Thị trường viễn thông Việt Nam: Sẽ ngày càng cởi mở

KTĐT - Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường viễn thông - CNTT phát triển nhanh và cạnh tranh nhất trên thế giới. Đây là nhận xét của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tại Triển lãm và Hội nghị Truyền thông Quốc tế (Vietnam Comn) 2011.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, thị trường viễn thông Việt Nam đã có 13 doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng mạng, 2 doanh nghiệp di động ảo, trên 90 doanh nghiệp internet… Mật độ thuê bao điện thoại cố định chiếm 18%, thuê bao di động đạt 140%, trong khi mật độ sử dụng internet 32%, thuê bao băng rộng 14%, vùng phủ sóng 3G đạt 80% dân số với hơn 8 triệu thuê bao.

Nhiều doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đã phát triển và ứng dụng các giải pháp và sản phẩm liên quan đến 3G và 4G. Điển hình là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) với các "show" trình diễn công nghệ 3G độc đáo được 2 nhà mạng VinaPhone và MobiFone đưa vào khai thác thời gian qua. Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng (VNPT) cho biết, đến hết tháng 6/2011, VNPT đã có trên 8 triệu thuê bao 3G, doanh thu từ dịch vụ này chiếm khoảng 13% tổng doanh thu của Vina Phone. VNPT đang hướng đến mục tiêu tiệm cận 4G trong thời gian sớm nhất thông qua việc hợp tác với Công ty Alltech Telecom (Liên bang Nga). MobiFone cũng đang có kế hoạch nâng cấp mạng 3G lên công nghệ HSPA+ để đáp ứng tốc độ tốt hơn cho các thuê bao 3G và sẵn sàng chuẩn bị cho bước tiến lên 4G với công nghệ LTE.

Hành lang pháp lý của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, những năm tới, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ được phát triển theo hướng mở cửa thị trường hơn nữa, tạo điều kiện cho mọi thành phần tham gia, phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng và hình thành một số doanh nghiệp nhằm chủ động trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Đặc biệt, Nhà nước sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông, chỉ kiểm soát thông qua việc nắm cổ phần chi phối một số doanh nghiệp viễn thông chủ lực có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước. Những định hướng này là nền tảng quan trọng giúp các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn tham gia thị trường viễn thông Việt Nam.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/312238/thi-truong-vien-thong-viet-nam-se-ngay-cang-coi-mo.aspx