Thị trường lao động cuối năm: Nhiều việc, nhưng khan hiếm lao động phổ thông

Còn khoảng 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán 2017, nhưng ngay từ bây giờ thị trường cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ tết Đinh Dậu đã rất sôi động.

Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều lao động ở các vùng quê đã lên Hà Nội, các thành phố lớn khác kiếm việc làm thêm.

Các doanh nghiệp sếp hàng tuyển dụng

Tại một số phiên giao dịch việc làm cuối năm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội, số lao động đến tham gia tuyển dụng đã giảm rất nhiều so với các phiên giao dịch khác. Điều này khiến các nhà tuyển dụng như ngồi trên đống lửa, nhất là các doanh nghiệp thương mại và sản xuất. Bởi thời điểm cuối năm cũng là thời vụ cao điểm cho những đơn hàng Tết.

Theo gi nhận, từ 7g30 sáng, hơn 30 bàn tuyển dụng nhân sự đã bắt đầu hoạt động nhưng đến 9g30 sáng người lao động mới bắt đầu đến xin phỏng vấn. Bà Trần Thanh Thúy đại diện một Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết, so với các phiên giao dịch trước, phiên cuối cùng của năm đã không được như mong đợi của các nhà tuyển dụng. Theo kế hoạch, công ty cần tuyển dụng hàng trăm lao động làm thu ngân, dịch vụ khách hàng tại các siêu thị, nhân viên văn phòng, nhân viên kỹ thuật, thủ kho, nhân viên bếp chính, thợ làm bánh mỳ…

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% lao động đạt yêu cầu của công ty. Bà Thanh Thúy cũng cho biết thêm, ngoài phiên giao dịch này, công ty còn tuyển dụng lao động trên các trang web tuyển dụng nhân sự trực tuyến. Song tình trạng thiếu nhân lực tại doanh nghiệp này vẫn chưa được giải quyết.

Tại phiên giao dịch, đa số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng thời vụ trong dịp Tết, hoặc nhân viên kinh doanh, bếp, phục vụ… với mức lương hấp dẫn dao động từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng. Có công ty cần tuyển hàng trăm nhân viên thời vụ như Công ty TNHH Hoàng Phúc quốc tế, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối các thương hiệu thời trang quốc tế có nhu cầu tuyển dụng 100 nhân viên bán hàng thời vụ trong dịp Tết. Ngoài ra, công ty này cũng tuyển thêm 50 nhân viên bán hàng chính thức, 10 quản lý cửa hàng và hơn 100 nhân viên bán hàng thời vụ trong dịp Tết.

Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu sử dụng lao động tăng cao là quy luật thường xảy ra cuối năm đối với tất cả các địa phương trong nước. Tuy nhiên, khác với các năm trước, tại Hà Nội, người lao động lại không mặn mà với việc làm. Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc TTDVVL Hà Nội cho biết, có khoảng 52 doanh nghiệp “sếp hàng” đăng ký tuyển dụng cho tháng cuối năm, với nhu cầu cần 900 lao động. Đây là dấu hiệu của một nền kinh tế khởi sắc cho tháng cuối năm 2016, các đơn hàng ngày càng tăng do sức mua tăng.

Các siêu thị lớn như Mediamart, BigC, Pico… tuyển dụng đến 500 lao động phổ thông phục vụ dịp tết Nguyên đán. Các chương trình phát quà khuyến mãi, hội chợ, tiếp thị… cũng được tổ chức nhiều hơn khiến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Tuy nhiên, các kênh tuyển dụng trên báo, đài truyền hình, tờ rơi, trực tuyến, phiên giao dịch việc làm… phát huy hết công suất với mức lương từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng nhưng dường như người lao động vẫn không mấy mặn mà. Cùng thời điểm này năm 2015, mỗi bàn tuyển dụng thu được trung bình 30 bộ hồ sơ, nhưng năm nay số lao động giảm đến 30%.

Có thể thấy thị trường lao động thời vụ đang khan hiếm nguồn cung khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “khát” cục bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của TTDVVL Hà Nội thì việc người lao động ít đến phiên giao dịch không hẳn là tín hiệu buồn. Bởi, nếu năm 2015, mỗi tuần chỉ có một phiên giao dịch việc làm, thì năm nay mỗi tuần có hai phiên vào thứ ba và thứ năm hằng tuần, ngoài ra còn tổ chức nhiều phiên giao dịch lồng ghép, chuyên đề như phiên giao dịch việc làm cho lao động Hàn Quốc trở về, cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp… nên số lao động có việc làm đã tương đối ổn định. Điều này cũng góp phần kéo giảm số lao động mất việc làm đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm.

Chính vì vậy, nếu các doanh nghiệp không có kế hoạch trước cho thời điểm cuối năm thì việc rơi vào khủng hoảng thiếu nhân lực hoàn toàn có thể xảy ra. Song, điều này cũng sẽ không kéo dài khi đợt cao điểm phục vụ tết Nguyên đán qua đi.

Sinh viên lao động phổ thông đăng ký tìm việc làm.

Sốt lao động thời vụ

Song song với các nguồn lao động tuyển dụng từ doanh nghiệp, hiện nay, nhiều trung tâm giúp việc gia đình cũng đã lên thông báo tuyển dụng lao động làm thời vụ và lao động ở lại giúp việc gia đình vào dịp Tết. Điển hình là công ty giúp việc gia đình Vạn Phúc (ở Hoàng Mai, Hà Nội) đăng tuyển dụng lao động không giới hạn. Mức lương tùy thuộc vào từng công việc và vị trí, lao động làm toàn thời gian thường nhận lương từ 3,5-5 triệu đồng/tháng, lao động giúp việc theo giờ khoảng 50.000 đồng/giờ. Thậm chí, có những lao động chấp nhận ở lại làm việc vào đúng Tết mức lương còn cao hơn, khoảng 600.000-800.000 đồng/người/ngày.

Mặc dù lương cao nhưng không phải lúc nào cũng tuyển được người, nhiều lao động vẫn rất “chảnh”, cân đo đong đếm công việc. Có người nhận việc rồi đi làm 3-4 ngày lại bỏ vì không chịu được áp lực công việc. Chị Yến Trang, quản lý của công ty Vạn Phúc, cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng đăng tuyển lao động từ trước tết cả 2-3 tháng, thế nhưng không tuyển đủ bởi nhu cầu khách hàng cần dọn nhà cuối năm rất lớn. Lao động làm thời vụ chủ yếu là sinh viên và người ở quê lên thành phố, nhiều khi tay nghề không có, công ty lại mất 2-3 ngày để đào tạo”.

Đang tuốt lá cho vườn đào của một gia đình ở Nhật Tân (Hà Nội), chị Lê Thị Mùi (Hưng Yên) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ cuối năm, xong việc đồng áng, vợ chồng chị lại lên Hà Nội làm thuê. Chồng chị nhận bốc vác, chạy xe ôm, còn chị thì được thuê chăm sóc vườn đào của các gia đình ở Nhật Tân. “Công việc tuốt lá đào khá đơn giản, không vất vả nhưng lương thấp hơn so với nghề bốc vác. Ông chủ bao ăn ở, còn trả 200.000 đồng/người/ngày. Cận tết đánh gốc đào, chở đào đi bán lương sẽ cao hơn, khoảng 300.000 đồng/ngày” - chị Mùi nói.

Chị Mùi cũng cho biết, chị thích làm công việc này hơn vì nó gần gũi với công việc đồng áng của chị ở quê. Năm trước, chị nhận đi dọn nhà, công việc vất vả, lương chẳng cao hơn là mấy mà luôn bị chủ nhà phàn nàn. Có lúc vợ chồng chị cũng nhận bốc vác, chuyển hàng, có lần làm đổ vỡ hết bát đĩa, phải đền tiền cho khách. Cho nên, năm nay rút kinh nghiệm, chị chỉ nhận những công việc đơn giản. “Hai vợ chồng làm từ giờ đến Tết cố kiếm lấy hơn chục triệu về mua sắm, biếu ông bà nội ngoại, mỗi bên một ít. Năm nay vợ chồng tôi chỉ làm tới khoảng 25-27 Tết thì nghỉ, về quê” - chị Mùi chia sẻ.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, so với thời điểm năm ngoái, năm nay Tết đến sớm hơn, vì vậy nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông tập trung chủ yếu ở các dịch vụ như: Bán hàng, người giúp việc, vận chuyển hàng hóa… Các ngành này chiếm hơn 80% nhu cầu tuyển dụng cho thị trường Tết.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH), thời gian cận Tết, nhiều ngành dịch vụ như: Bán hàng, vận tải, cung ứng hoa cây cảnh... thường tăng cao nên cần tuyển nhiều lao động thời vụ. Ngay từ bây giờ, nhiều đơn vị lớn đã tìm kiếm lao động để chủ động cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. “Đặc biệt, một số ngành cung ứng dịch vụ đang chạy nước rút vào dịp cuối năm như: Nhà hàng, vận tải, làm đẹp, dọn nhà... hay các ngành sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, sản xuất bánh kẹo cũng cần rất nhiều lao động. Tuy nhiên, đa phần các ngành này chỉ cần lao động thời vụ, phục vụ vào dịp tết” - bà Hương nói.

Nguyễn Khuê

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/thi-truong-lao-dong-cuoi-nam-nhieu-viec-nhung-khan-hiem-lao-dong-pho-thong-104290/