Thiết bị công nghệ của Việt Nam lạc hậu 2 - 3 thế hệ

VietTimes -- "Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khóa trước đã từng khẳng định: "Có khả năng Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ nếu không có hàng rào kỹ thuật".

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Sửa luật để cải thiện trình độ công nghệ

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Chuyển giao công nghệ đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế…

Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu phát, những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

“Luật Chuyển giao công nghệ sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ. Trước đòi hỏi của thực tiễn, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ là cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển thị trường khoa học-công nghệ”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu.

Phát biểu thảo luận về dự án Luật, ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ phải được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việc sửa đổi Luật cần hướng tới mục đích cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ; duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh để trụ vững trên thị trường nội địa, vươn tới thị trường khu vực và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong xây dựng dự án Luật, cần hết sức quan tâm đến việc kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, xác định, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn tác động của Luật khi được ban hành.

Quy định cụ thể về công nghệ cấm nhập, cấm chuyển giao

Đưa ra những dẫn chứng về các vụ việc ô nhiễm môi trường vừa qua liên quan đến những kẽ hở trong quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất dự án Luật cần có quy định cụ thể về những công nghệ nào cấm nhập, công nghệ nào hạn chế chuyển giao. Quan tâm tạo điều kiện trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam và khắc phục tình trạng “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, chính sách ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; quản lý đăng ký đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; việc thành lập, phát triển các trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ;... cũng là những vấn đề lớn được nhiều ý kiến đại biểu đề cập trong thảo luận.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam với sự tham gia của gần 70% dân số trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần đặc biệt chú trọng việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực này, nhất là việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cho bà con nông dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sau thu hoạch,… Vì thế, dự thảo luật cần làm rõ quy định về các nội dung hỗ trợ về tín dụng, tài chính đối với việc đổi mới, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp và hoạt động liên kết giữa tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương với tổ chức khoa học công nghệ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu.

Viettimes.vn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/cong-nghe/thiet-bi-cong-nghe-cua-viet-nam-lac-hau-2-3-the-he-76551.html