Thị trường chứng khoán: VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểm, thanh khoản quay lại mức thấp

Thị trường chứng khoán trong nước tuần (22 – 26/4) biến động khá mạnh đầu tuần nhưng hồi phục giữa tuần, rồi giằng co cuối tuần. Áp lực bán giảm hẳn so với tuần trước khiến chỉ số VN-Index nhìn chung có tuần hồi phục và đóng cửa trên mốc 1.200 điểm. Thanh khoản giảm mạnh trở lại sau tuần tăng rất mạnh kế trước. Tâm lý nhà đầu tư thận trong hơn khi xu hướng thị trường ngắn hạn vẫn khó lường và kỳ nghỉ lễ tới gần.

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch đỡ tiêu cực hơn. Thị trường hồi nhẹ trở lại sau tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022. Mặc dù biến động mạnh vào những phiên đầu tuần, nhưng sau đó chỉ số VN-Index đã hồi phục nhẹ trở lại rồi đi ngang trong hai phiên cuối tuần. Điểm tích cực nhất của thị trường tuần qua là VN-Index lấy lại mốc tâm lý quan trọng 1.200 điểm và giữ được đến hết tuần.

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán giảm mạnh so với tuần tăng rất mạnh trước đó. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần chỉ còn 18.432 tỷ đồng/phiên, giảm -38,7% so với thanh khoản tuần trước.

Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.209,52 điểm, tăng 34,67 điểm, tương ứng mức tăng +2,5% so với tuần trước. Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng điểm, trong đó, chỉ số HNX-Index kết thúc tuần ở mức 226,82 điểm, tăng 2,73% so với tuần trước; chỉ số UPCoM-Index cũng tăng lên mức 88,76 điểm.

Thị trường chứng khoán trong tuần cũng ghi nhận sự hồi phục của cổ phiếu các nhóm ngành, điển hình như cổ phiếu công nghệ - viễn thông, ngân hàng, cảng biến, chứng khoán…

Cụ thể, nhóm cổ phiếu công nghệ là tâm điểm về diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán tuần qua. Thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2024 tăng khá ấn tượng, cùng với việc FPT hợp tác chiến lược với NVIDIA đã hỗ trợ nhiều cổ phiếu trong ngành này tăng mạnh và thanh khoản bật lên mạnh. Trong khi FPT chỉ tăng 13,03% thì nhiều cổ phiếu trong ngành tăng rất mạnh, điển hình như: VGI (+29,50%), VTK (+19,34%), FOX (+13,45%), VTP (+10,53%)...

Cũng trong tuần, nhóm cổ phiếu cảng biển cũng có diễn biến nổi bật với GMD (+5,2%) vượt đỉnh cùng thanh khoản gia tăng mạnh. Bên cạnh đó, một số mã khác cũng phục hồi ở mức vừa phải như: HAH (+8,28%), VOS (+7,07%), VSC (+5,41%)...

Các cổ phiếu ngành bán lẻ cũng có diễn biến rất nổi bật trước thông tin kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhiều mã tăng giá tốt, thanh khoản đột biến tích cực như: FRT (+14,18%), MWG (13,90%), DGW (+10,28%), PET (+4,72%)...

Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán sau khi phục hồi tốt trước thông tin vận hành KRX lại chịu áp lực điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần khi cơ quan quản lý chưa chấp thuận cho việc golive vào ngày 2/5. Tuy nhiên, tính chung trong cả tuần, nhiều mã cổ phiếu chứng khoán vẫn phục hồi tốt như: TVB (+19,23%), TVS (+9,56%), BVS (+9,26%), VND (+9,26%)... trong khi vẫn có một số mã giảm như: VFS (-2,56%0, AGR (-1,64%)...

Các mã cổ phiếu ngành ngân hàng cũng phục hồi tốt, nhưng không ấn tượng và thiếu vắng sự dẫn dắt của các mã lớn đầu ngành, mà chỉ các mã tầm trung như: VBB (+15,62%), EIB (+8,79%), TPB (+7,83%), HDB (+6,07%)...

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán giảm mạnh so với tuần tăng rất mạnh trước đó. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần chỉ còn 18.432 tỷ đồng/phiên, giảm -38,7% so với thanh khoản tuần trước (30.075 tỷ đồng/phiên). Trong đó, giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn lần lượt đạt 16.560 tỷ đồng/phiên trên HOSE; 1.427 tỷ đồng/phiên trên HNX; 445 tỷ đồng/phiên trên UPCoM.

Khối ngoại vẫn bán ròng trên thị trường chứng khoán tuần qua, tuy nhiên, giá trị bán ròng đã giảm hơn so với tuần trước. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng thêm 841 tỷ đồng, nâng giá trị lũy kế bán ròng từ đầu năm lên mức 15.868 tỷ đồng. Tính riêng trong tuần, khối ngoại giao dịch trái chiều trên 2 sàn niêm yết, khi bán ròng hơn 1.128 tỷ đồng trên HOSE, nhưng mua ròng khoảng 340 tỷ đồng trên HNX.

Thị trường chứng khoán trong nước đón nhận nhiều thông tin mang tính phân kỳ trong tuần qua. Thị trường bước vào đầu tuần với tâm lý mang khá nhiều kỳ vọng như hệ thống KRX đang vào giai đoạn cuối để chuẩn bị vận hành, hay Ngân hàng Nhà nước tiến hành đấu thầu vàng hoặc kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02. Tuy nhiên, càng về cuối tuần thì những tác động này khá mờ nhạt khi các phiên đấu thầu vàng khá “ế khách” hoặc phải hủy vì không đủ thành viên tham dự; thông tin về dự án KRX cũng chưa được như tâm lý mong đợi.

Trên thế giới, thông tin kinh tế vĩ mô cũng không ủng hộ. Chẳng hạn như cuối tuần thị trường đón nhận thông tin GDP quý I của Mỹ tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, lạm phát vẫn ở mức cao khi chỉ số PCE vẫn cao hơn mức mục tiêu của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED). Thông tin này cũng tác động khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu ngay trong phiên cuối tuần.

Thị trường có thể sẽ vẫn giằng co là chính, nhưng cũng không ngoại trừ nhịp những rung mạnh. Trước mắt, VN-Index cần giữ vững được mốc 1.200 điểm và hướng tới 1.250 điểm. Vẫn giữ quan điểm là thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn, vì thế việc mua gom những mã có chỉ số cơ bản tốt mà giá đã giảm sâu. Tuy nhiên, tất cả vẫn phải chờ vào tín hiệu của dòng tiền, nếu tiền chờ đợi đã đủ lâu thì có thể sẽ vào lại.

Sau kỳ nghỉ lễ dài, thị trường chứng khoán tuần tới có thể vẫn duy trì sự giằng co, rung lắc. Những thông tin không thuận cũng đã công bố chính thức, các thông tin liên quan trực tiếp như kế hoạch kinh doanh 2024, thông tin trả cổ tức hay kết quả kinh doanh quý I/2024 dù khá tốt nhưng ảnh hưởng mờ nhạt. Thị trường sẽ đón nhận thêm một số thông tin kết quả vĩ mô trong tháng 4 nhưng có thể cũng không mang tính trọng yếu tác động tới tâm lý nhà đầu tư.

Về mặt điểm số, chỉ số VN-Index đang dừng lại ở mức 1.209,52 điểm và duy trì trong vùng giá 1.200 điểm - 1.211 điểm tương ứng giá cao nhất năm 2018 và dưới kháng cự 1.216 điểm - 1.225 điểm tương ứng vùng giá các phiên giảm điểm mạnh truần trước. Khả năng cao thị trường sẽ vẫn phải đi tìm vùng cân bằng vững chắc hơn và kiểm định thật kỹ để hồi phục tốt hơn, bởi mốc 1.200 điểm chưa có thấy sự chắc chắn.

Thị trường có thể sẽ vẫn giằng co là chính, nhưng cũng không ngoại trừ nhịp những rung mạnh. Trước mắt, VN-Index cần giữ vững được mốc 1.200 điểm và hướng tới 1.250 điểm. Vẫn giữ quan điểm là thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn, vì thế việc mua gom những mã có chỉ số cơ bản tốt mà giá đã giảm sâu.

Tuy nhiên, tất cả vẫn phải chờ vào tín hiệu của dòng tiền, nếu tiền chờ đợi đã đủ lâu thì có thể sẽ vào lại. Mặc dù vậy, trên thực tế, dòng tiền lớn có thể vẫn có cơ sở để chờ đợi thêm khi các tín hiệu rõ ràng hơn. Với nhà đầu tư, trong bối cảnh này, việc giữ được một cơ cấu danh mục hợp lý, đảm bảo an toàn trong các nhịp rung lắc mạnh vẫn nên là ưu tiên hàng đầu./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-vn-index-lay-lai-moc-1200-diem-thanh-khoan-quay-lai-muc-thap-149808.html