Thị trường vốn 3 việc cần làm

TP - Các chuyên gia đánh giá, hiện thị trường tài chính Việt Nam vẫn kém phát triển, ngân hàng “chìm” trong những vấn đề về cấu trúc. Ảnh hưởng của nhà nước với các quyết định phân bổ tín dụng quá lớn, nên hiệu quả kém. Để khắc phục những bất cập đó, hàng loạt giải pháp được đề xuất thực hiện trong 20 năm tới để thị trường vốn phát triển.

Việt Nam huy động tốt tiết kiệm nhưng chưa phân bổ tốt tín dụng.

Ảnh hưởng của Nhà nước quá lớn

Báo cáo Việt Nam 2035 (do Bộ KH&ĐT cùng Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia trong ngoài nước phối hợp thực hiện) nhận định, thị trường tài chính Việt Nam phát triển nhanh từ đầu những năm 1990. Nhưng thị trường này hiện vẫn kém phát triển so với yêu cầu, thị trường vốn non trẻ. Hơn nữa, ảnh hưởng của nhà nước với quyết định phân bổ tín dụng quá lớn nên hiệu quả không cao.

Dù làm tương đối tốt việc huy động tiết kiệm, nhưng vẫn kém trong phân bổ tín dụng tới các khu vực sử dụng hiệu quả nhất. Phần lớn các khoản cho vay (đặc biệt các ngân hàng thương mại quốc doanh) được dành cho doanh nghiệp (DN) nhà nước hoặc các DN tư nhân có quan hệ thân hữu. Điều này đã lấn át nguồn tín dụng cho những DN tư nhân hoạt động hiệu quả hơn.

Các ngân hàng đang vật lộn do khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường bất động sản suy sụp khi các ngân hàng đã cho vay với lĩnh vực này quá nhiều (khiến lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng…). Đặc biệt, nhiều khoản nợ xấu và khoản vay phải tái cơ cấu liên quan đến các DN nhà nước. Hơn nữa, tình trạng sở hữu chéo vẫn còn nghiêm trọng tại các ngân hàng tư. Thanh tra tại chỗ còn hạn chế, nhất là đối với các ngân hàng thương mại nhà nước; còn thiếu giám sát toàn diện ngân hàng. Ngoài ra, giám sát từ xa cũng cần phải tăng cường.

Ba việc cần làm trong 20 năm tới

Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, trong 20 năm tới Việt Nam có 3 việc phải làm để phát triển bền vững thị trường tài chính, gồm: Giảm thiểu rủi ro khủng hoảng tài chính; phát triển khu vực tài chính với qui mô lớn hơn, đa dạng và ổn định hơn; tăng cường độ bao phủ tài chính.

Việt Nam sẽ ứng phó nhanh với các cuộc khủng hoảng tài chính nếu Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia được tăng cường. Hội đồng cần họp thường xuyên với sự hỗ trợ của một đội ngũ chuyên môn tâm huyết có thể đưa ra báo cáo, khuyến cáo và chỉ dẫn kịp thời cho ngân hàng. Cần tăng cường nguồn lực cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) và cho phép DIV thực hiện giao dịch mua tài sản của các ngân hàng yếu kém. Muốn vậy, cần chuyển dần cơ cấu vốn DIV từ vay ngân hàng sang nợ Chính phủ và sửa luật cho phép Chính phủ vay NHNN thay cho DIV khi có khủng hoảng nghiêm trọng, theo các điều khoản được xác định rõ ràng.

Để phát triển khu vực tài chính với qui mô lớn hơn, đa dạng và ổn định hơn, cần giải quyết được khối nợ xấu lớn đang treo trên đầu các ngân hàng, với bước đầu tiên là nhờ các công ty kiểm toán quốc tế thực hiện kiểm toán; kiên quyết áp dụng các chuẩn mực cẩn trọng, không buông lỏng quản lý. Với các ngân hàng hoạt động lành mạnh và tốt có thể giải quyết nợ xấu bằng cách bán trực tiếp tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu. Đóng cửa, sáp nhập hoặc bán các ngân hàng mất khả năng thanh toán. Trong tương lai, cần đảm bảo thực thi tốt hơn các quy chế đã hoàn thiện, giám sát rủi ro của các ngân hàng (nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước) và các định chế bán tài sản (như công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí). Tăng cường thu thập thông tin về các tập đoàn kinh doanh nhằm giảm tình trạng cho vay dựa trên quan hệ riêng tư và sở hữu chéo.

Việt Nam khá thành công trong cho vay cá nhân, nhưng chưa thành công trong vấn đề gửi tiền và chuyển tiền (tăng độ phủ tài chính). Dịch vụ chuyển tiền tại Việt Nam chủ yếu thông qua các định chế tài chính, trong khi tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và các công ty dịch vụ chuyển tiền thấp hơn so với các nước cùng điều kiện. Vì vậy, việc tăng sử dụng dịch vụ tài chính qua các thiết bị di động sẽ giúp mở rộng độ bao phủ dịch vụ tài chính với chi phí thấp hơn.

Ngân hàng Nhà nước cần hoạt động độc lập

Tại các nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nam Phi… Ngân hàng trung ương được giao nhiệm vụ chính là ổn định giá cả; các nhà hoạch định chính sách chịu trách nhiệm giải trình với Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, bài học cơ bản cho Việt Nam là phải khắc phục tình trạng Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện quá nhiều mục tiêu.

Các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan thẩm quyền có thể lựa chọn cho Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt tỷ giá hay tập trung vào mục tiêu lạm phát. Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện chức năng ổn định giá cả để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nếu có được sự độc lập trong hoạt động.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/thi-truong-von-3-viec-can-lam-975322.tpo