Thiết lập môi trường kinh doanh liêm chính, loại bỏ “thuế ẩn”

Tham nhũng hủy hoại sự liêm chính, tồn tại như một loại “thuế ẩn”, làm nản lòng các nhà đầu tư và cuối cùng khóa chặt một quốc gia trong nghèo đói… Các chuyên gia cho rằng, bước sang năm 2017, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm để là điểm đến đầu tư tin cậy, hấp dẫn….

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, tình hình thế giới đang có nhiều biến chuyển nhanh, phức tạp khó lường, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đòi hỏi các nền kinh tế APEC phải cùng chung sức giải quyết. Ảnh: Hương Giang

Thúc đẩy chống tham nhũng trong khu vực tư

Việt Nam sẽ là nước chủ nhà, đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong năm 2017. Sự kiện được coi như một cơ hội vàng, một cú hích mang tầm chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 nhấn mạnh: Với thế và lực sau 30 năm đổi mới, Việt Nam mong muốn và sẽ đóng góp thiết thực hơn cho Diễn đàn APEC, mang lại những lợi ích thực chất cho DN, nhân dân trong khu vực.

Ở góc độ Nhóm Công tác về chống tham nhũng và bảo đảm minh bạch của APEC (ACTWG), Thanh tra Chính phủ (TTCP) - cơ quan đầu mối của Việt Nam đang cùng các cơ quan hữu quan, chuẩn bị tích cực và sẵn sàng cho công tác đăng cai các hoạt động của Nhóm.

Trong năm 2017, Việt Nam thúc đẩy nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết trong APEC về minh bạch hóa và phòng, chống tham nhũng (PCTN); xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch; thúc đẩy các tiêu chuẩn chống tham nhũng trong khu vực tư và các sáng kiến liêm chính trong kinh doanh.

“Việt Nam cũng xây dựng các hành động tập thể của doanh nghiệp (DN) nhằm PCTN hiệu quả, thúc đẩy cơ chế khuyến khích và bảo đảm sự tham gia PCTN tích cực, hiệu quả và an toàn của DN và người dân; đẩy mạnh kết nối giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các nền kinh tế thành viên APEC góp phần thúc đẩy hợp tác chia sẻ thông tin, dẫn độ, tương trợ tư pháp liên quan đến tội phạm, buôn lậu, tham nhũng và rửa tiền”, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của TTCP Trịnh Như Hoa cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những vấn đề thúc đẩy trong Năm APEC về PCTN, không chỉ thể hiện cam kết thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), cam kết trong khuôn khổ hợp tác trong khu vực mà còn thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam hướng đến xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, tin cậy và hấp dẫn.

Loại bỏ lợi dụng “quan hệ” không lành mạnh

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế của TTCP phân tích, một trong những quan ngại lớn nhất của nhà đầu tư chính là môi trường đầu tư kinh doanh không bảo đảm minh bạch, có sự bất bình đẳng khi còn những rào cản, yếu tố tạo ra nguy cơ tham nhũng hiện hữu.

“Dự thảo Luật PCTN sửa đổi, chúng ta cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả khu vực ngoài Nhà nước để xây dựng môi trường kinh doanh không dung túng cho những hành vi sử dụng hoặc lợi dụng các quan hệ cũng như những lợi thế không lành mạnh để cạnh tranh” - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Thực tế cho thấy, ở những nơi tham nhũng hoành hành, các DN nước ngoài đều không sẵn lòng đầu tư vì các chi phí kinh doanh tăng cao hơn đáng kể. “DN Việt Nam chưa đẩy vấn đề ở mức độ tuân thủ tương xứng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN. Quan trọng, các DN nước ngoài “say no” với tham nhũng, nhất quyết không chấp nhận những dấu hiệu có yếu tố tiêu cực và sẽ lựa chọn những đối tác có cam kết liêm chính” - lãnh đạo Vụ Pháp chế nhấn mạnh.

Dự thảo Luật PCTN không đặt ra câu chuyện can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các DN mà khuyến khích các DN đặt ra xây dựng bộ quy tắc ứng xử, áp dụng các biện pháp quản trị công khai, minh bạch để hội nhập, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tốt hơn.

Văn phòng Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cũng đưa ra khuyến nghị: “Các DN cần có một thái độ không khoan nhượng đối với tham nhũng và đưa vào áp dụng các chính sách quy định về các vấn đề như quà tặng, chuỗi cung ứng và người tố cáo nhằm thúc đẩy một môi trường bình đẳng và công bằng”.

Kiểm soát xung đột lợi ích của cán bộ

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Luật PCTN sang cả khu vực ngoài nước thể hiện Việt Nam tiếp tục nâng cao hơn nữa mức độ tuân thủ và lấp những “khoảng trống” được nhận diện sau khi đánh giá thực thi UNCAC chu trình thức nhất.

Bước sang năm 2017, công tác thực thi UNCAC của Việt Nam sẽ rất nặng nề. “Qua bốc thăm, Việt Nam đã được lựa chọn, là quốc gia được đánh giá chu trình thứ hai tập trung vào đánh giá thực hiện Chương II về các biện pháp phòng ngừa, Chương V về Thu hồi tài sản tham nhũng”, ông Nguyễn Hữu Lộc, quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của TTCP cho biết.

Trước những đòi hỏi đó, Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác quốc tế và hoàn thiện thể chế. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Dự thảo Luật PCTN đã bổ sung các chế định mới như kiểm soát xung đột lợi ích. Điều này xuất phát từ câu chuyện kiểm soát công vụ, kiểm soát đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để làm sao phòng ngừa sớm các vụ việc tham nhũng có thể xảy ra để tránh hậu quả. Nếu luật được Quốc hội thông quá cũng góp phần đánh giá chu trình thứ hai.

Với những việc đã, đang và sẽ làm, chúng ta tự tin khẳng định, quá trình hoàn thiện thể chế, pháp luật PCTN của Việt Nam ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một trong những định hướng tới là nâng cao tuân thủ UNCAC trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hướng đến chủ động bảo vệ người tố cáo PCTN

Qua rà soát sơ bộ thấy, hiệu quả tham gia của người dân trong đấu tranh PCTN chưa cao. Ngoài các yếu tố như quy định xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo (TC) chưa rõ, lòng vòng, thì yếu tố lớn là việc bảo vệ người TC.

Ngay sau khi có Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, TTCP đã chủ động nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật TC. Đến nay, bước đầu đã hoàn thiện Dự thảo theo hướng quy định để tạo điều kiện hơn cho người dân tham gia PCTN, cũng như xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong giải quyết TC.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, để phát huy hiệu quả người dân tham gia PCTN thì việc bảo vệ phải mang tính chủ động từ các cơ quan chức năng. Nghĩa là, khi thấy vụ việc có tính chất, mức độ có thể ảnh hưởng đến người TC, các cơ quan phải chủ động trong việc tiếp nhận thông tin, xác minh, xem xét cụ thể cho đến khi ra kết luận, rồi xử lý con người và các yếu tố có liên quan.

“Cả quá trình ấy được thực hiện không làm lộ, lọt thông tin liên quan đến người TC để họ yên tâm rằng khi thực hiện quyền TC đúng đắn sẽ không bị ảnh hưởng về danh dự, uy tín, tính mạng, công việc, sức khỏe. Quan trọng nữa là họ thấy được rằng, việc TC với thông tin đúng đắn được cơ quan Nhà nước sử dụng và trên cơ sở đó xử lý hành vi trái pháp luật”, lãnh đạo Vụ Pháp chế nhấn mạnh.

Ông Shervin Majlessi, cố vấn pháp luật cao cấp của Ngân hàng Thế giới/Sáng kiến về thu hồi tài sản bị đánh cắp: Phải lần ra tài sản tham nhũng nhanh hơn

Việt Nam đã nỗ lực rất lớn nhưng vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa số tiền bị đánh cắp bởi tham nhũng với số tiền được thu hồi. Tôi cho rằng, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm.

Trước hết, cần hoàn thiện thể chế để phòng ngừa tham nhũng, làm tốt công tác kê khai tài sản của công chức Nhà nước, phòng ngừa rửa tiền, chú trọng thực thi pháp luật. Các cơ quan chức trách cần đặt thu hồi tài sản là trọng tâm, không nên coi vấn đề này là việc sau cùng khi mọi việc đã rõ ràng.

Một điều tôi muốn nhấn mạnh, một lượng lớn tài sản tham nhũng không ở nước bị đánh cắp mà được chuyển ra nước ngoài. Cho nên, cần một sự hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn để các cơ quan thực thi pháp luật lần ra dấu vết, tìm ra được tiền nhanh hơn để phong tỏa được tải sản và cuối cùng là thu hồi để trả tiền về quốc gia bị ảnh hưởng.

Thảo Nguyên - Trần Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-ngoai/thiet-lap-moi-truong-kinh-doanh-liem-chinh-loai-bo-thue-an_t114c1065n114573