THI THPT QUỐC GIA: 75% thí sinh muốn xét tuyển đại học

Hơn 859.800 thí sinh trên cả nước đã đăng ký thi THPT quốc gia 2017, trong đó tỉ lệ đăng ký xét tuyển ĐH chiếm gần 75%

Ngày 20-4, thí sinh (TS) trên cả nước đã hoàn tất việc đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ.

Đổ xô chọn khoa học xã hội

Thống kê dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy năm nay, số TS đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội (KHXH) tăng cao với 417.334 em, chiếm gần 50% tổng số TS đăng ký dự thi. Trong khi đó, số TS chọn bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) là 321.451, đạt tỉ lệ gần 37,4% .

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, tính đến ngày cuối cùng nhận hồ sơ, đã có gần 11.000 TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, gần 6.000 TS đăng ký tổ hợp môn KHTN, gần 5.000 TS đăng ký tổ hợp môn KHXH và hơn 1.000 em đăng ký cả 2 tổ hợp môn. Phần lớn TS đăng ký từ 2-3 nguyện vọng (NV) xét tuyển. Đặc biệt năm nay, số lượng TS chọn bài thi liên quan tới môn lịch sử không còn thưa thớt như năm ngoái.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết năm 2016, chỉ có hơn 700 TS đăng ký dự thi môn lịch sử thì năm nay, con số này tăng lên là tất yếu. Bởi theo quy chế, những em đăng ký tổ hợp môn KHXH phải thi hết cả 3 môn (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) mới đủ điều kiện để xét công nhận tốt nghiệp.

Học sinh nộp hồ sơ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 1, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Tại TP HCM, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, thống kê trong số gần 400 học sinh (HS) khối 12 của trường thì có 250 em đăng ký bài thi tổ hợp môn KHTN; số còn lại thi tổ hợp môn KHXH. Đa phần các em chỉ đăng ký từ 2-5 NV, có chừng 10 HS đăng ký trên 10 NV. Phần lớn HS đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHQG TP HCM như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Quốc tế...

Trong khi đó, theo ông Đinh Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực, HS ở trường có học lực không tốt nên chủ yếu chọn bài thi KHXH, tỉ lệ này chiếm trên 50% tổng số HS của trường.

Nhận định về xu hướng chọn bài thi tổ hợp KHXH của TS năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng các năm trước, chủ yếu TS chỉ chọn môn ưu thế trùng với môn đã chuẩn bị để đăng ký xét tuyển ĐH. Do tổ hợp truyền thống toán - lý - hóa (khối A cũ) được nhiều ngành sử dụng để xét tuyển hơn tổ hợp văn - sử - địa (khối C cũ) nên số TS đăng ký dự thi các môn KHTN vượt trội so với các môn KHXH. Tuy nhiên, quy chế năm nay cho phép TS được lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp hoặc lựa chọn cả 2 bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp. Do đó, TS cũng cân nhắc chọn bài thi phù hợp để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, không bắt buộc HS phải học thuộc lòng cũng giúp các em ôn tập các môn xã hội hiệu quả hơn. Năm nay, các trường đề ra nhiều tổ hợp xét tuyển mới, trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội cũng tạo điều kiện cho TS có nhiều cơ hội lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển hơn.

Ông Bùi Văn Ga cũng nhận định đây là tín hiệu tích cực. Việc đổi mới thi đã góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình.

Hỗ trợ các trường ĐH lọc “ảo”

Với 643.151 TS đăng ký xét tuyển ĐH, năm nay, tỉ lệ TS thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%.

Nhận định về con số này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng dù năm nay không giới hạn số lượng NV đăng ký xét tuyển nhưng TS cũng không đăng ký quá nhiều NV. Phần đông TS chỉ chọn lựa 4-5 NV xét tuyển; thậm chí có đến 13% TS chỉ đăng ký 1 NV xét tuyển, 30% TS chỉ đăng ký 2 NV.

Theo quy chế tuyển sinh, TS được phép đăng ký không giới hạn NV xét tuyển, điều này dự kiến sẽ khiến các trường phải xử lý một lượng TS “ảo” rất lớn. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT đã lường trước được việc này nên đã có giải pháp hỗ trợ các trường lọc “ảo”. Cụ thể, bộ sẽ cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của TS để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất. Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên cổng tuyển sinh của bộ. Phần mềm thống kê NV sẽ loại bỏ những NV thấp của TS đã trúng tuyển nhiều NV để bảo đảm mỗi TS chỉ trúng tuyển một NV cao nhất (nếu có) trong tất cả danh sách mà các trường gửi lên.

Nên phối hợp xét tuyển

Nhằm xử lý hiệu quả vấn đề TS “ảo”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển. Khi đó, nhóm có thể loại bỏ trước những TS trúng tuyển NV thấp trong nhóm để khi đưa lên cổng tuyển sinh thì chỉ còn lọc những TS trúng tuyển ngoài nhóm. Khi tham gia nhóm, các trường có thể ngồi lại với nhau để xác định điểm chuẩn phù hợp. Khi không có nhóm, các trường phải tự phán đoán nên việc xác định điểm chuẩn sẽ khó khăn hơn.

Yến Anh - Huy Lân - Bích Vân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/75-thi-sinh-muon-xet-tuyen-dai-hoc-20170420220952988.htm