Bài trí bàn thờ gia tiên theo phong thủy đón năm mới

Bàn thờ gia tiên là nơi yên tĩnh và linh thiêng, vì thế khi bố trí bàn thờ cần đảm bảo các yếu tố phong thủy để gia đình gặp may mắn và bình an.

Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam, nhằm thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên. Khi bài trí bàn thờ, cần biết lựa chọn, sắp xếp vị trí hợp lý để gia đình luôn ấm êm, hạnh phúc và may mắn.

Không kê bàn thờ gần nhà vệ sinh, nhà tắm

Bàn thờ là nơi linh thiêng nhất trong nhà. Vì vậy, khi kê bàn thờ gia chủ tuyệt đối không được kê gần nhà vệ sinh, phòng tắm hay khu vực ô nhiễm như gần cống thải… Điều này sẽ làm ô uế không gian thiêng liêng. Nếu nhà quá chật chội thì nên chọn chỗ cao và tránh xa tối đa những chỗ không sạch sẽ.

Khi bài trí bàn thờ cần tuyệt đối tránh xa nhà vệ sinh

Khi bài trí bàn thờ cần tuyệt đối tránh xa nhà vệ sinh

Không đặt bàn thờ quá lộ liễu

Không gian thờ cúng cần đảm bảo tính tôn nghiêm, trang trọng. Vì vậy, tuyệt đối không nên để người ngoài bước vào nhà là nhìn thấy hết bàn thờ, bài vị và hình ảnh tổ tiên. Nếu nhà có nhiều tầng, bàn thờ nên đặt ở tầng trên cùng. Phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không có các phòng ốc khác đè lên.

Phía trước bàn thờ là các gian trang trọng, phía sau là cầu thang hoặc các không gian như sân phơi, kho. Trong trường hợp đặt bàn thờ ở tầng dưới hoặc tầng giữa nên tránh phía dưới bàn thờ là bếp lửa; phía trên là nhà tắm, nhà vệ sinh, giường ngủ hoặc các vật nặng nề đè lên.

Còn đối với nhà chung cư, nếu đặt bàn thờ và phòng khách cùng một mặt bằng thì cần có có vách ngăn hoặc tấm bình phong ngăn cách giữa không gian thờ và phòng tiếp khách. Điều này để tránh các tầm nhìn trực tiếp vào khu thờ tự.

Không kê bàn thờ hướng trực tiếp với cửa

Khi bài trí bàn thờ, gia chủ nên tránh kê bàn thờ hướng trực tiếp với cửa ra vào hoặc phía dưới cửa sổ. Bởi theo quan niệm phong thủy, điều này sẽ làm thoát khí khiến chủ nhà không gặp may mắn. Trong trường hợp diện tích ngôi nhà khiêm tốn, bàn thờ nhìn thẳng với lối cửa vào hoặc đặt tại vị trí mà nhiều người quan sát và nhòm ngó thấy, cần phải làm rèm che lại phía trước và hai bên.

Bàn thờ kê đối diện trực tiếp với cửa sổ hoặc cửa ra vào sẽ làm thoát khí khiến chủ nhà không gặp may

Không đặt bàn thờ ở lối đi lại

Bàn thờ là nơi cần yên tĩnh, thanh tịnh. Vì vậy đặt ở gần lối đi lại ồn ào sẽ khiến gia chủ không gặp may, hao tán tài lộc. Bên cạnh đó, cũng không nên đặt phòng thờ cạnh hoặc dưới phòng trẻ em, sân chơi sẽ làm mất đi sự tĩnh tại cần thiết cho không gian thờ cúng.

Bàn thờ phải luôn sạch sẽ, thông thoáng

Nơi thờ cúng cần được lau chùi sạch sẽ và thường xuyên thắp nhang. Không gian đặt bàn thờ phải đủ thông thoáng. Gia chủ không nên đặt bàn thờ quá cao hoặc quá thấp. Bàn thờ đặt quá cao gây khó khăn cho việc thờ cúng, trong khi đó bàn thờ thấp lại thiếu tính trang nghiêm. Trong trường hợp bàn thờ cao phải đảm bảo khoảng cách tới trần không quá gần, tránh quẩn khói và gây ám vàng trần.

Tăng thêm sinh khí cho nơi thờ tự bằng cây xanh

Để tăng thêm sinh khí cho nơi thờ tự, gia chủ có thể bố trí thêm một hoặc hai cây xanh. Nên lựa chọn cây kim tiền, phát lộc hoặc một số loài cây dễ sống. Không nên lựa chọn cây có gai nhọn, khó sống để tránh trường hợp đang trồng thì chết.

Bài trí cây xanh gần bàn thờ giúp tăng sinh khí và tài lộc cho gia chủ

Lưu ý khi bài trí trên bàn thờ gia tiên

Trong cách bày biện bàn thờ, người ta thường bố trí vị trí cao nhất, chính giữa phía trong cùng là nơi để Bài vị - là tấm bia gỗ ghi tên, thụy hiệu của các đối tượng được thờ cúng, nếu cầu kỳ thì bài vị này có thể được đặt trong một ngai thờ, hoặc một khám thờ. Do hầu hết các gia đình đều chỉ có một nơi thờ tự, do đó sẽ “phối thờ” cả gia tiên nhiều đời và cả thần linh, cho nên thường thì vị trí này là bài vị chung cho tất cả. Hai bên Bài vị chung, thì bố trí hoặc bài vị, hoặc ảnh thờ của những người đã khuất thân cận trong gia đình như ông bà, cha mẹ v.v.. tùy theo ngôi thứ mà đặt cho đúng trái, phải, trước, sau.

Trước các bài vị bố trí lư hương, tùy theo kích cỡ bàn thờ, mà chọn cho vừa. Thông thường, để cho đẹp, thì lư hương ở chính giữa có kích thước lớn nhất. Trên bàn thờ nhất thiết phải có 2 ngọn đèn, hoặc đèn dầu, hoặc nến, để đốt lên mỗi khi hành lễ. Trên bàn thờ, phía phải và phía trái sẽ bố trí thêm bình hương, lọ hoa, mâm bồng, đế đèn.

Ngoài các hạng mục thiết yếu như trên, thì tùy theo điều kiện của từng gia đình mà có thể có thêm các đồ thờ tự quý giá khác như Đỉnh đồng, Chân đèn, Song hạc v.v. Tất cả đều được bố trí trong khoảng không gian phía trước lư hương, thấp hơn và phải sắp xếp sao cho cân đối theo nguyên tắc Âm-Dương “tả dương, hữu âm” “tả nam, hữu nữ”...

Mâm ngũ quả là phần không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết

Hoa trên bàn thờ có hoa cắm bình và hoa để trên đĩa, đối với bàn thờ ngày Tết, người ta thường duy trì cả hai loại này. Ngoài ra, để mang đậm không khí xuân cổ truyền, thường cắm một cành đào, hoặc một cành mai trong lọ sứ lớn đặt trên bàn thờ. Các loại hoa được chọn để lên bàn thờ, thường là các loại hoa có mùi hương thơm, như hoa huệ, hoa ly, hoa cúc... tránh những loại hoa có gai sắc nhiều sát khí, hoặc những loại hoa có mùi quá gắt.

Mâm ngũ quả - Đây là phần không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết, với ý nghĩa tượng trưng cho số 5, đại diện cho “ngũ hành” kim – mộc – thủy- hỏa – thổ, đại diện cho “ngũ thường” : Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín”... Người ta sẽ chọn 5 loại trái cây có bố cục và màu sắc hợp lý để bày biện cho đẹp mắt.

Đặc biệt là chuối và bưởi là không thể thiếu vì nó tượng trưng cho vuông-tròn, âm-dương. Tuy là 5 thứ quả, nhưng cũng không nên tùy tiện, các thứ quả được lựa chọn phải tròn trịa, có hương, có sắc. Tránh những thứ quả có gai, có lá sắc để không mang sát khí, hoặc những quả có mùi thơm không thuần phác như dứa, mít, sầu riêng…

Theo phong tục cổ truyền của người Việt thì bánh chưng, bánh dày là hai thứ tượng trưng cho Trời – Đất, nó cũng là thứ bánh làm bằng lương thực, tượng trưng cho sự no ấm, thịnh vượng, là lễ vật không thể thiếu. Khi bày lễ, chú ý rằng bánh chưng phải để theo cặp (2 chiếc) cho trọn vẹn quan hệ phu - phụ thuận hòa. Ngoài các lễ vật trên, thì sẽ có thêm đĩa trầu cau, chén nước, và các loại bánh trái, vật thực khác.

Kim Trang (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bai-tri-ban-tho-gia-tien-theo-phong-thuy-don-nam-moi-d81855.html