Thiên sử vàng của lịch sử dân tộc

L.T.S: Cách đây 70 năm, quân và dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Đây là chiến thắng được xem như một thiên sử vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đập tan "cánh cửa thép" Him Lam

70 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ tại cứ điểm Him Lam, Độc Lập, các cựu chiến binh luôn tự hào về những ngày tháng trực tiếp tham gia chiến dịch

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, 96 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, kể: "Nếu thời nhà Trần, hai chữ "Sát Thát" được các binh sĩ xăm lên tay trước khi xung trận đánh đuổi quân xâm lược thì thời đại Hồ Chí Minh, chúng tôi đã viết chữ "Quyết chiến, quyết thắng" lên báng súng và vành mũ để đánh giặc".

Quyết đánh quyết thắng

Cứ điểm Him Lam được quân Pháp bố trí rất mạnh gồm 3 cứ điểm nhỏ nằm trên 3 quả đồi liền kề, tạo thế tam giác tựa lưng vào nhau, có thể chống đỡ đối phương từ bốn phía. Pháp tuyên bố Him Lam là "cánh cửa thép" của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 13-3, đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu với nhiệm vụ tiêu diệt 2 cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của địch. Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn với sự tham gia của 2 Trung đoàn bộ binh 141 và 209, đồng thời được tăng cường 2 đại đội sơn pháo 75 mm; 2 đại đội cối 120 mm và được 2 đại đội lựu pháo 105 mm trực tiếp yểm trợ, chi viện.

Đúng 17 giờ 5 phút, Đại đội 806 lựu pháo 105 mm, Tiểu đoàn 954, Trung đoàn 45, Đại đoàn công pháo 351 nhằm thẳng cứ điểm Him Lam nhả đạn. Một viên đạn pháo rơi trúng Sở Chỉ huy Him Lam, giết chết thiếu tá chỉ huy trưởng Paul Pégot cùng 3 sĩ quan khác và cả điện đài. Him Lam mất liên lạc với Mường Thanh ngay từ đầu trận đánh.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp (93 tuổi) ở tổ 20, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, cho biết khi đó ông là khẩu đội trưởng khẩu đội cối 82 thuộc Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. "Trước trận đánh, chúng tôi đều viết quyết tâm thư, xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm, không để trận đánh kéo dài sang ngày hôm sau" - ông Chấp nói.

Dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn và Chính ủy Trần Ðộ, cán bộ, chiến sĩ các Trung đoàn 141 và 209 khẩn trương vận động qua sông Nậm Rốm trên những chiếc cầu vừa được ráp nối, tiến vào chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong. Từ 18 giờ 30 phút, bộ binh ta bắt đầu mở cửa. Khi cửa đã thông, được lệnh của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, trên tất cả các hướng, các chiến sĩ đã dũng mãnh xông lên tiêu diệt địch.

Hướng tấn công chủ yếu của Trung đoàn 141 diễn ra rất ác liệt. Ở mỏm số 2, Tiểu đoàn 428 bị pháo địch bắn chặn, nhưng vẫn kiên quyết dùng bộc phá đánh mở cửa. Ở lô cốt số 2, đại liên địch bắn ra dữ dội, mặc dù trên người có nhiều vết thương nhưng Tiểu đội phó bộ binh thuộc Ðại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141 Phan Ðình Giót vẫn cố chịu đựng, dùng súng bắn kiềm chế hỏa lực địch. Hỏa điểm số 2 của địch bắn chặn quyết liệt, lực lượng xung kích của ta ùn lại không tiến lên được. Phan Ðình Giót dù bị thương nặng vẫn cố sức lê dần tới hỏa điểm, sát lô cốt thì bất ngờ đứng dậy lấy thân mình lấp vào lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực từ khẩu đại liên đang nhả đạn của địch và anh dũng hy sinh để đồng đội tiến lên.

Ðến 23 giờ 30 phút ngày 13-3, Ðại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo lên Bộ Tư lệnh mặt trận đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Ta hy sinh 62 cán bộ, chiến sĩ.

Tiếp đó, đêm 14, rạng sáng 15-3, ta mở đợt tiến công vào trung tâm đề kháng đồi Độc Lập. Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) được tăng cường 2 đại đội sơn pháo 75 mm, 2 đại đội cối 120 mm, dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ.

Ông Bùi Kim Điều (94 tuổi), ngụ đường 13-3, tổ dân phố 9, phường Him Lam, kể rằng khi đó ông là chiến sĩ liên lạc thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165. Trước trận đánh, cán bộ, chiến sĩ viết quyết tâm thư "quyết đánh quyết thắng, không thắng không về" lên mẩu giấy nhỏ rồi cài trên mũ, tiến vào trận địa. Đúng 2 giờ ngày 15-3, pháo và cối 120 mm bắt đầu bắn phá. 3 giờ 30 phút, Chỉ huy trưởng mặt trận ra lệnh nổ súng tiến công đồi Độc Lập.

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm và sức tiến công áp đảo, đến 6 giờ 30 phút sáng 15-3, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Độc Lập. Hệ thống phòng thủ tiền tiêu của địch trên hướng Bắc và Đông Bắc đã bị đập tan.

Bộ đội ta xông lên tấn công và tiêu diệt địch tại cứ điểm Him Lam ngay trong ngày mở đầu chiến dịch chiều 13-3-1954Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN

Bộ đội Đại đoàn công pháo 351 và Đại đoàn 312 kéo pháo vào trận địa tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN

Hành trình gian khổ, hiểm nguy

Cựu chiến binh pháo cao xạ Phạm Đức Cư, 94 tuổi, nguyên trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351, cho biết sáng 21-12-1953, Đại đoàn 351 và Trung đoàn Pháo cao xạ 367 nhận lệnh tham gia chiến dịch. Từ Tuyên Quang, sau 17 ngày đêm hành quân vất vả, vượt qua phà Tà Khoa, đỉnh Lũng Lô, các đèo Cò Nòi, Pha Đin trên chặng đường dài 500 km, sáng sớm 8-1-1954, lực lượng quân cơ giới của Đại đoàn 351 đã đến Tuần Giáo, khu vực tập kết chiến dịch. Để tiếp cận các cứ điểm của địch, Tiểu đoàn 394 được lệnh để lại xe cơ giới, kéo pháo bằng sức người vào lòng chảo Mường Thanh.

Ông Cư không bao giờ quên chặng đường gian khổ, hiểm nguy khi kéo pháo từ xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên) vào lòng chảo Mường Thanh. Đường đèo lúc ấy mới mở rất hẹp, dốc, có những đoạn trơn trượt, một bên là vực thẳm. Mỗi khẩu pháo nặng khoảng 2,4 tấn, để kéo được vào trận địa phải cần 80-100 người. Nhằm bảo đảm bí mật, việc kéo pháo tiến hành trong đêm. Sau gần 10 đêm, hàng chục khẩu pháo đã được kéo vào trận địa. Nhưng chưa hoàn lại sức thì hôm sau toàn đơn vị nhận được lệnh, ngay trong đêm 26-1-1954, phải kéo pháo ra khỏi trận địa.

"Chúng tôi hết sức bàng hoàng khi nghe Chính trị viên Tiểu đoàn Phạm Đăng Ty thông báo tình hình có nhiều thay đổi, ta không thể áp dụng đánh nhanh, thắng nhanh mà chuyển sang đánh chắc, tiến chắc. Kéo pháo vào trận địa đã vất vả, kéo pháo ra còn gian nan gấp bội vì đói, rét, mất ngủ…" - ông Cư kể.

Nhắc đến tấm gương của anh hùng Tô Vĩnh Diện, ông Cư giọng chùng xuống. Đó là ngày 1-2-1954 (tức đêm 28 Tết Giáp Ngọ), Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 của anh Tô Vĩnh Diện kéo pháo ra đến dốc Chuối ở rừng Pá Có, sườn phía tây Pha Sung, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên. Đường hẹp, bên núi cao bên vực sâu, có đoạn dốc dựng đứng 60-70 độ. Trời mưa phùn, tối như bưng, pháo xuống dốc thận trọng, bỗng có tiếng "phựt', dây tời hãm bị đứt, pháo bắt đầu lao.

Lúc đó, Tiểu đội trưởng Tô Vĩnh Diện cùng một người phụ trách điều khiển càng pháo để định hướng. Bỗng một quả đạn của địch nổ ngay gần đó, mảnh đạn văng trúng và cắt phăng dây tời, khẩu pháo đang thả dây xuống dốc mất thăng bằng quay ngang. Anh Tô Vĩnh Diện hét lên: Các đồng chí ơi, hãy cứu lấy pháo!. Tiếp đó, anh Diện lấy hết sức dùng 2 tay nắm chặt càng pháo cố gắng đẩy hướng đâm vào taluy dương của vách núi. Cản được pháo lăn xuống vực nhưng anh Diện bị bánh xe của khẩu pháo nặng 2,4 tấn đè lên ngang ngực.

Trước lúc hy sinh, anh Diện vẫn cố dùng chút hơi sức ít ỏi còn lại để hỏi các đồng đội: Pháo có sao không?. Ông Cư cùng đồng đội ai cũng rơi nước mắt vì tiếc thương đồng đội. Rạng sáng 4-2-1954, với nỗ lực và quyết tâm của bộ đội pháo binh, những khẩu pháo cuối cùng được kéo về vị trí tập kết để phục vụ chiến dịch.

(Còn tiếp)

Người đào hầm trận đánh Đồi A1

Đại tá Dương Chí Kỳ, cựu chiến binh Chiến dịch Điện Biên Phủ (SN 1935, quê Hà Tĩnh), xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1953, ông gia nhập lực lượng Thanh niên Xung phong. Đầu năm 1954, ông bước vào hàng ngũ quân đội và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đã 70 năm trôi qua, nhưng ông Dương Chí Kỳ vẫn nhớ như in những ngày tháng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Kỳ nhớ lại: "Đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đơn vị tôi ở Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 chiến đấu ở phía Đông đồi A1. Trong những ngày ở chiến trường, mỗi ngày, tôi và các đồng đội "Khoét núi, ngủ hầm", ban ngày vào rừng chặt gỗ, chiều tối vác gỗ, cuốc xẻng đi đào hầm để chuẩn bị cuộc tổng tấn công đánh phá vào Đồi A1".

Trong 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 đóng vai trò chủ công trong các đợt tấn công, góp phần vào việc làm chủ hoàn toàn Đồi A1. "Trung đoàn tôi được bố trí ngoài Đồi A1, làm hầm và chuyển đạn, chuyển pháo… từ tối 5-5. Tối 6-5 tham gia cùng hỏa lực binh chủng, pháo binh tấn công vào Đồi A3, A1, Mường Thanh, đến chiều 7-5 thì quân Pháp xin đầu hàng" - ông Kỳ tự hào.

Q.Trâm - H.Yến - Q.Liêm

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thien-su-vang-cua-lich-su-dan-toc-196240501194422315.htm