Thích “bắt nạt” báo chí

Trong một dự thảo pháp lệnh về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án, cơ quan soạn thảo là TAND Tối cao đã néo thêm một số tác nghiệp báo chí vào phạm vi quản lý của mình, bất chấp các hành vi này đã được chế tài chi tiết trong pháp luật về báo chí.

Cụ thể, các hoạt động tác nghiệp bình thường cung cấp thông tin “đầu vào” cho nhà báo như ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, vốn đã được Nghị định 51/2002 và Luật Báo chí nêu rõ ràng cụ thể, song dự thảo pháp lệnh vẫn yêu cầu nhà báo phải xin phép và được chánh án (thủ trưởng cơ quan hành chính cơ quan tòa án) cho phép bằng văn bản. Thậm chí hoạt động “đầu ra” của nhà báo là các tin, bài đã xuất bản, nếu cho rằng không đúng với hoạt động của tòa, thì lãnh đạo tòa vẫn có thể đè nhà báo ra... phạt!

Tạm coi như sự cần thiết, mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà cơ quan soạn thảo đặt ra là chính đáng, thì cách làm như vậy ở một cơ quan hàng đầu về luật pháp lại không ổn. Lý do hết sức đơn giản là các hoạt động đầu vào, đầu ra của nhà báo đã được nói rất rõ trong Luật Báo chí và văn bản hướng dẫn. Thậm chí các sai sót của báo chí cũng đã có các chế tài hành chính, dân sự, hình sự điều chỉnh với các mức phạt từ thấp đến cao tùy theo mức độ, trong đó thẩm quyền xử lý là thanh tra thông tin truyền thông các cấp.

Do đó, việc đưa các tác nghiệp báo chí vào pháp lệnh do TAND Tối cao soạn thảo không chỉ thể hiện việc “đá lộn sân” của ban soạn thảo, mà còn đồng thời thể hiện tư duy muốn “bắt nạt”, “trói” báo chí của một số quan chức nhà nước. Bởi trước đó chính Bộ Tài chính đã từng đưa vào văn bản do mình soạn thảo quyền xử phạt báo chí nếu đưa sai về giá cả hàng hóa; rồi Bộ Công an đòi nhà báo phải cung cấp nguồn tin tố giác tội phạm cho mình... Cạnh đó còn có chuyện lãnh đạo một số ngành khác khi không xử lý nổi các vấn đề bất cập của ngành bèn đổ lỗi “khó khăn đến từ báo chí”!

Chúng ta đều biết báo chí hiện là một trong những kênh giám sát hiệu quả nhất hoạt động của bộ máy nhà nước, được người dân hết sức tin tưởng và hoan nghênh. Các nghiên cứu về đề tài công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng mới công bố gần đây đều cho thấy số người cho rằng báo chí đi trước các cơ quan chức năng trong phát hiện, phanh phui tiêu cực chiếm tỉ lệ cao nhất; đồng thời nhà báo thuộc nhóm ít tham nhũng nhất.

Vì thế cách thức tư duy kiểu trói buộc, lạm quyền như dự thảo nói trên không chỉ hạ thấp vai trò của báo chí mà còn đi ngược lại xu thế phát triển của xã hội.

PHAN MAI

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/201308031046570p0c1013/thich-bat-nat-bao-chi.htm