Thiên phóng sự đặc biệt về Nhân Quả: Sự oán hận của những vong hồn thai nhi (P1)

Trong giáo lý nhà Phật, sát sinh là một trong những tội nặng nhất. Vì thế, giết người hay phá thai được xem là điều tối kỵ.

NGHIỆP BÁO NẠO PHÁ THAI

Trong giáo lý nhà Phật, sát sinh là một trong những tội nặng nhất. Vì thế, giết người hay phá thai được xem là điều tối kỵ. Luân hồi là giáo lý vô cùng quan trọng của nhà Phật. Khi một người mất đi, thần thức của họ vẫn tồn tại. Sau 49 ngày, thần thức sẽ theo nghiệp đầu thai theo 6 nẻo luân hồi. Đó là cõi trời, cõi người, cõi Atula, cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ và súc sinh. Nếu được đầu thai làm người thì phải có 3 yếu tố. Thứ nhất là tinh cha, hai là huyết mẹ, ba là thân trung ấm (tức thần thức). Khi bào thai bị người mẹ nạo bỏ, thần thức sẽ bị tổn thương, chịu nghiệp bất thiện. Linh hồn đứa trẻ khó đầu thai thành người ở kiếp sau. Một cái thai nếu đến 7 tuần được coi là một mạng sống hoàn chỉnh. Trong vòng 7 tuần, nếu người mẹ nào phá bỏ đã mang tội, nhưng ở mức độ nhẹ. Còn nếu quá 7 tuần mà cố ý nạo phá thai thì đồng nghĩa với việc mắc tội sát sinh. Nhân quả của việc sát sinh là sức khỏe kém, mạng yểu, luôn gặp bất hạnh, không may mắn.

Theo quan điểm của nhà Phật, một đứa trẻ khi tái sinh vào gia đình nào đó có 4 nguyên nhân. Thứ nhất là để đòi nợ. Đó là khi bố mẹ sinh ra, đứa bé khó nuôi, bệnh tật ốm đau. Nó làm cho cuộc đời của đấng sinh thành đau khổ, lam lũ, đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa yên lòng được. Trường hợp này, kiếp trước cha mẹ nợ con cái nên kiếp này chúng đến để đòi nợ. Trường hợp thứ hai là để trả nợ. Đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn, ngoan ngoãn, không gây phiền lòng gì cho cha mẹ. Thứ ba, có những đứa con học hành chăm chỉ, đỗ đạt, công thành danh toại, hiếu thảo với cha mẹ khiến cha mẹ nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng. Đây là trường hợp báo ân. Trường hợp cuối cùng là có những đứa con gây cho cha mẹ bao khổ đau, oan ức, uất giận. Thậm chí, có trường hợp vì con hư hỏng mà tức giận đến chết. Đây là trường hợp báo oán. Cho nên, nếu chúng ta, vì một lý do nào đó mà phải nạo bỏ thai nhi thì đều gây thêm hờn oán, nghiệp oán. Nếu đứa con đến để trả nợ mà cha mẹ lại bỏ đi thì vô tình biến ân thành oán. Nếu đứa con đến với tâm niệm báo oán thì oán lại chất chồng. Và cứ mỗi lần phá thai, sự oán hận, sự trả thù lại càng cao và càng chất đầy hơn nữa”.

KỲ 1: SỰ OÁN HẬN CỦA NHỮNG VONG HỒN THAI NHI

Vừa qua, nhân ngày ngừa thai thế giới 26 tháng 9, giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam đã công bố những con số về tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam khiến ai cũng giật mình kinh hãi: Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Trung bình mỗi phụ nữ Việt trải qua 2,5 lần phá thai trong đời . Cứ 4 ca nạo phá thai thì có một ca không an toàn, gây tử vong hoặc để lại các biến chứng về thể chất, tâm lý tạm thời cũng như lâu dài. Đau lòng hơn, 1,2-1,6 triệu trẻ em được sinh ra thì cũng ngần ấy thai nhi bị nạo bỏ. Thực tế đã rất nhiều người sau khi trót chối bỏ giọt máu của mình đã bị tòa án lương tâm giày xéo, bị ám ảnh đến suốt cuộc đời. Và không ít người đã bị các vong thai nhi báo oán với nhiều cách thức vô cùng rùng rợn. Những câu chuyện mà tôi sắp kể đây chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ trong số hàng ngàn câu chuyện mà tôi đã từng được nghe, từng chứng kiến. Đã đến lúc, chúng ta cần phải gióng lên những tiếng chuông thức tỉnh bởi ngay lúc này đây, từng giờ, ở khắp nơi, nạn nạo phá thai vẫn diễn ra vô cùng nhức nhối.

NỖI ÁM ẢNH TỪ NHỮNG SINH LINH BỊ CHỐI BỎ

Trong suốt hành trình 15 năm đồng hành cùng các nhà ngoại cảm Việt Nam đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tôi đã chứng kiến quá nhiều những câu chuyện ly kỳ, huyền hoặc về thế giới tâm linh, về sự linh ứng lạ kỳ giữa hai cõi âm - dương khiến tôi tin tuyệt đối vào sự tồn tại của linh hồn, tôi tin chết không phải là hết. Nhưng lần đầu tiên tôi chứng kiến sự hiển linh của vong thai nhi là chuyến đi cùng vợ chồng ông Trần Tích Tiến, phó Tổng giám đốc Công ty cao su INOQUE đến nhà cô đồng Tuyên ở thị trấn Thứa (Bắc Ninh) để gọi hồn liệt sĩ Vũ Duy Dư. Đó là ngày 24 tháng 2 năm 2002. Vừa đặt chút lễ mọn lên bàn thờ, chưa kịp ngồi yên vị, ông Tiến đã giật nảy mình khi nghe cô đồng Tuyên gọi ông là “bố Tiến” và xưng con. Ông ngơ ngác không hiểu gì. Qua trò chuyện, ông mới vỡ lẽ, vong của con trai ông về và nhập vào cô đồng Tuyên. Cháu vốn là mộ thai nhi mới 3 tháng tuổi. Những năm 80 của thế kỷ trước, vợ ông mang thai cháu là thứ 3 nhưng do chính sách kế hoạch hóa gia đình nên đã nạo bỏ cháu ở nhà hộ sinh. Ông Tiến đâu có biết là mình đã đánh mất cháu, chỉ đến khi ông hỏi cháu mới kể như vậy. Lúc ấy, ông Tiến xúc động quá, cả ân hận nữa. Ông xin lỗi cháu nhưng cháu cười bảo: “Cha mẹ không có lỗi vì đấy là qui định của nhà nước”. Ông khóc òa lên. Ôi! Không ngờ một đứa trẻ mà lại có những suy nghĩ và tấm lòng bao dung đến vậy. Càng nói chuyện, ông Tiến càng bị xúc động vì những thông tin cháu nói (qua cô đồng Tuyên) rất chính xác, kể cả những chuyện rất riêng tư, bí mật chỉ mình ông biết. Ông Tiến hỏi: “Thế con có biết ai đang ngồi cạnh bố không?”. Cháu bảo: “Chú Thành, bạn bố, nhà ở 509 đường Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội chứ gì? Vợ chú ấy đang muốn tìm mộ bố là liệt sĩ Vũ Duy Dư có đúng không? Hồi Tết, chú đến nhà cháu chơi mà không mừng tuổi cho cháu đấy nhé”. Cháu còn nói tên những người hàng xóm cạnh nhà “bố Tiến”, nhận xét người này tốt, người kia xấu, rồi căn dặn ông nên quan hệ với người này, cảnh giác với người kia… Ông Tiến bảo: “Con giúp vợ chồng cô Thắng tìm được mộ ông nhé”. Cháu cười bảo: “Cô chú sẽ tìm được. Gần tìm được rồi. Bố cứ đến nhà chú Bảy (nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy) ở phòng 212, nhà B19, khu tập thể Kim Liên và ông Chu Phác (thiếu tướng Chu Phác – chủ nhiệm Bộ môn cận tâm lý, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) là tìm được thôi mà”. Điều bất ngờ là chính cháu đã vẽ đường đi nước bước cho ông Tiến đi tìm mộ và cuối cùng, ông đã tìm thấy. Câu chuyện ly kỳ này tôi đã kể rất chi tiết trong tập phóng sự “Bùa ngải xứ Mường” do NXB công an nhân dân ấn hành năm 2015.

Chứng kiến toàn bộ câu chuyện ấy, tôi thực sự bị sốc. Vì trước đó, tôi cứ nghĩ chỉ có những người may mắn sinh ra trên cõi đời này, lớn lên, già rồi mắc bệnh chết, linh hồn họ mới tồn tại. Chứ những bào thai vài tháng tuổi, đang nằm trong bụng mẹ, vì lý do nào đó đã bị cha mẹ tước đoạt quyền sống thì làm gì có linh hồn? Trở về Hà Nội, tôi tìm gặp nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, hỏi chị về chuyện này. Chị Bích Hằng bảo: “Khi nghiên cứu thế giới người âm, chị đặc biệt bị ám ảnh bởi tiếng vọng của những linh hồn hài nhi, vì muôn vàn lý do mà phải rời xa sự sống ngay từ trong bụng mẹ, chưa thực sự hiện diện trên cõi đời. Chúng cũng có thể thét gào, oán thán, nỉ non, đớn đau, hay từ bi hỉ xả, tràn ngập yêu thương”. Rồi chị kể: Năm 1991-1992, trong quá trình thi công một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội, đội thi công bắt buộc phải chặt một cây đa cổ thụ nằm trong khuôn viên bệnh viện để xây dựng tòa nhà 5 tầng. Điều đặc biệt là trong suốt mấy ngày chặt cây, tai nạn xảy ra liên tục. Ai chặt cành nhỏ thì bị gẫy tay, ai chặt cành to thì bị gẫy chân. Có người sụn xương sống, có người chết. Ai cũng kinh hãi. Cuối cùng, không ai dám chặt nữa. Nghi ngờ có vướng mắc gì đó về tâm linh, Ban giám đốc Bệnh viện đã mời nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đến. Chị Hằng kể: Đó là một cây đa cổ thụ cao chừng 20m, tán lá chằng chịt, xum xuê che rợp một góc sân, thân xù xì những u cục, có mấy rễ nhánh cắm sâu xuống đất dài cả chục mét. Dưới gốc cây ẩm mốc, chi chít những que hương. Chị bỗng thấy rờn rợn vì âm khí ở đây quá nặng. Vừa thắp hương, chắp tay lầm rầm khấn nguyện, một làn gió lạnh ào đến khiến cành lá chuyển động xào xạc. Có cảm giác cây đang rùng mình, run rẩy. Ngước mắt lên nhìn, chị bỗng giật mình kinh hãi. Dọc suốt hai bên thân cây, cành cây, lá cây, chi chít những hình thù lớn bé. Có hình thù giống như con nhái, có hình thù giống như con chuột, có hình hài giống con khỉ và rất nhiều hình hài trẻ em chưa hoàn chỉnh, đứa cụt chân cụt tay, đứa một mắt đang chăm chắm nhìn chị. Lưng sống chị lạnh toát. Mồ hỗi vã ra như tắm. Chân tay run lẩy bẩy. Đúng lúc ấy, Bích Hằng nhìn thấy vong linh của một vị bác sĩ. Ông cười buồn: “Đừng sợ Bích Hằng ơi! Đó là linh hồn của những thai nhi bị cha mẹ nạo bỏ. Đứa có đủ hình hài rồi thì bị ép ra bằng phương pháp cô-vắc, đứa thì bị cắt rời từng bộ phận. Đứa thì chết ngay sau khi sinh và rất nhiều đứa chỉ 2-3 tháng tuổi nên chưa đủ hình hài… Chú ở đây đã lâu để chăm sóc cho các linh hồn bé bỏng tội nghiệp này”. Chưa hết bất ngờ, Bích Hằng đã thấy xuất hiện trước mặt chị một cháu bé mặt mũi lanh lợi, giọng ngọng líu, tự xưng là “đại ca”. Bích Hằng hỏi: “Sao cháu lại xưng là đại ca với cô?”. Thằng bé cười: “Này. Đừng có hỗn. Đây hơn tuổi đằng ấy nhiều đấy nhé. Đây bị cha mẹ giết năm 1961 thì chẳng là đại ca của ngươi còn gì. Hơn nữa, chúng nó ở đây hầu hết còn nhỏ xíu, mới vài tháng tuổi. Đây lớn hơn thì phải làm đại ca thôi”. “Vậy tại sao những người chặt cây đa đều bị tai nạn?”. Bích Hằng hỏi. Mắt “đại ca” vằn lên tức tối: “Chúng tao hầu hết đều bị giết từ lúc trong bụng mẹ. Đau đớn lắm. Rồi bị quẳng ra thùng rác, cống rãnh. Nhiều đứa còn bị người ta mang về nấu cám cho lợn ăn. Không đứa nào có nơi trú ngụ. Cũng chẳng biết bố mẹ ở đâu? Chẳng ai cho chúng tao ăn. May có bà Ng. bán quán ăn ở dưới gốc đa này. Hàng ngày bà thắp hương cúng kiếng, chúng tao cũng đỡ tủi. Nếu người ta chặt cây đa này đi thì chúng tao biết trú ngụ ở đâu? Vì người ta giành miếng ăn chỗ ở của bọn tao thì chúng tao phải xử chứ. Tao nói trước cho chúng mày biết nhé. Đứa nào còn dám chặt cây chúng tao sẽ cho toi hết. Chúng tao chưa đủ sức mạnh để giết chúng mày nhưng chúng tao sẽ bẻ gãy chân, bẻ gãy tay từng đứa”. Bà chủ quán cơm bình dân nghe vậy sợ quá, vội quỳ sụp xuống gốc cây đa, lạy như tế sao. Bà bảo: sáng nào trước khi mở cửa quán, bà cũng phải thắp hương cho các vong linh thai nhi ở đây. Có sáng quên, không thắp hương dâng lễ là y rằng hôm đó vắng khách. Buổi tối, bà nằm mộng, nghe rõ tiếng bé trai bảo: “Này! Đại ca đây đang thèm thịt kho Tàu”. Hôm sau, bà dậy rõ sớm, nấu một nồi thịt kho Tàu ngon, mang ra gốc cây đa cúng. Thế là khách lại đông nườm nượp.

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã bàn với Ban giám đốc bệnh viện thỉnh mời các nhà sư đến, lập đàn làm lễ cầu siêu cho các bé. Không khí buổi lễ diễn ra vô cùng trang nghiêm và xúc động. Khi đàn lễ vừa kết thúc, các vong đã được dẫn về chùa Quán Sứ, Bích Hằng vẫn nhìn thấy một bé gái mắt đẫm lệ, da tím tái, tay cầm chiếc làn nhựa đứng dưới gốc cây đa. Chị cất lời hỏi: “Sao cháu không về chùa với các bạn mà lại đứng đây khóc thế này?”. Con bé òa khóc: “Cháu đứng đây chờ mẹ đến đón. Cháu đã chờ mẹ cháu suốt 30 năm rồi. Cô ơi! Cô biết mẹ cháu ở đâu thì làm ơn nhắn mẹ cháu đón cháu về với. Cháu nhớ mẹ cháu”. Bà cụ già bán hàng nước gần gốc cây đa sực nhớ đến câu chuyện buốt lòng xảy ra vào một buổi sáng mùa đông cách đây hơn 30 năm, từ thời còn chiến tranh. Bà vẫn nhớ như in, buổi sáng hôm đó, trời mưa dầm gió bấc, rét cắt da cắt thịt. Bình thường, cứ 5h30 sáng là bà đã dậy lọ mọ đun nước pha trà đón khách. Nhưng vì hôm đó trời mưa rét quá nên mãi tận 6h30 bà mới dậy. Vừa mở cửa, bà giật mình khi nhìn thấy chiếc làn màu đỏ ai để ở hiên. Mở làn ra, bà tá hỏa khi nhìn thấy một bé gái nằm chết cứng, da tím tái. Trên mình bé đắp một chiếc áo mong manh và một lá thư người mẹ viết vội: “Cháu là sinh viên trót dại sinh ra đứa con này. Nhờ ơn cô bác nuôi giùm. Khi nào có điều kiện, cháu sẽ quay lại đón con về. Cháu xin đa tạ”. Dòng chữ viết nguệch ngoạc, nhòe ướt. Bà bán nước bật khóc. Giá như trời đừng mưa phùn gió bấc, giá như bà dậy sớm như mọi hôm, biết đâu, cháu bé đã không chết. Ngay buổi sáng hôm ấy, nhân viên bệnh viện đã mang xác đứa bé xuống chôn ở nghĩa trang Văn Điển. Cứ tưởng thế là xong. Nào ngờ, linh hồn con bé vẫn ở đây. Bà cụ thổn thức nói: “Cháu ơi! Chắc mẹ cháu không về đón cháu nữa đâu. Đã ba chục năm rồi. Chiến tranh, bom đạn, mẹ cháu chắc gì còn sống”. “Dạ không bà ơi! Cháu đi tìm khắp cõi âm mà không thấy mẹ cháu nên cháu biết mẹ cháu vẫn còn sống mà. Cháu sẽ đợi đến khi nào mẹ cháu đến đón”. Bích Hằng khóc òa. Bà cụ cũng khóc theo, vừa khóc, vừa nói: “Vậy chắc là mẹ có lý do gì đặc biệt lắm nên không thể đón cháu. Bà cháu mình kiếp này đã có nhân duyên với nhau khi bà phát hiện ra cháu trong cái làn từ thời chiến tranh ấy. Vậy nay cháu về ở với bà nhé”. Nói đoạn, bà cụ tháo chiếc khăn quàng cổ, giăng trên hai tay, hứng trước ngực: “Để bà đưa cháu về. Nhà bà gần đây, ngay Ngõ Trạm thôi mà. Cháu bám vào khăn đi, coi như bà ôm cháu vào lòng”. Ai chứng kiến cảnh đó cũng trào nước mắt. Chỉ vì một lời hứa của mẹ sẽ quay lại đón con mà em không đi, nhất quyết ở lại cây đa đợi mẹ. Không chịu đi về chùa, cũng không chịu đi qua cây đa khác, đã mấy chục năm rồi mà vẫn cứ đợi. Có thể lời hứa lúc ấy của mẹ là hứa cho qua thôi nhưng em vẫn nhớ. Khổ thân em. Chị Bích Hằng bảo, từ bấy, chị thường xuyên tổ chức những lễ cầu siêu cho các thai nhi vô tội.

SỰ TỨC GIẬN CỦA NHỮNG HÀI NHI

Gần đây, 3 cơ quan Liên hiệp khoa học UIA, Viện khoa học hình sự Bộ công an và Trung tâm bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống đã tổ chức một số chương trình khảo nghiệm, nghiên cứu các hiện tượng xoay quanh vấn đề linh hồn của các hài nhi. Ngay lập tức, chương trình đã thu hút sự quan tâm của hàng vạn chị em phụ nữ, vì lý do nào đó, đã từng dứt bỏ giọt máu của mình, để rồi, kết cục phải gánh những hệ lụy khôn lường.

Suốt cả tháng trời, chị Phan Thị H. ở Đống Đa, Hà Nội liên tục bị những cơn đau bụng hành hạ. Mỗi lần lên cơn đau, chị lại nằm vật vã trên giường, ruột đau thắt như ai cào ai cắt, mồ hôi vã như tắm. Đi khám nhiều nơi nhưng bác sĩ không tìm ra bệnh. Không ăn, không ngủ, chị gầy rộc, người dờ dại như mất hồn. Đặc biệt, cứ nửa đêm về sáng, hễ chợp mắt là hình ảnh đứa trẻ toàn thân máu me be bét, mặt trắng bệch, mắt trợn trừng tức giận nhìn chị khiến chị sợ hãi, kêu la. Ngờ rằng đó là thai nhi 3 tháng tuổi mình vừa phá bỏ, chị tìm đến trụ sở Liên hiệp khoa học kỹ thuật UIA ở số 1, Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội để cầu siêu cho đứa con chưa kịp làm người của mình. Ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA bảo: “Chúng tôi đã tiếp nhận cả ngàn trường hợp như thế. Câu chuyện về sự oán hận của những hài nhi bị tước đoạt sự sống, chưa được siêu thoát nên cứ quẩn quanh bên người mẹ quấy phá là bình thường. Đã có biết bao cô gái trẻ, thậm chí vị thành niên và cả những phụ nữ trung tuổi, sau bao nhiêu năm vẫn bị ám ảnh khôn nguôi bởi những lầm lỡ của mình”. Ông Khanh vẫn nhớ như in trường hợp chị Th. ở Hưng Yên. Đó là một buổi chiều cuối đông mưa dầm gió bấc. Một cô gái khuôn mặt thanh tú nhưng xám ngoét, chạy đến Trung tâm của ông trong tâm trạng hoảng loạn. Mất một hồi trấn tĩnh, cô mới run rẩy kể về cơn ác mộng của mình. Cô bảo, cách đây 2 năm, cô liên tục nằm mơ thấy một bé gái giận dữ túm váy cưới của của cô kéo, giật đến rách toang. Ngày ấy, vì còn quá trẻ, cô cứ nghĩ là do mình quá lo lắng cho đám cưới nên mới sinh hoang tưởng. Vài ngày sau, đùng một cái, chồng chưa cưới đột ngột hủy hôn mà không nói lý do, cô chới với như người rơi xuống vực thẳm. Mất mấy tháng trời khóc lóc, khổ đau, thậm chí nhiều lần định tự tử, cô mới lấy lại được thăng bằng, tìm lại được niềm vui sống. Bây giờ, cô chuẩn bị bước lên xe hoa lần thứ 2. Nhưng suốt mấy ngày nay, cơn ác mộng xưa bỗng nhiên liên tục xuất hiện khiến cô vô cùng hoang mang, sợ hãi. Chợt nhớ đến thai nhi 5 tháng tuổi mà cô từng phá bỏ khi còn là sinh viên với người yêu đầu, cô đã tìm đến ông Khanh để cầu cứu. Một nhà ngoại cảm đã kiều vong linh của thai nhi lên. Vừa nhìn thấy cô gái, nó đã khóc lóc, hờn trách: “Chỉ mong sướng lấy phận mình mà không quan tâm gì đến nó”. Cô gái òa khóc vì ân hận, xót xa. Cô rối rít xin lỗi và hứa sẽ làm lễ cầu siêu cho bé, đứa bé mới thôi khóc, thôi hờn. Ông Khanh bảo: Sau lần đó, cô gái đã lấy chồng. Và năm nào cũng quay lại đó để cầu siêu cho vong nhi.

Một trường hợp khác, quê ở Bắc Ninh, rùng rợn hơn. Vì áp lực phải đẻ con trai để nối dõi tông đường mà chị Kh. đã phải bỏ thai nhi lần thứ 4 khi bác sĩ siêu âm nói là con gái. Nghe bạn bè khuyên, chị đã đến Đền Trần, chùa Hương để cầu nguyện. Cầu được ước thấy, một thời gian sau chị cũng sinh được cậu con trai. Nhưng đứa bé cứ quấy khóc suốt ngày, không ăn, không ngủ, uống sữa vào lại nôn ra. Mỗi lần nôn là mặt mày tím ngắt như bị ai bóp cổ. Linh tính mách bảo, chị bèn đến Trung tâm UIA để gọi vong thai nhi. Qua nhà ngoại cảm, vong hiện về, gào khóc: “Con hận mẹ. Vì yêu con trai hơn mà mẹ nỡ giết bỏ con. Chính con bóp cổ thằng cún không ăn được đấy”. Nghe vậy, chị H sợ hãi, mặt xanh đít nhái. Chị quỳ sụp xuống cầu xin vong thứ lỗi, vì gia đình đằng nội cần có người nối dõi nên mới phải dứt bỏ con. Kể lể, khóc than, van lạy vong nhi cả tiếng đồng hồ, nó mới chịu gật đầu không hại em trai nữa.

Ông Khanh bảo, đó chỉ là một trong vô vàn trường hợp mà ông đã chứng kiến. Theo ông Khanh, mỗi người có một lý do riêng để chối bỏ giọt máu của mình: Người vì hoàn cảnh gia đình, người vì lẫm lỡ, người vì lý do sức khỏe và cả cái tư tưởng cổ hủ “trọng nam khinh nữ” từ thuở nào còn giằng níu đến tận bây giờ. Nhưng xét cho cùng, vì bất cứ lý do gì thì việc phá bỏ thai nhi đều là có tội. Và việc các hài nhi nổi giận, báo oán cũng là lẽ thường. Bởi mỗi bào thai dù mới chỉ vài tháng tuổi đều là những sinh linh, đã có linh hồn. Các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh rằng, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đứa trẻ đã biết cười, biết bày tỏ cảm xúc, thái độ. Cho nên, khi người mẹ mang thai cần phải luôn tạo cuộc sống tươi vui bằng cách như nghe nhạc vui, treo tranh đẹp… Trong trường hợp treo tranh xấu thì đứa con cũng buồn rầu, ủ rũ đi. Rõ ràng, tinh thần của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến đứa trẻ nên ngay từ trong trứng nước đã là một sinh linh cần được nâng niu. Điều này cũng rất gần với quan điểm của nhà Phật. Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ. Cho nên hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người. Một bà mẹ đi phá thai là phạm giới, mắc tội sát sinh, lỗi rất lớn. Vì thế, họ đau khổ, lương tâm dằn vặt và mong muốn sám hối là điều dễ hiểu”.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều người sau khi trót chối bỏ giọt máu của mình đã vô cùng đau khổ, ăn năn, hối lỗi. Có những người bị ám ảnh đến suốt cuộc đời, bị tòa án lương tâm giày xéo nên họ cầu xin được tìm gặp vong hồn như một sự cứu rỗi. Sự ân hận muộn màng này để lại những bài học đắt giá, bởi thực tại thế giới mà chúng ta đang sống, vấn nạn nạo phá thai vẫn còn đang diễn ra vô cùng nhức nhối. Nó đã không còn là chuyện riêng của mỗi người mà của mỗi quốc gia, bị xem là hành động phi đạo đức, thậm chí là tội giết người. Điều đáng buồn là rất nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật chống phá thai nhưng số ca nạo phá thai vẫn tăng lên từng ngày. Riêng ở Việt Nam, thật vô cùng dễ dàng tìm kiếm trên những tuyến phố các phòng khám phụ sản với những biển hiệu quảng cáo to đoành: “Phá thai”, “Nạo hút thai”, “Phá thai bằng thuốc”… Ngày ngày, vẫn từng đợt người lũ lượt kéo đến nạo phá, trong số đó, có rất nhiều cô gái vị thành niên. Theo thống kê của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta, cứ 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai bị phá bỏ. Mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu trẻ em được sinh ra tương ứng với đó con số bào thai bị phá bỏ. Đáng chú ý hơn cả là số trẻ vị thành niên nạo phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các quốc gia dẫn đầu về nạo phá thai. Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, trong 6 năm liên tiếp, tỷ lệ trẻ vị thành niên phá thai trong tổng số những người phá thai tại viện này tăng nhanh qua từng năm. Năm 2007, tỷ lệ này chiếm 3,1% thì đến 2011 là 6,8%, năm 2012 là 6,4%. Chắc chắn ở độ tuổi này, những cô gái vị thành niên sẽ chẳng thể lường trước được những hậu quả đau lòng như những câu chuyện tôi vừa kể trên. Để rồi, đã và sẽ còn biết bao cô gái nhận án vô sinh, tự tay truất quyền làm mẹ. Và sẽ còn biết bao nhiêu bi kịch buốt lòng mà tôi sẽ kể tiếp ở phần sau.

(Còn nữa...)

(Trích trong tập phóng sự sắp ra mắt: NHỮNG CÂU CHUYỆN CÓ THẬT VỀ NHÂN QUẢ VÀ PHẬT PHÁP NHIỆM MÀU" - NXB Hội nhà văn 2017).

Hoàng Anh Sướng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thien-phong-su-dac-biet-ve-nhan-qua-su-oan-han-cua-nhung-vong-hon-thai-nhi-p1-n131245.html