Thiên tài vật lý không vợ, thích sơn móng tay màu hồng

Nhà vật lý, toán học nổi tiếng người Anh, Oliver Heaviside, thích mặc kimono hồng, sơn móng tay màu hồng khi ông bước sang tuổi xế chiều.

Thiên tài vật lý, toán học Oliver Heaviside.

Oliver Heaviside (18/5/1850 – 3/2/1925) là nhà khoa học, nhà toán học, nhà vật lý và kỹ sư điện người Anh. Ông đã phát triển các kỹ thuật toán học phức tạp để phân tích mạch điện và giải phương trình vi phân. Oliver Heaviside là người đã phát minh ra kỹ thuật toán học khi giải quyết các khác biệt của phương trình. Ông cũng là người trình bày lại phương trình trường Maxwell về điện. Bên cạnh đó, ông còn có công xây dựng cách phân tích tính vector.

Khi còn nhỏ, Heaviside mắc chứng ban đỏ. Lần ốm đó đã biến ông trở thành đứa trẻ khiếm thính. Dẫu vậy, Heaviside vẫn học rất giỏi. Bác Heaviside là Charles Wheatstone, nổi tiếng vì là nhà đồng phát minh ra điện báo. Ông thực sự thích thú trước khả năng tiếp thu của Heaviside và có ảnh hưởng đặc biệt đến cậu bé khiếm thính.

Heaviside rời trường học năm 16 tuổi vì kinh tế thiếu thốn và học tại nhà các môn điện báo và điện cho đến khi ông 18 tuổi. Sau đó ông làm việc tại Công ty Đại Bắc của Đan Mạch. Với tài năng của mình, ông dần trở thành người điều hành chính ở đây.

Heaviside vừa làm việc vừa thực hiện các nghiên cứu. Khi ông 21 tuổi, Heaviside đã xuất bản một số nghiên cứu liên quan đến các mạch điện và điện báo. Năm 1874, khi 24 tuổi, ông nghỉ việc, trở về nhà ở London tự nghiên cứu. Ông sống độc thân và trọn đời cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Vì những cống hiến về toán học và vật lý, Hội Hoàng gia Anh năm 1891 công nhận ông là ủy viên. Năm 1905, Đại học Göttingen (Đức) trao cho ông bằng tiến sĩ danh dự. Năm 1922, Oliver Heaviside trở thành người đầu tiên được nhận Huân chương Faraday (Huân chương mang tên nhà vật lý hóa học nổi tiếng Michael Faraday (22/9/1791 - 25/8/1876)).

Thích sơn móng tay màu hồng

Oliver Heaviside mắc chứng hypergraphia, một căn bệnh ở não khiến người ta ham viết lách quá độ. Những năm cuối đời, tính cách của ông trở nên thất thường, lập dị. Ông thường mặc bộ kimono hồng và cũng thích sơn móng tay màu hồng. Một lần, ông dọn hết đồ đạc trong nhà và thay chúng bằng đá granit. Thậm chí, trong vài ngày, ông chỉ uống sữa để tồn tại.

Những năm cuối đời, sức khỏe của nhà khoa học rất kém. Cuối năm 1924, ông ngã cầu thang. Tuy nhiên, ông không chịu để bác sĩ chữa trị. Tháng 1/1925, bạn bè ông gọi cảnh sát vì họ gọi cửa nhưng không thấy ông ra mở. Vào nhà, mọi người thấy ông bất tỉnh trên giường.

Ngày 3/2/1925, ông qua đời, hưởng thọ 75 tuổi. Heaviside được chôn cạnh cha mẹ tại nghĩa trang Devon (Anh). Sau khi Heaviside qua đời, người ta còn tìm thấy một số tài liệu nghiên cứu quý mà ông chưa công bố trong nhà ông.

Đỗ Quyên

Theo Tri Thức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thien-tai-vat-ly-khong-vo-thich-son-mong-tay-mau-hong-post344729.html