Thiệt hại cả người tiêu dùng và người chăn nuôi

(HNM) - Trong tháng 7-2013, Chi cục Thú y Hà Nội bắt giữ và tiêu hủy 285kg gia cầm, 99kg thịt động vật các loại không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không bảo đảm ATVSTP.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng vừa phát hiện trong 5 mẫu gà làm sẵn có tồn dư chất kháng sinh cloramphenicol... Tình hình trên cho thấy tình trạng vi phạm ATVSTP trong chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật đang có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và người chăn nuôi...

Gà không rõ nguồn gốc bày bán ngang nhiên tại các chợ tạm. Ảnh: Trí Minh

Gà không rõ nguồn gốc vẫn tiêu thụ mạnh

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng, 5 mẫu gà làm sẵn vừa bị cơ quan chức năng phát hiện có nhiễm cloramphenicol là một loại kháng sinh độc hại từ lâu đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi cũng như bảo quản thực phẩm vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí có thể gây tử vong. Còn theo Cục Thú y, 100% mẫu thịt gia cầm nhập lậu được kiểm tra, xét nghiệm đều tồn dư kháng sinh cao gấp hàng chục lần cho phép. Nhưng hầu hết người tiêu dùng trong nước vẫn tỏ ra thờ ơ, thiếu sự quan tâm cần thiết. Tại hầu hết các địa phương, nhất là những nơi có nhiều chợ dân sinh, người tiêu dùng vẫn vô tư mua, sử dụng gà và thịt gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm các yêu cầu ATVSTP.

Tại Hà Nội, ở hầu hết các chợ, khu dân cư đều bày bán gà làm sẵn. Theo ông Cấn Xuân Bình - quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, sở dĩ vậy là do thói quen của người tiêu dùng Thủ đô thích dùng "hàng tươi" mua tại chỗ, không chuộng gà giết mổ theo quy trình công nghiệp, bảo đảm ATVSTP được bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại... Trong khi đó, tình trạng buôn bán gà lông tại các chợ lại chưa kiểm soát được. Nhiều người kinh doanh còn giết mổ gà ngay tại nơi bán chỉ với một nồi nước nhỏ, lông gà và phế thải vứt bừa bãi, rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh công tác kiểm soát thú y còn yếu, chính quyền cơ sở nhiều nơi thiếu quan tâm, việc xác định các loại gà làm sẵn hay gà lông bày bán trên thị trường có đạt chất lượng hay không vẫn chủ yếu dựa vào cảm quan, trong khi theo quy định cần phải lấy mẫu xét nghiệm mới có thể kết luận chính xác.

Cần có thông tin rõ ràng

Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) Trần Văn Chiến cho biết, thông tin gà làm sẵn có nhiễm chất kháng sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khiến việc tiêu thụ thịt gà những ngày gần đây giảm hẳn, trong khi người nuôi gà đang bị lỗ trầm trọng vì giá thấp. So với giá thành, hiện giá gà lông trắng bán ra ở mức 31.000 đồng/kg, lỗ 2.000 đồng/kg; gà lông màu có giá 42.000 đồng/kg, lỗ 3.000 đồng/kg; gà ta thả đồi dao động ở mức 80.000 đồng/kg, lỗ 5.000 đồng/kg. Giá thấp nhưng sức tiêu thụ không tăng mà giảm từ 20 đến 30% so với thời điểm đầu năm nên người chăn nuôi đang hết sức khó khăn. Ông Chiến cho rằng, việc thông tin về tình trạng gà tồn dư kháng sinh đến người tiêu dùng là cần thiết nhưng cơ quan chức năng cần phải nói rõ loại gà nào nhiễm kháng sinh, gà lông trắng, lông màu, gà ta thả vườn hay gà đẻ trứng thải loại, nếu không người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với tất cả các loại gà. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh ngăn chặn gà nhập lậu tại các cửa khẩu để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

Không riêng gì người chăn nuôi mà người buôn bán gà cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Phạm Đình Thông, chuyên buôn bán gà đồi thả vườn ở huyện Ba Vì, cho biết, các tháng trước trung bình mỗi ngày ông đi mua gà đồi của bà con trong dân với giá 90.000 - 100.000 đồng/kg và tiêu thụ khoảng 2-3 tạ gà/ngày, nhưng từ khi có thông tin gà làm sẵn có tồn dư chất kháng sinh thì giá gà giảm khoảng 10%, sức tiêu thụ gà lông cũng giảm rất mạnh, hiện mỗi ngày ông chỉ giao bán buôn cho các thương lái dưới trung tâm Hà Nội khoảng trên 1 tạ. Do đó, Nhà nước thông tin cho người dân cần nói cụ thể là các mẫu kiểm tra được thu thập ở vùng biên giới hay tỉnh, thành, địa phương nào.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/604751/thiet-hai-ca-nguoi-tieu-dung-va-nguoi-chan-nuoi