Thị trường mỹ phẩm: Giả lấn át thật

(VOV) - Thực trạng này khiến người tiêu dùng như rơi vào một ma trận khôn lường giữa thật và giả

Hiện nay, mỹ phẩm giả được làm tinh vi giống y hàng thật, thậm chí có cả tem chống giả được bày bán tràn lan trên thị trường. Theo khảo sát thị trường về hàng giả do Công ty Nielsen và Tổ đặc trách quyền sở hữu trí tuệ ý tại Việt Nam thực hiện, 47% dược phẩm ở Hà Nội là giả. Càng nổi tiếng càng bị làm giả Dạo qua một số cửa hàng bán mỹ phẩm tại phố Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Hà Nội, chúng tôi thật sự “choáng ngợp” bởi sự phong phú của các hãng mỹ phẩm khi nhân viên bán hàng đưa ra hàng loạt dòng mỹ phẩm dành cho phái đẹp. Sản phẩm Shishedo dành cho da bị lão hóa có giá 300.000 đồng. Giá 1 bộ sản phẩm Lancome gồm 5 loại: Kem dưỡng da, kem dưỡng mắt, sữa rửa mặt, nước hoa hồng, nước dưỡng da có giá 1 triệu 560.000 đồng. Trong khi đó, tại showroom ở Trung tâm thương mại Pakson, bộ sản phẩm cùng loại của Lancome có giá xấp xỉ 4 triệu đồng, còn dòng sản phẩm kem dưỡng da chống lão hóa và tinh chất dinh dưỡng cũng có giá trên 1 triệu đồng. Thắc mắc tại sao giá ở đây lại rẻ thế thì chúng tôi được nhân viên bán hàng giải thích: “Hàng này là loại “xách tay” nên giá mềm hơn chị ạ”. Chị Hoa, một người có thâm niên trong nghề cho biết, mỹ phẩm càng nổi tiếng thì càng bị làm giả nhiều. Không chỉ mỹ phẩm được bày bán tại vỉa hè, chợ cóc mới là hàng kém chất lượng mà ngay tại những cửa hàng lớn ở chợ Hôm, Đồng Xuân, phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, mỹ phẩm giả cũng xuất hiện rất nhiều và đều mang những nhãn hiệu nổi tiếng như Dior, Nivea, Essance, Lancome, Shishedo... Đa số mỹ phẩm giả đều có bao bì in ấn đẹp, sắc nét, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường khó phân biệt được đâu là hàng giả - hàng thật. Để qua mắt người tiêu dùng, nhiều sản phẩm còn được dán tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), nhưng tất cả đều là tem giả. Mỹ phẩm giả, không nguồn gốc chủ yếu là sản phẩm kem dưỡng da, kem thoa mặt, trắng da, kem tắm trắng, son môi và phấn lót có xuất xứ khác nhau, như sản xuất “chui” trong nước, nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan. Tiền mất tật mang Chị Mai Thị Hương ở tổ 13 phường Trần Phú, thị xã Hà Giang, sau khi nghe quảng cáo sản phẩm chữa nám da Naebeaute của Pháp tại Công ty Mỹ phẩm Nhật Vi, 217 Khâm Thiên “chữa nám da trong vòng 12 ngày, nếu quá 12 ngày mà không khỏi công ty sẽ hoàn lại tiền và chịu phạt thêm 5 triệu đồng”, chị Hương đã mua một bộ sản phẩm trị nám với giá hơn 3,5 triệu đồng. Nhưng dùng được 14 ngày mà không thấy có kết quả, chị đến cửa hàng để đòi lại tiền thì không được giải quyết. Mặc dù bị mất tiền nhưng trường hợp của chị Hương vẫn còn may mắn hơn chị Vân ở khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội. Chị Vân vào nhập viện trong tình trạng cả khuôn mặt sưng như phải bỏng, không thể mở mắt, không thể thở bằng mũi do sử dụng kem dưỡng da không rõ nguồn gốc, không ghi hạn sử dụng. Được biết chị mua loại kem này ở cửa hàng quen, người bán hàng nói là hàng xách tay. Chị Hà ở Định Công, Hà Nội vẫn còn khiếp sợ mỗi khi nhắc lại chuyện bị dị ứng. Chị được cô bạn tặng cho hộp “phấn xịn”. Có được món quà như ý, ngày nào chị cũng dùng trước khi đi làm. Nhưng chỉ một tuần sau, chị bắt đầu có cảm giác da mặt nóng ran, ngứa ngáy. Đến ngày hôm sau thì cảm giác ngứa tăng dần và từ chỗ ngứa nổi lên những mụn nước li ti. Chị vội đi khám chuyên khoa da liễu thì được chẩn đoán bị dị ứng do dùng loại mỹ phẩm đã quá thời hạn sử dụng. Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu - Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân đến khám chữa bệnh do sử dụng hóa mỹ phẩm. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng mặt mũi sưng phồng biến dạng, suy hô hấp... Thậm chí có trường hợp hỏng cả nửa khuôn mặt do dùng mỹ phẩm, đến khi điều trị khỏi thì làn da không thể phục hồi được như trước. Hiện cả nước có hơn 15.000 loại mỹ phẩm đã đăng ký lưu hành. Số lượng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ cụ thể vẫn còn khá khiêm tốn so với mỹ phẩm trôi nổi kém chất lượng và hàng “xách tay” bạt ngàn trên thị trường. Ngành y tế và lực lượng quản lý thị trường cũng chỉ kiểm tra được các cơ sở sản xuất lớn còn những điểm bán lẻ ở chợ, các lề đường thì vẫn bỏ ngỏ. Hiện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chưa có một khảo sát cụ thể về tình hình mỹ phẩm thật - giả trên thị trường. Theo một chuyên viên của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, việc quản lý mỹ phẩm gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra còn mỏng, hàng giả lại tinh vi, thậm chí nhiều cửa hàng mỹ phẩm giả thường mua một số mỹ phẩm thật trà trộn vào hàng giả để lấy hóa đơn mua hàng thật nhằm qua mặt cơ quan chức năng khi kiểm tra./. Ánh Phương (Báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/thi-truong-my-pham-gia-lan-at-that/200910/124347.vov