Thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích và thiệt hại trên 9.324 tỷ đồng

Sáng 10-5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang-Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2024.

Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế (bìa trái) dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Minh Hoan-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Cụ thể, làm 1.298 nhà sập đổ, 17.694 nhà hư hỏng, tốc mái; 192.727 ha lúa, hoa màu, 26.921 ha cây trồng khác bị ngập úng, thiệt hại; 3.658 con gia súc; 283.645 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 4.312 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 252 lồng bè bị thiệt hại; 292 km đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng hơn 4,3 triệu m3 đất, đá, bê tông; 181 cầu tạm bị hư hỏng, cuốn trôi.

Nhiều hồ thủy lợi ở Gia Lai khô cạn khiến người nông dân phải gồng mình chống hạn. Ảnh: Lê Nam

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời, nhất là hỗ trợ sửa chữa nhà ở, thông tuyến tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt,...; kịp thời hỗ trợ 4.000 thùng mì tôm đến nhân dân vùng bị thiệt hại do mưa lũ tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế; hỗ trợ tiền mặt thông qua bưu điện cho các hộ dân khắc phục hậu quả lũ quét tại Lào Cai; Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng cho 43 tỉnh, thành phố để phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở; các địa phương đã ưu tiên, sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động PCTT với tổng kinh phí trên 3.070 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và PTNT xuất cấp 100 tấn hạt giống lúa, 67 tấn hạt giống bắp, 10 tấn hạt giống rau, 56 tấn và 10.000 lít thuốc hóa chất sát trùng gia súc, gia cầm, thủy sản cho các địa phương để kịp thời ổn định sản xuất sau thiên tai.

Riêng tại Gia Lai, năm 2023 thiệt hại hơn 75,1 tỷ đồng (thiệt hại do hạn hán hơn 12 tỷ đồng; thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn khoảng 53,2 tỷ đồng; thiệt hại do sương muối khoảng 9,9 tỷ đồng); các tháng đầu năm 2024 thiệt hại 26,387 tỷ đồng (thiệt hại do dông, lốc, sét 4,736 tỷ đồng; thiệt hại hạn hán 21,651 tỷ đồng).

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến nhiều ao, hồ ở Gia Lai cạn trơ đáy. Ảnh: Lê Nam

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7-9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn trên biển Đông; 5-7 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão; lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các sông suối nhỏ Bắc Bộ ở mức báo động 2-3; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, cảnh giác trong công tác PCTT-TKCN từ Trung ương đến địa phương và đã triển khai tốt công tác khắc phục hậu quả thiên tai; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai có nhiều tiến bộ; cơ chế chính sách đã được điều chỉnh kịp thời… Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại đó là: Trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn trong khi diễn biến thiên tai cực đoan, bất thường; việc xây dựng kế hoạch, phương án PCTT của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai; công tác kiểm tra, giám sát một số nơi chưa tốt cần phải chấn chỉnh; một số quy định của pháp luật về PCTT còn chồng chéo; trên bình diện chung của cả nước khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN còn hạn chế.

Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2024 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

“Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục kiện toàn bộ máy, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật để phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; nâng cao công tác thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong PCTT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt trước mùa mưa bão và rà soát tính toán lại để các kịch bản hợp lý nhất; cố gắng huy động đầu tư và các nguồn lực khác cho khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn các tổ chức quốc tế đồng hành với Việt Nam trong việc trao đổi thông tin dự báo, đào tạo chuyên môn trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; đầu tư trang bị cho hỗ trợ PCTT”-Phó Thủ tướng Chính phủ thông tin thêm.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thien-tai-lam-1129-nguoi-chet-mat-tich-va-thiet-hai-tren-9324-ty-dong-post277055.html