Thị trường bất động sản TPHCM: Rối vì thuế

Nhiều công ty môi giới, nhà đầu tư bất động sản tại TP HCM như đang ngồi trên lửa vì “ôm” hàng, rồi không đẩy đi được.

Nguyên nhân là do cuối năm 2009, Cục Thuế TP HCM không cho hủy hợp đồng, hóa đơn với người mua cũ để lập lại hợp đồng, hóa đơn với người mua mới. Bán không được, giữ không xong Một lãnh đạo sàn giao dịch bất động sản EVN Land cho biết, năm 2007, công ty mua 90 căn hộ tại dự án Phú Hoàng Anh, ở huyện Nhà Bè, TP HCM của Công ty CP xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh. Hiện, EVN Land đã đóng tiền cho chủ đầu tư khoảng 50% giá trị căn hộ. Vào cuối năm 2009, trong một văn bản trả lời việc kê khai nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Cục Thuế TP HCM đã yêu cầu “Công ty Hoàng Anh không được hủy hợp đồng, hóa đơn với người mua cũ để lập lại hợp đồng, hóa đơn cho người mua mới”. “Quy định này khiến chúng tôi không bán nổi số căn hộ đã mua khi hiện tồn 70 căn”, ông này cho biết. Theo đại diện của sàn EVN Land, trước đây những nhà đầu tư thứ cấp có nhu cầu chuyển nhượng, họ chỉ cần đến chủ đầu tư hủy hợp đồng, hóa đơn để ký lại hợp đồng mới với khách hàng hoặc làm phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, với quy định hiện nay, nhà đầu tư thứ cấp chỉ còn biết “ôm” hàng chờ đến khi ra sổ hồng mới có thể chuyển nhượng. “Hiện nay, nếu sàn muốn bán được hàng thì phải thuyết khục khách ký với mình hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, đa số khách hàng từ chối vì mình đâu phải chủ đầu tư”, ông này bức xúc. Không chỉ EVN Land, hiện rất nhiều công ty môi giới bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp rơi vào tình cảnh tương tự. Anh Nguyễn Đăng Khánh, một nhà đầu tư tại quận 3, TP HCM mua hai căn hộ của một dự án ở quận 7 vào giữa năm 2009, với mục đích để bán kiếm lời nhưng nay vẫn đang phải “án binh bất động”, trong khi mỗi tháng phải trả lãi vay ngân hàng. Rủi ro cho cả người mua lẫn người bán Theo bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP HCM, quy định trên nhằm tránh trường hợp trốn thuế của công ty môi giới, những người thu lợi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Ngoài ra, theo bà Nga, trường hợp chủ đầu tư dự án đã ký hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng căn hộ cho các tổ chức kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, nay các tổ chức này ký hợp đồng chuyển nhượng căn hộ lại cho khách hàng thì phải trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng căn hộ với bên nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia bất động sản, việc Cục Thuế thành phố cấm cửa không cho hủy hợp đồng, hóa đơn với người mua cũ để lập lại hợp đồng, hóa đơn với người mua mới đã khiến thị trường giao dịch thứ cấp tại TP HCM rối như canh hẹ. Do không phải chủ đầu tư nên những công ty môi giới đã lỡ mua căn hộ về bán đã gần như không bán được hàng (vì người dân đến mua trực tiếp từ chủ đầu tư để tránh phát sinh rắc rối), nên thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, người dân nào mua phải những căn hộ dạng này (phải ký hợp đồng góp vốn với công ty môi giới mà không phải với trực tiếp với chủ đầu tư) sẽ phải gánh nhiều rủi ro. Theo phân tích của vị này, nếu đặt giả thiết công ty môi giới chẳng may phá sản hoặc bỏ trốn thì những người mua căn hộ thông qua đơn vị này cũng xem như trắng tay, vì trên danh nghĩa chủ đầu tư dự án chỉ ký hợp đồng bán căn hộ cho công ty môi giới, sau đó công ty môi giới mới bán lại cho người dân bằng hợp đồng góp vốn. Rủi ro này sẽ dắt dây theo những người mua sau đó vì họ muốn bán phải ký hợp đồng trực tiếp với nhau mà không phải với chủ đầu tư như trước đây. Theo vị này, giải pháp tốt nhất giúp gỡ rối cho thị trường là Cục Thuế nên cho thực hiện quy trình giống như thời gian trước đây, nghĩa là cho phép chủ đầu tư hủy hợp đồng, hóa đơn cũ đối với công ty môi giới, những người đầu tư thứ cấp để ký lại hợp đồng mới hoặc làm phụ lục hợp đồng cho những giao dịch phát sinh. Đình Sơn

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Thi-truong-bat-dong-san-TPHCM-Roi-vi-thue/20103/85750.datviet