Hà Nội). Bên cạnh đó còn có các giải phụ như giải diều to nhất, giải diều trang trí đẹp nhất...

Những chiếc diều cánh doi, màu vàng nâu tượng trưng cho hạt thóc mẩy no tròn, in trên nền trời xanh, mong một vụ mùa bội thu. Tiếng sáo trên lưng diều là bài ca của đất, của đồng ruộng, của cỏ cây nhờ gió cất lên, giao hòa giữa đất và trời, vạn vật.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thi-tha-dieu-sao-giua-hai-luoi-mac-post739815.html