Thị trường tuần qua: Xe giá rẻ Thái, Indo ồ ạt sang Việt Nam, hàng Nhật từ lọ mì chính đến gói mì tôm

Các tập đoàn ô tô dường như đã có kế hoạch tăng sản lượng tại Indonesia và Thái Lan để xuất khẩu sang Việt Nam.

Xe giá rẻ Thái, Indo ồ ạt sang Việt Nam

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện giá xe Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước khu vực; chất lượng xe mặc dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu . Ngành công nghiệp ô tô mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp.

Các doanh nghiệp trong nước nhận định khó có thể ngăn được ô tô ASEAN tràn vào khi thuế nhập khẩu về 0%. Không chỉ vậy, từ 2018, thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống giảm còn 35% và dung tích 1.5L-2.0L giảm xuống còn 40%. Khi đó, xe nhỏ nhập khẩu từ ASEAN sẽ được hưởng lợi kép: vừa giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa giảm thuế nhập khẩu.

Vì vậy, sức ép cạnh tranh sau năm 2018 là rất lớn. Sản xuất ô tô tại Việt Namsẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí là không tồn tại được trước sức ép xe nhập khẩu. ( Xem tiếp )

Trung Quốc “thiết lập tiêu chuẩn nhập khẩu”, xuất khẩu gạo giảm mạnh

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo cũng đã sụt giảm mạnh do tác động kép từ việc thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN đã làm cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này giảm mạnh, cùng với việc Thái Lan thực hiện xả kho hàng tồn kho gạo đã làm giảm giá gạo thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu gạo hai tháng đạt 328 triệu USD, giảm cả về lượng và giá trị xuất khẩu, trong đó lượng giảm 19,5% và giá trị giảm tới 21,4%. ( Xem tiếp )

Rau quả theo “đại gia” bán lẻ Thái đổ bộ vào Việt Nam

Các thị trường nhập khẩu rau củ quả chủ yếu của Việt Nam là: Mỹ với 13 triệu USD, chiếm 8% giá trị; New Zealand đạt 3,8 triệu USD, chiếm hơn 2,3% giá trị, Úc là 2,5 triệu USD, chiếm hơn 1,5% giá trị.

Đặc biệt, lớn nhất là thị trường rau củ quả nhập từ Thái Lan 2 tháng đầu năm lên đến 82 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị nhập khẩu cả nước; hoa quả Trung Quốc đạt 31 triệu USD, chiếm hơn 19% giá trị nhập khẩu cả nước.

Với con số này, dễ tính mỗi ngày người Việt chi khoảng 31 tỷ đồng để mua rau quả từ Thái Lan và gần 10 tỷ mua từ Trung Quốc. ( Xem tiếp )

Hàng Nhật từ lọ mì chính tới gói mì tôm

Anh Trần Văn Toàn, chủ một cửa hàng tiện ích ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, dân Việt giờ chuộng mua hàng Nhật chẳng kém gì hàng Hàn hay hàng Thái.

Theo anh Toàn, trước kia nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ rằng hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản luôn là hàng cao cấp, giá đắt đỏ, chỉ dành cho những người có thu nhập cao. Thế nhưng, thực tế hiện nay, ngoài những dòng sản phẩm cao cấp dành cho nhà giàu thì hàng Nhật bình dân cũng tràn ngập, chất lượng vượt trội.

Ví dụ, cửa hàng tiện lợi của anh có hơn 1.000 sản phẩm thực phẩm các loại, trong đó, dòng cao cấp giá từ 250.000-700.000 đồng/sản phẩm (chiếm chỉ khoảng 15%), dòng trung bình giá trên 100.000 đồng, chiếm chiếm hơn 30%. Các sản phẩm có giá dưới 100.000 đồng chiếm khoảng trên 50%. Nhiều sản phẩm chỉ có giá hơn 20.000-30.000 đồng. ( Xem tiếp )

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Úc đối mặt nguy cơ phá sản

Liên quan đến quyết định cấm nhập khẩu tôm trong vòng 6 tháng kể từ tháng 1/2017 vừa qua của Bộ Nông nghiệp Úc do dịch đóm trắng bùng phát ở Bang Queensland (Úc), ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, lệnh cấm này đã gây ra thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam, trong đó lượng tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Úc vào khoảng 55 triệu AUD.

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, lệnh tạm dừng nhập khẩu của Chính phủ Úc đã và đang gây ra thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Không ít doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm vào thị trường Úc còn đối mặt với nguy cơ phá sản. ( Xem tiếp )

Hà Oanh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/thi-truong-tuan-qua-xe-gia-re-thai-indo-o-at-sang-viet-nam-hang-nhat-tu-lo-mi-chinh-den-goi-mi-tom-2574642.html