Thiết lập cơ chế giám sát chặt dự án BT

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia thể hiện rõ sự lo lắng đối với các dự án BT đang rộ lên hiện nay.

Dự án BT cần được quản lý chặt ngay từ giai đoạn thi công, không phó mặc nhà đầu tư. Ảnh: Tường Lâm

Cảnh báo được nhiều chuyên gia đưa ra là nếu lạm dụng hình thức BT mà làm không tốt và bị chi phối bởi lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu, thì sẽ còn mang đến những hệ lụy tồi tệ hơn những vấn đề của BOT. Bởi BT đang thiếu sự giám sát vô cùng quan trọng và hữu hiệu - sự giám sát từ người dân.

Cần quản chặt như dự án đầu tư công truyền thống

Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án BOT trải qua giai đoạn vận hành, kinh doanh mấy chục năm. Trong suốt thời gian đó, còn có người dân, doanh nghiệp phản ánh nếu có sự bất hợp lý. Nhìn lại vấn đề BOT gây sốt gần đây, chính từ những bức xúc của các doanh nghiệp, truyền thông phản ánh, mà có vào sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng để giám sát, đánh giá lại, nhận diện đầy đủ những mặt tồn tại của BOT.

Còn BT, người dân dường như ngoài cuộc, cảm thấy lợi ích của mình không liên quan đến dự án. Khi bỏ tiền đóng phí BOT không hợp lý, chúng ta cảm thấy bức xúc và phản ánh, nhưng khi một mảnh đất bị định giá rẻ mạt, đó là chuyện “cha chung không ai khóc”. Thậm chí, đôi khi chúng ta còn ngỡ mình được hưởng lợi từ dự án BT, từ hạ tầng mà nhà đầu tư xây dựng. Chính vì thiếu sự giám sát hữu hiệu từ người dân, dự án BT cần sự giám sát chặt chẽ khác.

Ông Lê Văn Tăng khuyến nghị, dự án BT phải được quản lý, giám sát chặt như dự án đầu tư công truyền thống. Dự án BOT, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trong suốt vòng đời dự án, nếu chất lượng công trình kém phải sửa mới được thu phí. Còn dự án BT, nhà đầu tư làm xong bàn giao ngay cho Nhà nước, hết thời hạn bảo hành là nhà đầu tư không còn trách nhiệm với dự án nữa. Vì thế, với dự án BT, cơ quan nhà nước cần quản lý chặt ngay từ giai đoạn thi công, không phó mặc nhà đầu tư thực hiện.

Không nên để nhà đầu tư tự vẽ dự án

Theo các chuyên gia, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị chi phối bởi lợi ích nhóm hoặc chỉ cần thiếu sự đánh giá đầy đủ, thiếu trách nhiệm trong phê duyệt dự án, dự án BT có thể tiềm ẩn nguy cơ thất thoát kép ở hai đầu: định giá công trình BT cao và định giá đất thấp. Nguy cơ này đặc biệt lớn với những dự án BT do nhà đầu tư đề xuất, mà hiện nay hầu hết dự án BT là do nhà đầu tư đề xuất. Nhà đầu tư tự “vẽ” dự án, công trình thế này quỹ đất bàn giao thế kia, cơ quan nhà nước chỉ thẩm định, phê duyệt. Và nếu cơ quan nhà nước không làm hết trách nhiệm, không công tâm, thì nguy cơ thất thoát là nhãn tiền.

TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nếu dự án BT do cơ quan nhà nước đề xuất, chuẩn bị dự án, sau đó mang ra đấu thầu rộng rãi thì mới có thể lựa chọn được nhà đầu tư tốt.

Theo ông Vinh, hiện quy định là dự án BT do nhà đầu tư đề xuất vẫn phải đưa ra đấu thầu rộng rãi. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, nhà đầu tư khác sẽ e ngại, không muốn vào, vì ai cũng hiểu, để nhà đầu tư được lập đề xuất dự án, được duyệt dự án thì nhà đầu tư đó đã phải có mối quan hệ từ trước với cơ quan nhà nước.

Ông Vinh cũng cho rằng, điều then chốt để Nhà nước không bị mất quá nhiều trong dự án BT là Nhà nước phải có tư duy kinh doanh trong việc tạo nguồn thu để đầu tư hạ tầng, phải sử dụng tài sản hiệu quả hơn. Cơ quan nhà nước phải định giá đất theo nguyên tắc thị trường, phải có sự tính toán đầy đủ giá trị tài sản của mình trước khi trả cho nhà đầu tư.

Còn theo ông Lê Văn Tăng, để ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư với dự án BT hơn, nên theo hướng làm xong công trình BT mới giao đất. Trong một số trường hợp có thể giao đồng thời, nhưng nguyên tắc là giá đất phải tính là giá sau khi công trình BT hoàn thành. Ví dụ công trình BT là xây dựng đường, sau đó nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất hai bên đường, thì phải tính giá đất là giá khi con đường hoàn thành.

Nguyệt Minh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/thiet-lap-co-che-giam-sat-chat-du-an-bt-50361.html