Thiệt thòi vì thiếu hiểu biết

'Tôi có nhận cầm sổ BHXH của một người để cho họ vay 15 triệu đồng. Đến nay đã hơn 2 năm và quá thời hạn như giao kết. Người đó có thể làm lại được sổ BHXH không? Tôi phải làm gì để đòi lại số tiền của mình đã cho người đó vay?'. Bạn đọc có số điện thoại 01632695XXX (tạm gọi tên là Nguyễn Thị A) gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động giọng đầy bức xúc. Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi nhận được những cuộc gọi nhờ tư vấn để được bảo đảm quyền lợi, với lý do những người này thiếu hiểu biết về những quy định của pháp luật.

NLĐ nên đọc kỹ quy định trước khi muốn nghỉ việc để tránh rơi vào tình trạng chấm dứt HĐLĐ trái luật. Ảnh: Nam Dương

Nguy cơ từ “cầm cố” sổ BHXH

Chị A kể, nhà chị bán tiệm tạp hóa ở gần một một khu công nghiệp có hàng chục ngàn công nhân lao động ở tỉnh Bình Dương. Tình trạng công nhân mua thiếu hàng hóa khi cuối kỳ nhận lương mỗi tháng khá phổ biến. Việc công nhân phải thế chấp các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, chủ quyền xe máy để mua hàng là bình thường, nhiều chủ cửa hàng đều làm như thế. Nhưng đó là đối với công nhân còn việc làm. Còn đối với những công nhân đang nghỉ việc chờ xin việc làm mới thì sẵn có sổ BHXH họ “cắm” luôn sổ này để mua chịu, hoặc vay tiền để sử dụng vào việc khác trong khi chờ xin việc. Vì thế khi thấy có người cầm sổ BHXH để vay tiền (có lãi suất, như một dạng cầm đồ), chị A cũng đồng ý. Theo thỏa thuận giữa hai bên, anh B (tạm gọi tên công nhân kia) giao sổ BHXH có tham gia hơn 10 năm BHXH cho chị để vay 15 triệu đồng dùng vào việc riêng. Sau 1 năm, khi được nhận BHXH một lần, anh B sẽ nhận tiền và trả cho chị 20 triệu đồng, tính ra chị lãi 5 triệu đồng, hơn gửi tiết kiệm. Thời gian qua đi, hết hạn 1 năm, không thấy anh B nói gì, chị gọi điện thoại giục thì anh B chỉ nói đang bận đi làm ăn, sẽ về gặp chị trả tiền, lấy sổ BHXH sau. Chờ mãi không thấy anh B đến, chị A tiếp tục gọi điện thoại giục thì nhiều lần anh B không nghe máy và cuối cùng là “ò í e”, không liên hệ được.

Trường hợp chị A không phải duy nhất. Nhiều lần chúng tôi đã nhận được điện thoại nhờ tư vấn với tình trạng tương tự. Có bạn đọc hỏi có chuyển được số năm đã đóng BHXH của người khác để sang cho mình được không vì đã bỏ tiền cho người kia vay và cũng “cầm cố” sổ BHXH? Pháp luật về BHXH hiện hành tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian đã tham gia BHXH. Nghĩa là, người nào tham gia BHXH thì chỉ người đó được hưởng quyền lợi hay thân nhân của họ sẽ được hưởng quyền lợi về chế độ tử tuất khi đủ điều kiện. Trở lại trường hợp chị A, việc thỏa thuận giữa hai người là thỏa thuận dân sự. Do anh B không trả tiền chị A theo đúng thỏa thuận, chị A sẽ phải khởi kiện anh B ra tòa để đòi lại khoản tiền 15 triệu đồng đã đưa cho anh B kèm theo một khoản lãi suất. Còn nếu anh B có gian ý, thì có thể trình báo đã làm mất sổ BHXH và được cấp lại nếu cơ quan BHXH không phát hiện ra sổ BHXH này đã được cầm cố để vay tiền.

“Để bảo đảm quyền lợi, chị A sẽ phải khởi kiện anh B và yêu cầu tòa án nơi thụ lý vụ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đề nghị cơ quan BHXH chưa cấp lại sổ BHXH và giải quyết một số trường hợp về quyền lợi như BHXH một lần hay trợ cấp thất nghiệp của anh B. Hay chị A có thể làm đơn gửi cơ quan BHXH trình báo vụ việc và đề nghị hỗ trợ không cấp lại sổ BHXH cho anh B trong khi hai bên giải quyết với nhau về số tiền đã vay mượn”, luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn Luật sư TPHCM tư vấn.

Thiệt đơn, thiệt kép nếu “nghỉ ngang”

Một tình trạng khác cũng dẫn đến bị mất quyền lợi mà chúng tôi hay gặp câu hỏi đề nghị tư vấn, đó là việc NLĐ “nghỉ ngang”, hay nói một cách chính thống là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Hầu hết những trường hợp này đều có chung tình huống bị NSDLĐ yêu cầu bồi thường ½ tháng lương và số tiền tương đương số ngày vi phạm do không báo trước đúng quy định rồi mới trả sổ BHXH. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp không hiểu đúng về quy định báo trước khi nghỉ việc. Theo quy định tại điều 37 BLLĐ 2012, thì chỉ những người có HĐLĐ không xác định thời hạn mới được quyền nghỉ việc mà không cần lý do, nhưng phải báo trước 45 ngày, trừ trường hợp lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ quan y tế có thẩm quyền. Còn lại, trường hợp có HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng hoặc HĐLĐ mùa vụ dưới 12 tháng, thì ngoài thời gian báo trước là 3 hay 30 ngày, còn phải kèm theo lý do chính đáng như không được trả lương, bố trí làm việc theo đúng HĐLĐ; bị ngược đãi, cưỡng bức lao động hay quấy rối tình dục, bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ; được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước; bị ốm đau, tai nạn đã điều trị dài ngày liên tục... Như vậy, đối với những trường hợp này, phải có điều kiện cần là lý do chính đáng và điều kiện đủ là báo trước một thời hạn theo luật định. Nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì đều rơi vào trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Theo quy định tại điều 43 BLLĐ 2012, nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, NLĐ phải bồi thường cho NSDLĐ ½ tháng lương theo HĐLĐ và tiền những ngày vi phạm báo trước, không được trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 1, 2, điều 43 BLLĐ. Nếu NLĐ được NSDLĐ bỏ tiền đào tạo, thì NLĐ còn phải bồi thường chi phí đào tạo. Chưa hết, nếu NSDLĐ ra quyết định cho NLĐ nghỉ việc vì lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, thì NLĐ còn không được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 49 Luật Việc làm.

“NLĐ sẽ bị thiệt đơn, thiệt kép nếu đơn phương nghỉ việc trái pháp luật. Vì vậy, trước khi muốn nghỉ việc, NLĐ cần đọc kỹ các quy định của pháp luật hoặc nhờ tư vấn pháp luật để tránh thiệt thòi”, luật sư Nguyễn Hữu Học, phân tích.

Nam Dương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/thiet-thoi-vi-thieu-hieu-biet-563196.ldo