Thị trường 'trong tay' người mua, nhà sản xuất phải thích nghi để tìm cơ hội

Trong bối cảnh thị trường sụt giảm kéo dài, nhà mua hàng có nhiều lựa chọn hơn khi cạnh tranh giữa các nhà cung cấp tăng lên. Do đó, nếu nhà sản xuất không thích nghi được với yêu cầu của khách hàng, tăng giá trị sản phẩm mà vẫn chấp nhận đứng ở cuối chuỗi giá trị thì nguy cơ bị thay thế càng cao.

Có thêm khách hàng nhờ làm hàng mẫu

Với một doanh nghiệp có quy mô nhỏ như công ty TNHH May mặc Dony thì việc tiếp cận được với nhãn hàng thế giới là chuyện không dễ dàng, nhất là cạnh tranh về giá với các nhà cung cấp lâu năm. Thế nên khi có thương hiệu thời trang Mỹ tìm đến để dịch chuyển đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc sang do bị đứt gãy chuỗi cung ứng, Dony đã không bỏ lỡ.

Nhận thấy nếu giữ nguyên mẫu và sử dụng đúng nguyên phụ liệu của nhãn hàng đặt ra là rất khó thực hiện, Dony đã quyết định thay đổi vài phụ liệu trong sản phẩm thiết kế.

Việc tự thiết kế, làm hàng mẫu sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc lựa chọn của các nhà mua hàng, nhãn hàng. Ảnh minh họa: H. Lê

Việc tự thiết kế, làm hàng mẫu sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc lựa chọn của các nhà mua hàng, nhãn hàng. Ảnh minh họa: H. Lê

“Chúng tôi thuyết phục nhãn hàng xem 3-4 mẫu hàng của chúng tôi. Mọi chi phí về nghiên cứu các hàng mẫu và vận chuyển, Dony hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sau đó chúng tôi phối hợp với các nhà cung cấp cùng làm hàng mẫu và thay đổi nhỏ nguyên liệu sản xuất so với yêu cầu của nhãn hàng, Điều này không chỉ giúp sản phẩm Dony không những có giá thấp hơn “đổi thủ” ở Trung Quốc mà còn mang về lợi nhuận được hơn 7%”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc điều hành Công ty May mặc Dony chia sẻ.

Nhờ đó, từ nửa cuối năm 2022, nhà mua hàng Mỹ này đã đưa Dony vào nhà cung cấp chính thức. Đáng chú ý, trong năm 2023, dù thị trường sản phẩm thời trang bị sụt giảm, nhà mua hàng này vẫn ưu tiên đơn hàng sản xuất cho Dony với danh mục sản phẩm đa dạng hơn.

Tương tự, với ngành đồ gỗ và nội thất, ông Đặng Ráng, Giám đốc kinh doanh Công ty ASAHI Furniture cho biết, khi tham gia hội chợ HawaExpo 2023, lần đầu tiên công ty đã giới thiệu các mẫu sản phẩm do nhà thiết kế người Việt Nam thực hiện. Những sản phẩm này nhận được phản hồi tích cực từ khách tham quan các nước.

Sau hội chợ, doanh nghiệp đã ký kết được đơn hàng từ một khách hàng lớn ở Nhật Bản và hàng loạt nhà mua hàng nước ngoài khác cũng tìm đến công ty để hợp tác kinh doanh. Do đó, đến với hội chợ HawaExpo 2024 vừa diễn ra vào tuần qua, công ty tiếp tục đem đến những sản phẩm thiết kế riêng để giới thiệu đến những khách hàng ở thị trường Mỹ và EU.

Ông tin rằng trong bối cảnh thị trường các nước còn khó khăn thì việc nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm mẫu đặc thù và ấn tượng sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Tương tự, theo ông Nguyễn Ngọc Tính, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hòa cho biết, khoảng 80% mẫu sản phẩm xuất khẩu do công ty ông chủ động thiết kế. Điều này mang lại lợi thế rất lớn với công ty trước những thay đổi của nhà mua hàng với đơn hàng có quy mô nhỏ hơn trước và rút ngắn thời gian giao hàng.

Trước đây, thời gian giao hàng có thể lên đến 6 tháng, nhưng hiện nay có những đơn hàng yêu cầu giao chỉ trong vòng 1 tháng. “Với việc chủ động về thiết kế, chúng tôi sẽ làm sẵn một số công đoạn đối với những mẫu mã bán tốt. Tới khi khách mua hàng, công ty chỉ cần hoàn thiện là có thể giao hàng”, ông Tính chia sẻ thêm.

Tại HawaExpo nhiều doanh nghiệp trưng bày những mẫu thiết kế mới để thu hút khách tham quan. Ảnh: H. Lê

Tại HawaExpo nhiều doanh nghiệp trưng bày những mẫu thiết kế mới để thu hút khách tham quan. Ảnh: H. Lê

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt cho biết, hiện tỷ trọng hàng ODM (sản phẩm có thiết kế riêng) trong tổng xuất khẩu của công ty đã chiếm tới hơn 50%. Đáng chú ý, các thiết kế của Lâm Việt luôn được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao với khoảng 70-80% số mẫu thiết kế được khách hàng chấp nhận đưa vào sản xuất hàng loạt.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cũng cho rằng hàm lượng sáng tạo là một trong những ấn tượng rõ rệt ghi nhận ở HawaExpo 2024. Theo ông Liêm, khách quốc tế đến hội chợ rất đông, hài lòng khi nhìn thấy doanh nghiệp Việt Nam vừa nâng chất lượng, vừa đầu tư thiết kế mới.

“Các doanh nghiệp trong ngành đang đi từng bước nhỏ, tự thiết kế, rồi phối hợp với các nhà thiết kế nước ngoài, đón đầu xu hướng thị trường để có giá trị gia tăng tốt hơn”, ông nhận xét.

Chủ động làm hàng mẫu, nâng cao giá trị sản phẩm

Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhiều nhà mua hàng quốc tế đang tìm kiếm những nhà cung cấp mới ở khu vực châu Á, trong đó Việt Nam đặc biệt được quan tâm nhiều. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp sản xuất có nhiều đơn đặt hàng làm sản phẩm mẫu của các khách hàng mới. Nếu tạo được sự khác biệt, vượt trội về thiết kế cũng như có giá cả cạnh tranh…, doanh nghiệp có thể sẽ ký được những đơn hàng lớn hơn từ những khách hàng này

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT tại Công ty Sadaco cho biết, doanh nghiệp cũng đang tiếp nhận yêu cầu của nhà mua hàng về làm hàng mẫu ngày càng tăng cao. Có thời điểm hàng mẫu chiếm tới 40-50% tổng lượng hàng xuất khẩu của công ty. Điều này đỏi hỏi nỗ lực, kiên trì rất lớn của doanh nghiệp bởi việc làm hàng mẫu cần rất nhiều công sức, tỉ mỉ, trong khi biên lợi nhuận lại kém hơn so với các đơn đặt hàng số lượng lớn khác.

Trên thực tế, suốt thời gian triển lãm đồ gỗ và nội thất HawaExpo 2024 tại TPHCM diễn ra vào tuần qua, hình ảnh tấm bảng “No photo, please!” (Vui lòng không chụp ảnh) ở các gian hàng được dán khắp nơi. Đây được xem là thông điệp từ phía nhà sản xuất gửi tới khách tham quan tôn trọng những sản phẩm mới, thiết kế riêng và không chụp hình để tránh bị sao chép mẫu.

Sản xuất của một doanh nghiệp may mặc. Ảnh minh họa: H. Lê

Sản xuất của một doanh nghiệp may mặc. Ảnh minh họa: H. Lê

Tương tự, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Thêu đan và Dệt may TPHCM, trước bối cảnh khó khăn đơn hàng kéo dài, buộc doanh nghiệp phải chủ động đi tìm đơn hàng và tiết giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh.

Đáng chú ý, do thị trường ế ẩm, nhà mua hàng và các nhãn hàng thường đặt số lượng nhỏ lẻ, độ phức tạp sản phẩm lại cao. Thêm vào đó là mẫu mã phải đa dạng, giao hàng nhanh, yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi nhà sản xuất phải tăng nhân sự để làm nhanh kịp thời giao hàng. Điều này khiến doanh nghiệp tốn thêm chi phí, thời gian nên không có hoặc có rất ít lợi nhuận.

Mặt khác, thay vì cung cấp mẫu mã, nhà mua hàng ngày còn có xu hướng yêu cầu nhà sản xuất làm hàng mẫu để họ chọn lựa trước khi đặt hàng sản xuất hàng loạt. Điều này buộc doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cho bộ phận thiết kế; đồng thời tự tìm kiếm nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho sản phẩm mình thiết kế thay vì nhãn hàng chỉ định.

Bên cạnh phải đầu tư thêm chi phí cho bộ phận thiết kế, doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn về nguồn cung ứng. Nhiều nguyên phụ liệu sản xuất trong nước còn phải nhập khẩu, phần lớn là từ Trung Quốc.

Theo ông Hồng, trước đây, doanh nghiệp dệt may chờ khách hàng đến, giờ doanh nghiệp phải “chạy” tìm khách hàng, mở rộng xúc tiến thương mại, liên kết nhiều hơn, mạnh hơn, nhanh hơn… mới có thể tồn tại.

Cũng cho rằng việc sáng tạo mẫu mã không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm và có thêm khách hàng, nhưng ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương đánh giá, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ khó đầu tư chuyên sâu đội ngũ thiết kế bởi chi phí cao. Hơn nữa chi phí làm mẫu mã rất tốn kém mà nhãn hàng cũng chưa chắc chấp nhận.

Chuyển đổi từ sản xuất gia công (OEM) sang phát triển sản phẩm có thiết kế riêng (ODM) để nâng cao giá trị sản phẩm đã được các chuyên gia lưu ý với các doanh nghiệp trong ngành dêt may, da giày, đồ gỗ… trong nhiều năm qua. Nhiều doanh nghiệp cũng đã nỗ lực thực hiện nhưng số lượng đạt được chưa nhiều.

Trong bối cảnh thị trường thay đổi, việc làm hàng mẫu không còn chuyện “thích” mới thực hiện mà là yêu cầu đặt ra để chọn lựa của nhà nhập khẩu, nhãn hàng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp vẫn chấp nhận ở cuối chuỗi giá trị sản xuất thì khả năng bị thay thế sẽ rất cao, nhất là khi chi phí nhân công rẻ không còn.

Với ngành đồ gỗ và nội thất, bà Givevana Castellina, đại diện Tổ chức nghiên cứu tư vấn về thị trường nội thất và ngành công nghiệp CSIL cho rằng, trên thị trường thế giới dù Việt Nam có vị trí khá cao nhưng tổng giá trị xuất khẩu cũng chưa được như tiềm năng. Năm 2023, cũng chỉ đạt hơn 14 tỉ đô la trong 480 tỉ đô la giá trị thị trường nội thất toàn cầu.

Để giảm thiểu nguy cơ rủi ro và hướng đến phát triển bền vững, bà Givevana Castellina cho rằng, Việt Nam cần gia tăng hàm lượng sáng tạo. “Chất lượng và khả năng sản xuất của doanh nghiệp nội thất Việt Nam đã được thị trường thế giới kiểm chứng. Điều các doanh nghiệp cần là những giá trị vô hình như thiết kế, thương hiệu…”, bà nói.

Điều này không chỉ cần với ngành gỗ – nội thất mà theo các chuyên gia là cần cả với ngành may mặc, da giày… để nâng cao giá trị sản xuất và có thể tạo được những thương hiệu lớn thay vì chủ yếu gia công.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-trong-tay-nguoi-mua-nha-san-xuat-phai-thich-nghi-de-tim-co-hoi/