Thiền để sáng tạo ra cái đẹp

Nghe tên của cặp vợ chồng họa sĩ - nhà thơ Thái Tĩnh - Đinh Hoàng Anh đã lâu nhưng phải chờ một ngày đẹp trời trong những ngày đẹp trời của mùa đông đầy nắng như năm nay...

Nghe tên của cặp vợ chồng họa sĩ - nhà thơ Thái Tĩnh - Đinh Hoàng Anh đã lâu nhưng phải chờ một ngày đẹp trời trong những ngày đẹp trời của mùa đông đầy nắng như năm nay tôi mới có duyên để lên ngôi nhà bên bờ nước.

Một đống lửa vẫn được nhóm lên dưới ánh nắng vàng rực để nướng ngô vừa được trẩy dưới ruộng. Những người bạn đến chào chủ nhà và làm quen với nhau. Sau khi ăn xong một nửa bắp ngô và một chén nước trà, tôi lững thững đi khám phá triền đồi quanh hồ nước.

Tôi bắt gặp một người đàn ông đang ngồi câu. Tôi dừng lại để nói chuyện với anh ta. Câu chuyện từ cá cắn câu đến thế sự, câu chuyện lằng nhằng… với một cái gáy. Đến 40 phút người đàn ông ngồi câu không hề quay mặt lại để nhìn người đối thoại bấy lâu. Có vẻ như ngôi nhà bên bờ nước có chuyện lạ và vui đây.

Sau bữa ăn trưa mà gia chủ chỉ dành cho những vị khách mời đặc biệt, còn những khách mời cũng đặc biệt khác thì đã tự chuẩn bị đồ ăn thức uống từ nhà, thành ra cái chuyện ăn uống là việc nhỏ như con thỏ trong không gian thơ mộng này. Và đây, trống đã nổi lên rồi, mọi người cùng hát và đọc thơ. Tôi được nghe Thái Tĩnh hát, Hoàng Anh đệm đàn những bài hát do họ sáng tác. Giọng Thái Tĩnh rất đẹp, nhạc của Hoàng Anh da diết say đắm.

Nhưng có lẽ nữ thần thơ ca đành phải nhường sự say đắm cho nắng thu rờ rỡ cuối chiều bên hồ nước trong. Ánh nắng đã chếch sang bên kia bờ nước, nơi có những cây lá đỏ. Cảnh sắc tuyệt đẹp mời gọi tâm hồn phiêu lãng. Tôi tiếc hùi hụi khi không mang theo máy ảnh. Mọi người đã ra về, chỉ còn lại mấy chúng tôi. Thái Tĩnh và Hoàng Anh mời chúng tôi xuống bè. Nước hồ thu trong veo, nắng vàng cuối cùng còn vương vấn với tán lá xanh phía bên kia hồ. Hoàng Anh dạo nhạc trên chiếc đàn cổ tranh, Thái Tĩnh cất giọng hát:

Chờ trăng lên cho tơ vàng phủ mềm khe núi sâu

Chờ trăng lên cho những con đường mòn trong mây gặp nhau

Chiều dần mờ xa trong nhớ nhung

Gửi lại trăng sợi nắng cuối cùng

Tôi chợt rùng mình rồi có một luồng khí rất mỏng nhưng mạnh chuyển từ gót chân tôi lên đến đỉnh đầu rồi thoát ra khiến tôi phiêu cùng tiếng hát. Tôi tự hỏi, hồ ly có phiên bản đàn ông không? Quả là rất đắc địa khi bài hát với giai điệu da diết được cất lên bằng trái tim tình yêu trong buổi chạng vạng, tĩnh lặng này. Tôi quyết định phải trở lại để gặp Đinh Hoàng Anh và Thái Tĩnh.

Đinh Hoàng Anh từng là dân chuyên toán. Chị từng học 9 năm về toán học tại Trường đại học Tổng hợp Minsk, 5 năm đại học, 4 năm chuyển tiếp sinh, sau đó về giảng dạy tại Khoa Toán tin, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, 4 năm sau thì chuyển qua kinh doanh. Công ty của chị kinh doanh về thiết bị giáo dục.

Chị tâm sự:

- Em kinh doanh nghiêm túc đấy chị, nhưng em không để tiền lôi kéo mình.

- Kinh doanh giống người ngồi trên lưng ngựa, có cách gì để tiền không lôi kéo mình?

- Ban đầu thì cũng vất vả lắm chị ạ, sau đó thì lập được êkip và hệ thống tốt. Và cái chính công ty em như một gia đình, anh chị em sống vì nhau, em chỉ đứng mũi chịu sào thôi, họ vẫn có hướng làm việc của từng thành viên. Chồng em cũng tham gia điều hành với em. Em chủ yếu lo thị trường và tài chính, nhưng em không tham, cứ vừa đủ là thôi. Em còn nhiều niềm vui khác nữa ngoài kinh doanh, chị biết rồi đấy.

Đúng, điều này thì tôi biết, xuất thân từ dân toán chuyên nghiệp nhưng Đinh Hoàng Anh lại dan díu với nàng thơ, đến nay chị đã in 8 tập thơ và 2 tập truyện ngắn. Thơ của Đinh Hoàng Anh giản dị nhưng đầy sự chiêm nghiệm và triết lý.

Chảy dịu dàng
như những lời kinh
nắng
loang vàng
trên tóc trắng

Bà quét lá
chầm chậm
bên quán vắng

Hai tay khô
vun lại
những mùa xa

(Thu trong phố)

Không chỉ dừng ở thơ văn, được học piano từ năm 10 tuổi, bây giờ, những nốt nhạc bắt đầu nảy mầm, Đinh Hoàng Anh đã sáng tác được gần 20 ca khúc.

Nói đến Đinh Hoàng Anh mà không nhắc đến chồng chị - họa sĩ Thái Tĩnh thì là một sự thiếu hụt to. Là một người tiếp xúc nhiều với giới họa sĩ và có hẳn một ông điêu khắc gia trong nhà nên tôi khá lạ với sự nhỏ nhẹ, dịu dàng của Thái Tĩnh. Sự dịu dàng đó đi cả vào trong những bức tranh của anh khiến những gam màu trở nên yên bình và xa vợi. Sáng tác của anh treo kín các căn phòng của ngôi nhà bên bờ nước. Khi bạn bè đến chơi, cao hứng, anh vẽ những bức chân dung để tặng. Thái Tĩnh cùng vợ điều hành công ty và sáng tác những sản phẩm handmade, đó cũng là hướng phát triển sắp tới của công ty. Thái Tĩnh còn phổ nhạc những bài thơ của vợ.

Các cụ có câu, hai nghệ (sĩ) thành gừng (cay), một gia đình có hai nghệ sĩ cùng chung sống thì chắc không thể tránh khỏi sự va đập vì hai cái tôi cùng quá lớn. Ở gia đình Thái Tĩnh và Đinh Hoàng Anh dường như không có sự va đập đó vì họ cùng chung nhau một chữ Thiền. Hai vợ chồng cùng tập thiền.

Tôi trêu Hoàng Anh, hình như Thái Tĩnh “đắc thiền” được hơn em. Hoàng Anh cười, có lẽ tâm hồn họa sĩ đỡ phức tạp hơn văn chương chúng ta chăng? Vì nhân loại chưa phát minh ra cái thước đo tâm hồn ấy nên chưa biết được tâm hồn nghệ nào phức tạp hơn nghệ nào nhưng sự đồng cảm và chia sẻ là một sự rất cần thiết để làm nên một gia đình hạnh phúc.

Mấy năm trước, Hoàng Anh đã chuyển sang ăn chay trường nhưng chị vẫn băn khoăn về đồ ăn “mặn” cho chồng và con. Thái Tĩnh bảo với Hoàng Anh, mẹ cứ lo bữa ăn cho mẹ thôi, còn đồ ăn của hai bố con để bố lo.

Nói về thiền, tôi tâm sự với Hoàng Anh:

- Chị không thể thiền được, bao nhiêu lần tập đều thất bại, có lẽ do tâm chị động quá. Cứ mỗi lần chị nhắm mắt để thiền thì quá khứ ở đâu ùa về sống động. Có những người chị thù từ lẩu từ lâu, mà khi mở mắt ra chị không còn nhớ đến họ, nhắm mắt vào thì mối thù lại trỗi dậy và chị muốn giết họ. Có việc làm ngốc nghếch từ thời bé dại cũng ùa về khiến chị day dứt và xấu hổ đau đớn. Chị biết chị không thể thiền được.

- Ban đầu thì ai cũng thế mà, sau dần thì sẽ thiền được.

- Chị chưa thể hiểu hết ý nghĩa của thiền, nhiều người cho rằng thiền để buông bỏ. Nhà văn, nghệ sĩ mà buông bỏ sự đời thì sẽ không sáng tạo được tác phẩm?

- Không đúng đâu chị, thiền khiến người ta yêu cuộc sống, yêu con người, yêu thiên nhiên... mà chả cần nguyên cớ gì, cứ yêu tự nhiên thôi.

Thiền là thế, chứ nếu buông bỏ thì làm sao Đinh Hoàng Anh lại viết được câu thơ thế này:

Trăng

ngả đầu

bịn rịn

lên

nhành sương

hao gầy

đợi
hai người trẻ tuổi

nói nốt
lời
chia tay

(Thu trong phố)

Thì ra với Thái Tĩnh và Đinh Hoàng Anh, thiền là để sáng tạo ra cái đẹp.

Nhà văn Y Ban

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thien-de-sang-tao-ra-cai-dep-n127072.html