Thị trường dầu mỏ lấy lại động lực phục hồi chiều 25/4

Giá dầu tăng trong phiên 25/4 tại châu Á, sau khi chốt phiên trước giảm, trong khi các thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều sau đợt tăng điểm mạnh.

Thị trường dầu mỏ lấy lại động lực phục hồi chiều 25/4. Ảnh: TTXVN phát

Trong phiên 25/4 tại châu Á, giá dầu phục hồi trở lại trước nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông, trong khi các thị trường chứng khoán châu Á để mất động lực sau ba phiên tăng mạnh.
*Giá dầu tăng trở lại
Giá dầu tăng trong phiên 25/4 tại châu Á, sau khi chốt phiên trước giảm, trước dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, chậm lại, nhưng có nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông, khu vực sản xuất dầu chủ chốt.

Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 18 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 88,2 USD/thùng vào lúc 13 giờ 30 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 13 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 82,94 USD/thùng.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 24/4, dự trữ dầu giảm ở mức thấp hơn so với dự báo, dấu hiệu cho thấy nhu cầu chậm lại.
Nhu cầu giảm khi hoạt động kinh doanh tại Mỹ yếu hơn trong tháng 4/2024 và số liệu lạm phát cũng như việc làm mạnh hơn dự kiến, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc hạ lãi suất, từ đó làm giảm lòng tin vào nền kinh tế.
Các kế hoạch về lãi suất của Fed sẽ rõ ràng hơn sau khi số liệu về GDP và chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 25/4 và 26/4.
Trong khi đó, Israel có thể tiến hành một chiến dịch quân sự ở Rafah, thành phố ở Dải Gaza, làm gia tăng nguy cơ xung đột lan rộng, từ đó gây gián đoạn nguồn cung dầu.
Tuy nhiên, không có những dấu hiệu khác kể từ tuần trước cho thấy Israel và Iran, nước sản xuất dầu mỏ lớn, sẽ đối đầu trực diện.
* Các thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều
Các thị trường chứng khoán phiên này diễn biến trái chiều khi các nhà đầu tư thận trọng sau đà tăng mạnh ba phiên trước.
Các thị trường Tokyo, Singapore, Seoul, Mumbai và Jakarta cùng giảm, dù Hong Kong (Trung Quốc) phục hồi trở lại và các thị trường Thượng Hải, Bangkok và Manila cũng tăng.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,2%, xuống 37.628,48 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,5%, lên 17.284,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,3%, lên 3.052,9 điểm.
Các thị trường cùng trong xu hướng tăng trong tuần này nhờ sự lạc quan rằng lợi nhuận của một số công ty lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, sẽ vẫn khả quan dù áp lực lạm phát dai dẳng và lãi suất cao.
Tuy nhiên, trong phiên trước, các chỉ số chứng khoán Mỹ để mất động lực, khi chỉ tăng nhẹ và các thị trường châu Á cũng nối gót đi xuống.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính là do Meta, công ty mẹ của Facebook dự kiến doanh thu quý II/2024 không đạt mức dự báo và chi phí tăng.
Số liệu về giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ sẽ được công bố ngày 26/4, với những tác động đến kế hoạch hạ lãi suất của Fed trước khi diễn ra cuộc họp trong tuần tới.
Có lo ngại rằng lạm phát tại Mỹ có thể tăng trở lại sau ba tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng vượt dự kiến, cùng với những cảnh báo từ các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, sẽ khiến các dự báo về số lần hạ lãi suất của Fed trong năm nay được điều chỉnh lại.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 25/4, chỉ số VN-Index giảm 0,64 điểm, xuống 1.204,97 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,3 điểm, xuống 225,57 điểm.

Lê Minh (Theo Reuters, AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-dau-mo-lay-lai-dong-luc-phuc-hoi-chieu-25-4/331116.html