Thị trường bán lẻ cần sự liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp

Muốn thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển bền vững, cần tăng cường liên kết các nhà bán lẻ hình thành liên minh phân phối với nhiều phương thức linh hoạt như hợp tác, liên doanh, nhượng quyền…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhận diện thị trường bán lẻ trong nước

Theo nhận định từ các chuyên gia, tại Việt Nam, bán lẻ là thị trường sôi động nhất hiện nay với tốc độ tăng trưởng khoảng 13%/năm. Cả nước có khoảng 600.000 điểm bán lẻ, trong đó, kênh bán hàng hiện đại chỉ khoảng 1.200 điểm nhưng chiếm tới 25% thị phần và được dự báo tăng lên 45% vào năm 2020.

Trong 25% thị phần thuộc kênh bán hàng hiện đại, Saigon Co.op đang là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với tổng doanh thu khoảng 26.000 tỷ đồng/năm; các vị trí kế tiếp lần lượt là Metro và Big C đều khoảng 13.000 tỷ đồng/năm, Vingroup khoảng hơn 8.000 tỷ đồng/năm.

Theo ước tính, tổng doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp (DN) FDI chiếm khoảng 53% còn các DN nội địa là 47%.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức do năng lực tài chính giới hạn, hoạt động chưa chuyên nghiệp, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ có tính toàn cầu; cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống công nghệ thông tin và logistic yếu và thiếu. Hơn nữa các nhà bán lẻ Việt Nam thường không đủ điều kiện và khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn, đặc biệt tính liên kết không cao.

Thời gian qua, các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm các nhà bán lẻ Việt Nam. Chỉ còn 2 nhà bán lẻ lớn của Việt Nam là Saigon Co.op và Vingroup. Những Vingroup liệu có tiếp tục duy trì hoạt động bán lẻ như là ngành kinh doanh cốt lõi hay có thể chuyển nhượng trong tương lai vẫn còn là câu hỏi lớn.

DN sản xuất trong nước bị ép chiết khấu

Theo phản ánh từ các DN sản xuất trong nước, hiện nay, hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Saigon Food cho rằng, quyền lực tập trung trong tay các hệ thống siêu thị, nhất là các siêu thị nước ngoài. Điều này được thể hiện ở việc họ sẵn sàng đòi nâng mức chiết khấu đối với DN cung cấp qua từng năm, kể cả với những DN là bạn hàng lâu năm.

Theo bà Lâm, chiết khấu với DN của các hệ thống siêu thị trong nước tối đa là 10%, trong khi các siêu thị nước ngoài là từ 10-30%, khiến nhiều DN hòa vốn, thậm chí lỗ nhưng vẫn xin vào. Nếu DN rút hàng ra khỏi các quầy kệ tại siêu thị sẽ có nhiều DN khác sẵn sàng chen chân vào, mặc cho mức chiết khấu cao. Điều này dẫn đến hình thành cơ chế “xin-cho”.

Theo các chuyên gia, có hiện tượng xếp hàng xin đưa hàng vào siêu thị là do thực tế hiện nay, DN sản xuất-cung ứng hàng hóa thì nhiều trong khi hệ thống siêu thị còn quá ít, đồng thời hầu hết DN đều muốn tiếp thị hàng hóa của mình thông qua kênh bán lẻ hiện đại này. Nhiều DN trước kia chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, giờ đây họ mới chú tâm tới thị trường trong nước và sẵn sàng chấp nhận mức chiết khấu cao để đưa hàng vào siêu thị và coi đây là khoản chi phí tiếp thị.

Bên cạnh đó, tiềm lực của hệ thống siêu thị ngoại quá lớn, trong khi DN Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ, vì vậy trong đàm phán giá cả dễ bị các hệ thống siêu thị ngoại ép chiết khấu.

Giải pháp để tồn tại và phát triển

Bà Lâm cho rằng để thị trường bán lẻ trong nước phát triển bền vững, các DN Việt Nam cần phải liên kết lại hoặc thông qua các hiệp hội để có thể tạo được ảnh hưởng mạnh hơn trong quá trình đàm phán. Có thể lấy bài học từ câu lạc bộ DN cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa làm ví dụ. Đó là các DN đã liên kết lại và phản đối việc tăng giá chiết khấu của các siêu thị nước ngoài. Việc này đến nay, đã thu được kết quả bước đầu khi các hệ thống bán lẻ nước ngoài cam kết không tăng chiết khấu trong năm nay và sẽ giảm chiết khấu đối với một số mặt hàng của các DN.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica cho rằng các DN trong nước cũng nên liên kết lại với nhau, trong đó có vai trò dẫn dắt của những DN lớn để cùng nhau khai thác kênh phân phối bán hàng tại các điểm bán trong nước.

Theo ông Chiến, DN trong các lĩnh vực không cạnh tranh cùng ngồi lại với nhau, để xây dựng hệ thống phân phối tới tận tuyến huyện, xã. Chẳng hạn, bánh kẹo có thể kết hợp với dầu ăn, mì ăn liền… cùng bán hàng tại một điểm. Với cách làm này, chi phí xây dựng mạng lưới bán hàng chỉ khoảng 15%.

Đẩy mạnh hỗ trợ các DN nội địa

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam với mục đích nhanh chóng hình thành những nhà bán lẻ mạnh có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ phát triển thị trường cho DN Việt; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử, gây sức ép, lợi dụng ưu thế thị phần lớn.

Về phía DN, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết đơn vị luôn ưu tiên tiêu thụ hàng Việt Nam có chất lượng và có mức chiết khấu hợp lý.

Thông qua các chương trình kết nối với nhiều cơ sở sản xuất trong nước nhằm đảm bảo nguồn hàng ổn định, có chất lượng, Saigon Co.op cũng sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ các DN trong nước về tài chính, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất.

Là một trong hai nhà bán lẻ nội địa hàng đầu Việt Nam, thời gian gần đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã đẩy mạnh liên kết và hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho các DN nội địa thông qua chương trình đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa.

Mới đây, Tập đoàn này đã ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 DN Việt Nam thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi từ 18 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.

Theo đó, Tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên gồm Vincommerce, Vincom Retail, VinEco, VinDS - sẽ triển khai các gói giải pháp tổng thể, bao gồm: Ưu đãi về phân phối, tăng cường hiện diện thương hiệu của doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng hóa, dịch vụ của Vingroup; tư vấn về công nghệ, quản trị, kiểm soát chất lượng, marketing, tiêu thụ hàng hóa và cùng góp vốn trong sản xuất.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/thi-truong-ban-le-can-su-lien-ket-chat-che-cua-doanh-nghiep/255688.vgp